Thứ sáu 16/05/2025 - 17:39
Phóng sự
Trào lưu quái dị của thanh niên Trung Quốc: Nam giả nữ
Thứ Tư 25/07/2012 - 12:07
Báo chí Trung Quốc cho biết, trào lưu nam giả nữ từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng đang trở thành một thứ bệnh khó chữa của nước này. Đa phần thanh thiếu niên Trung Quốc nghiện “giả gái” khi được hỏi đều nói, "giới trẻ nước ngoài thích được thì mình cũng thích được" hay "người ta đã không phản đối vậy sao mình phải phản đối".
Báo chí Trung Quốc cho biết, trào lưu nam giả nữ từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng đang trở thành một thứ bệnh khó chữa của nước này.
Nhạc Hàn phủ bóng đen
Trang mạng Sina.com dẫn lời nhiều chuyên gia tâm lý Trung Quốc nói, giới trẻ Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ những gì họ thấy trên các chương trình Hàn Quốc đang được ưa chuộng. K - Pop, tức nhạc trẻ Hàn Quốc là thứ mốt thời thượng với không ít thanh thiếu niên Trung Quốc. Có thể thấy điều này qua việc băng đĩa nhạc xứ Hàn đang làm mưa làm gió ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong đó, cũng chẳng khó bắt gặp những pha uốn éo, vũ điệu sexy, thậm chí là cả pha “khóa môi” của các sao nam Hàn Quốc. Đa phần thanh thiếu niên Trung Quốc nghiện “giả gái” khi được hỏi đều nói, "giới trẻ nước ngoài thích được thì mình cũng thích được" hay "người ta đã không phản đối vậy sao mình phải phản đối".
Nam thanh niên trang điểm giống con gái
Không chỉ dừng lại ở việc giả gái, các “nam thần tượng” xứ Hàn còn thoải mái phô diễn cả những nụ hôn "cháy bỏng" cùng bạn đồng giới ngay trên sân khấu. Tờ Tin tức phương Nam của Trung Quốc cho biết, nhiều phụ huynh gọi điện đến báo xin cầu cứu, vì họ không thể bảo con mình thôi bắt chước những cô gái tóc xanh tóc đỏ, uốn éo trên sân khấu.
“Bảo nó tắt TV, nó đi mua đĩa về xem. Cấm xem, nó lại sang nhà bạn. Bọn trẻ ngày nay bị cuồng nhạc Hàn mất rồi”, một phụ huynh nói. Những cái tên bị chỉ mặt là: Big Bang, Super Junior, 2PM, 2AM, SHInee, Beast, ca sĩ gạo cội Se7en... Giới phân tích âm nhạc Trung Quốc nói, không thể phủ nhận những yếu tố tích cực trong âm nhạc, song những chiêu trò giữ khách của những nhóm nhạc này đang tác động xấu đến giới trẻ.
Gần như có một thứ công thức để khiến đám đông khán giả gào rú trong cơn phấn khích, đó là: giả gái + hôn nhau. Nhưng trong khi phụ huynh, báo chí, nhà tâm lý tìm cách phân tích, chỉ ra những thứ đi ngược luân thường đạo lý, giới trẻ Trung Quốc lại phản ứng ngược lại. Nói đúng hơn là những người si mê thói quen giả gái, hoặc fan cuồng của K – Pop.
Nhạc Trung Quốc bị chê là nhàm chán, thiếu sức sống và không có những màn vũ đạo “bắt mắt” như nhạc Hàn. Ngay đến người được coi là Thiên vương của nhạc Trung Quốc như ngôi sao Châu Kiệt Luân cũng bị lôi ra “ném đá” vì “tội” không có những pha giả gái. Sự vụ căng thẳng tới mức nhiều tờ báo Trung Quốc phải giật tít: “Phải chăng nhạc Hàn đang đè bẹp chúng ta ngay trên sân nhà?”. |
Trên website baidu.com, công cụ tìm kiếm lớn nhất, nổi tiếng nhất Trung Quốc, với từ khóa “nam giả nữ”, có thể thấy gần 1 triệu kết quả sau 0,26 giây. Thử vào một chủ đề “nam giả nữ” trên mục hỏi đáp của nhà cung cấp baidu dành cho người dùng, có xấp xỉ 4.000 comment (ý kiến) ca ngợi việc bắt chước sao Hàn, hay ủng hộ trào lưu nam ăn mặc như nữ.
Bệnh tâm lý?
Ở góc độ khác, một số nhà nghiên cứu nói trào lưu ăn mặc giả nữ xuất hiện chính trong kịch truyền thống Trung Hoa. Theo tờ Chinadaily, trào lưu thời trang cross-dressing (mặc trang phục ngược với giới tính của mình), một lối ăn mặc phổ biến của loại hình kịch nghệ truyền thống Trung Hoa, đang trở thành xu hướng thời trang mới của sinh viên Đại học Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Người khởi xướng trào lưu này được cho là Tiểu Lục.
Thời nay, những câu lạc bộ như kiểu “nam giả nữ” của Tiểu Lục đang có hơn 300 người tham gia. Tiểu Lục là sinh viên Đại học Trung Nam. Cậu cho biết bắt đầu cross-dressing (tiếng Trung Quốc là Dị nam tích – thói cuồng mặc đồ nữ giới) từ 3 năm về trước khi cùng với một số bạn bè tình nguyện hóa trang vào vai nhân vật nữ trong một buổi biểu diễn hoạt hình.
Nam thanh niên đang khâu váy cho mình
Sau thành công của chương trình, có rất nhiều bạn bày tỏ mong muốn tham gia nhóm của Tiểu Lục. Và họ quyết định thành lập Câu lạc bộ mang tên Alice Nisemusume, một câu lạc bộ gồm các nam sinh hóa trang thành nhân vật hoạt hình nữ. “Tôi chỉ muốn mang đến cái nhìn mới mẻ và sự sống cho các nhân vật hoạt hình trong truyện tranh Nhật Bản,” Tiểu Lục nói với tờ Chinadaily.
Đến nay câu lạc bộ này đã trở thành một trong những hiệp hội phổ biến nhất tại trường Đại học Vũ Hán, thu hút nhiều sinh viên hâm mộ truyện tranh Nhật Bản tham gia. Câu lạc bộ có hơn 300 thành viên tham gia đến từ nhiều trường đại học khác nhau trong thành phố. Với mỗi sự kiện, mỗi thành viên được trả thù lao khoảng 165.000 đồng Việt Nam.
Một nguyên nhân khác được cho là xuất xứ từ "Kinh kịch" truyền thống Trung Quốc, đa số vai nữ do nam đảm nhiệm. Giới nghiên cứu "Kinh kịch" cho biết, khi nam đóng vai nữ, cảnh hành động sẽ đẹp hơn, động tác liền mạch hơn và giọng ca cũng tốt hơn.
Thế nên, không ít người cho rằng, đa số nam tài tử một thời của "Kinh kịch" là... thái giám. Mặt khác, không ít nam diễn viên thành danh với vai nữ trong "Kinh kịch" thường mắc chứng “nữ giới hóa”, hay ngôn ngữ hiện đại gọi là “gay”.
Điều khiến những nhà nghiên cứu xã hội Trung Quốc băn khoăn là, căn bệnh nghiện giả gái dường như không chỉ xuất hiện trong giới trẻ. Mới đây, bài viết trên Hoa Thương thời báo cho biết, có không ít người đứng tuổi mắc căn bệnh này, thậm chí đó có cả những trí thức. Bài viết của Hoa Thương thời báo nói đến một vị giáo sư đại học rất thích mặc đồ nữ. Ông giáo sư có thói quen nằm trong phòng đọc sách với quần áo ngủ của phụ nữ.
Những cuộc kiểm tra bệnh lý cho thấy, ông giáo sư không mắc bệnh gì. Sau này, vợ ông giáo sư phát hiện trong nhật ký có đoạn: “Mỗi ngày tôi mặc bộ đồ màu hồng của cô ấy đi ngủ, tôi cảm thấy niềm vui vô bờ bến. Mỗi lần như thế, có cảm giác như vợ mình đang ôm mình vậy”.
Hết cách, các bác sỹ đành cho rằng, ông giáo sư bị mắc căn bệnh tâm lý tưởng chừng chỉ thuộc về giới trẻ: Nghiện giả nữ giới, nghiện mặc đồ nữ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trao-luu-quai-di-cua-thanh-nien-trung-quoc-nam-gia-nu-d97966.html