| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 26/04/2025 - 15:08

Khuyến nông

Trang trại ở Tiền Hải

Thứ Ba 02/06/2009 - 10:38

Không chỉ tôi, mà nhiều người ở ngoài xã Vũ Lăng, khi nhìn toà nhà hai tầng bề thế này, cũng từng lầm là trụ sở UBND xã,...

Chủ trang trại Đặng Thế Huyễn
- Sao các ông lại đưa vào uỷ ban xã? Tôi muốn đến một trang trại cơ mà.

Ông Phó phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải (Thái Bình) cười:

- Vâng, em đang đưa bác đến trang trại Đặng Thế Huyễn đấy chứ.

- Rõ ràng là đang đến uỷ ban. Mà quái lạ, sao xã này lại xây trụ sở uỷ ban giữa cánh đồng xa tít thế?

- Không phải trụ sở UBND xã đâu. Đó là “trụ sở” của trang trại Đặng Thế Huyễn đấy.

Thật là “bé cái nhầm”, nhưng không chỉ tôi, mà nhiều người ở ngoài xã Vũ Lăng, khi nhìn toà nhà hai tầng bề thế này, cũng từng lầm là trụ sở UBND xã, vì với lối kiến trúc kiểu công sở, trông nó còn khang trang hơn không ít trụ sở UBND xã ở tỉnh lúa này. Phòng làm việc của chủ trang trại có máy tính và các thiết bị văn phòng hiện đại khác. Hơn mười công nhân thường xuyên ăn, ở trong toà nhà. Cứ bốn người một phòng. Phòng ở của họ tương đương với phòng của một khách sạn “bình dân” thành phố, lương tháng của công nhân bình quân 2 triệu đồng/người, trang trại bao ăn toàn bộ.

Chủ trang trại, anh Đặng Thế Huyễn cho biết, với tổng diện tích 5,5 ha, trong đó 3 ha mặt nước, trang trại của anh có mặt hàng chủ lực là lợn thương phẩm giống ngoại siêu nạc. 160 con bố mẹ cho lượng lợn con đủ nuôi, tạo thành một chu trình khép kín. Năm 2008 anh xuất chuồng 2.000 con, tổng cộng 180 tấn. Với giá hơi bình quân 33.000 đồng/kg, thêm hơn 10 tấn cá và khoảng 1.000 gia cầm, tổng doanh thu của trang trại đạt 6 tỷ đồng. Hỏi lãi ròng bao nhiêu, đáp rằng độ 20%. Nghĩa là khoảng1,2 tỷ đồng. Tôi làm một so sánh:

- Trong dịp sang giao lưu với nông dân ta ở Hải Dương, chủ một trang trại trồng ngô của Mỹ cho biết, trang trại của ông rộng trên 600 ha, thế mà lãi ròng sau thuế chỉ là 900.000 USD/năm. Trang trại này chưa bằng 1% diện tích đó, mà đã cho lãi vậy. Đủ biết trình độ kinh doanh của chủ trang trại ở ta cũng không tồi.

- Quy trình khép kín từ sản xuất giống đến lợn thương phẩm đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều. Người khác mua lợn con từ 6 đến 6,5 kg về nuôi. Lợn con của tôi dứt mẹ sang nuôi thịt đạt 7,5 kg mỗi con, tức là cao hơn họ 1 kg. Với 1 kg ấy, tôi tiết kiệm được ít nhất 2 ngày thức ăn cho mỗi con. Hai ngàn con, thành 4 ngàn ngày. Bằng cách ấy, năm ngoái tôi tiết kiệm được khoảng 400 triệu tiền thức ăn…

Cùng là sản xuất lợn thương phẩm, nhưng anh Phạm Văn Thiêm ở xã Đông Lâm có cách làm khác. Anh ký hợp đồng nuôi gia công với một công ty của Thái Lan. Tìm sang xã Nam Cường thuê 2 ha đất với thời hạn 20 năm, anh bỏ vốn xây dựng chuồng trại theo thiết kế của đối tác, có người của đối tác giám sát. Đối tác cung cấp lợn giống (đưa đến tận trại), thức ăn, thuốc chữa bệnh, cử kỹ thuật viên theo dõi, kiểm tra, và khi heo xuất chuồng thì họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm nếu đạt yêu cầu.

Năm 2008, vừa xây dựng vừa nuôi, anh xuất được 350 tấn, cho doanh thu trên 10 tỷ đồng. Năm nay, trong 4 chuồng của anh hiện có 2.400 con sắp được xuất. Mỗi năm 2 lứa (135 ngày/lứa), ước tính sẽ đạt khoảng 500 tấn cả năm. Thiêm cho biết, ở Tiền Hải này, còn một trang trại nữa cũng nằm trên địa bàn Nam Cường chọn phương thức nuôi gia công như anh…

Rời Nam Cường, chúng tôi tìm đến xã biển Đông Minh, nơi có bãi tắm Đồng Châu thăm trang trại sản xuất giống thuỷ sản của anh Vũ Công Đình. Tuy đang bận tối mắt vì đang vụ ngao đẻ nhưng Đình vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. Khởi nghiệp từ 20 ha bãi ngao, nhưng rồi nhận thấy nhu cầu về giống của vùng biển mấy tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hoá rất lớn, anh quyết định theo nghề này. Thuê được 1 ha đất phía sau đê biển Đông Minh (nhưng thực tế chỉ được sử dụng 5.000 m2, diện tích còn lại là cơ đê), anh xây dựng cơ sở sản xuất giống và bỏ ra 250 triệu đồng mua công nghệ sản xuất cua giống.

Từ cua, anh làm thêm tôm giống và từ năm ngoái đến nay thêm cá bớp và ngao giống. Cơ sở sản xuất ngao giống của anh được xây dựng khá hoàn hảo: Có ao chứa nước đủ tiêu chuẩn để bơm vào bể đẻ, có bể cho ngao bố mẹ đẻ, bể nuôi tảo cung cấp cho ngao con ăn, ao ươm… Năm ngoái, doanh thu của cơ sở anh đạt 3,5 tỷ đồng. Đình cho biết, năm nay cá bớp và ngao đẻ rất tốt. Chỉ riêng ngày 27/5, đã có 3 tạ ngao bố mẹ đẻ, tính từ đầu năm đến giờ là 1,5 tấn. Năm 2009 này, anh dự định xuất khoảng 1 tỷ ngao con để phục vụ việc nuôi thương phẩm, hiện đã đưa ra ao ươm được 200 triệu con (trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng). Cá bớp thương phẩm đang có giá (160.000 đồng/kg) nên bớp giống sản xuất đến đâu hết đến đó, thị trường chủ yếu là Nam Định và ngay trong huyện Tiền Hải. Còn ngao giống?

- Các anh không nhìn thấy cả bãi biển Đồng Châu giờ đã biến thành bãi nuôi ngao hết rồi à? Chỉ riêng huyện Tiền Hải này đã có 1.000 ha bãi ngao. Nhu cầu giống rất lớn. Mỗi ha một năm cần đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng tiền giống. Từ năm ngoái đến nay, tôi cho ngao đẻ vẫn chỉ là mang tính chất thí điểm thôi. Nếu thành công, thì để đủ ngao giống cung cấp cho chỉ riêng huyện này, doanh thu đã từ 500 đến 1.000 tỷ mỗi năm rồi. Nhưng mà còn xa mới đạt được ước mơ đó.

Nhìn qua kính hiển vi, thấy trong mỗi cm3 nước lấy từ bể ngao mới đẻ trong ngày ra có hàng chục ngao con li ti đang bơi. Tôi hỏi:

- Tiêu chuẩn ngao giống của anh thế nào?

- Đó chính là chỗ “lấn cấn” nhất của tôi. Ngao đã đẻ được rồi, đã đưa ra bãi ươm rồi. Nhưng vì Bộ NN&PTNT chưa công bố bộ tiêu chuẩn giống ngao, nên cả người sản xuất lẫn người mua giống đều chưa biết dựa vào cái gì để mà đánh giá cả. Đành chờ vậy. Ông giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Thái Bình đang trên đường xuống đây để xem ngao của tôi đẻ đấy…

Mấy năm gần đây, số lượng trang trại ở Thái Bình tăng lên rất nhiều. Cả tỉnh có trên một ngàn trang trại đúng với nghĩa của nó. Riêng Tiền Hải, con số trang trại là gần 400. Gần 400 trang trại, tổng diện tích chỉ chiếm chưa đầy 1/10 tổng diện tích canh tác của huyện, nhưng nếu chỉ tính doanh thu bình quân của mỗi trang trại là 2 tỷ đồng/năm, thì gần 400 trang trại đó đã cho tổng doanh thu ngót 1.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy một khi ruộng đất được tích tụ, tham gia vào quá trình kinh doanh thì sinh lợi nhuận rất cao. Nghiên cứu về trang trại, một chuyên gia cho biết:

- Với hơn 83 ngàn ha đất canh tác, Thái Bình chỉ cần một vạn chủ trang trại (mỗi người quản lý hơn 8 ha) và 10 vạn công nhân nông nghiệp, kỹ thuật viên có tay nghề cao làm trong các trang trại đó (10 người/trang trại), nhưng doanh thu sẽ lớn gấp nhiều lần kiểu canh tác tự cấp tự túc, mỗi hộ ba bốn mảnh ruộng hiện nay. Và điều đó chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta đào tạo nghề cho nông dân một cách nghiêm chỉnh, để họ sống được bằng nghề, giải phóng họ khỏi đồng ruộng, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất.

Thật là một ý kiến táo bạo và thuyết phục. Nhưng bao giờ?

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trang-trai-o-tien-hai-d34074.html