| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 04:05

Phóng sự

Trắng đêm săn cá mòi ngược nước sông Lam

Thứ Năm 24/04/2025 - 03:52

Đêm, khi mọi người vào giấc ngủ thì trên sông Lam, người dân các làng chài vẫn lặn lội với công việc mưu sinh: săn cá mòi ngược nước.

Người dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) rời bến đi đánh cá mòi lúc nửa đêm. Ảnh: Huy Thư.

Người dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) rời bến đi đánh cá mòi lúc nửa đêm. Ảnh: Huy Thư.

   

Thâu đêm giăng lưới

Những ngày này, người dân các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương... (Nghệ An) làm nghề đánh cá trên sông Lam đang vào mùa đánh bắt cá mòi ngược nước. Mỗi năm, loài cá này chỉ ngược nước sông Lam lên phía thượng nguồn một lần vào mùa Xuân.  

Cá mòi ngược sông cả ngày và đêm. Tuy nhiên đánh bắt buổi tối được nhiều cá hơn nên người dân các làng chài chủ yếu đi đánh cá đêm. Khi hoàng hôn buông xuống, trên những khúc sông nơi bà con hay săn cá trở nên nhộn nhịp khác thường. Khắp mặt sông lấp lánh ánh đèn pin, đèn điện, đèn hiệu... của người đi đánh cá.

Thuyền máy, thuyền chèo nhổ neo, rời bến. Dụng cụ để săn cá mòi là những tấm lưới chuyên dụng, được người dân chuẩn bị chu đáo, treo cẩn thận trên cọc lưới đầu mui thuyền. Phần cuối mỗi chiếc lưới đánh cá đêm thường được gắn với 1 chiếc đèn phao. Đèn này sử dụng pin tiểu, cắm trên chai nhựa bọc 1 miếng xốp sẽ sáng nhấp nháy trên sông. Người đánh cá sẽ căn cứ vào ánh đèn để biết lưới của mình trôi đến đâu. Đèn phao gắn trên lưới không chỉ phải sáng mà còn có màu sắc riêng để phân biệt.

Cá mòi vảy nhỏ, màu trắng, mình dẹt, là loài cá sinh sống ở biển nhưng mùa sinh sản lại đẻ trứng ở sông, suối nước ngọt. Cá con lớn lên theo dặm dài của dòng sông và trôi ra biển. Đến mùa sinh sản, chúng lại ngược dòng bơi về đúng nơi mình sinh ra để đẻ trứng.

Xóm Thanh Tân, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) có hàng chục gia đình (cả người dân vạn chài định cư ven bờ sông Lam và người dân trên bộ) làm nghề đánh cá mòi. Hộ ít thì có 1 - 2 chiếc thuyền, hộ nhiều thì 3 - 4 chiếc. Tùy vào sở thích của mỗi nhà mà bà con xuất bến lúc đầu hôm hay lúc nửa đêm. Dù đi sớm hay muộn thì các thuyền cũng chỉ đánh bắt tầm 4 - 5 tiếng đồng hồ rồi về bến.

Anh Ngô Công Quế (40 tuổi) - một ngư dân có thâm niên đánh bắt cá mòi ở trong xóm chia sẻ: Mùa cá mòi, đêm nào vợ chồng anh cũng xuống thuyền đi đánh cá. Vợ lái thuyền còn anh thả và thu lưới. Theo anh Quế, lúc buông lưới, các thuyền sẽ chạy ngang hoặc dọc sông. Thời gian mỗi “trộ lưới” tính từ lúc rải đến lúc thu về khoảng 1 - 1,5 tiếng đồng hồ. Mỗi đêm, một người đi đánh cá cũng chỉ rải được vài ba trộ, nhiều thì 5 - 6 trộ.  

   Các thuyền đánh cá mòi ở  xã Thượng Tân Lộc thường rải lưới trên khúc sông vắng dưới chân núi Hổ và ngược hay xuôi dòng sông Lam tầm 1km. Nhiều thuyền đi làm xa có thể lên tận chợ Phuống (Thanh Chương) hay xuống đến vùng chợ Liễu (Hưng Nguyên). Mỗi thuyền thường mang theo từ 5 - 10 tay lưới dài tầm 100 - 300m, rộng 1,5 - 2,5m.  Sau khi thả lưới, người đánh cá neo thuyền, chợp mắt tạm thời trên mui hay nằm lướt điện thoại “giết thời gian” chờ thu lưới.  Ông Nguyễn Đình Loan (65 tuổi) đang đánh cá trên sông cho biết: “Khi thu lưới xong, các thuyền thường phải chong đèn gỡ cá trong đêm. Thời gian gỡ xong 1 mỗi tấm lưới thường kéo dài 30 - 40 phút. Giữa mùa cá mòi, cá dính đầy lưới, gỡ mỏi cả tay”.

Lưới đánh cá mòi dài từ 100 – 300m. Mỗi đêm, các thuyền đánh cá thường rải được  3 -5 mẻ lưới. Ảnh: Huy Thư.

Lưới đánh cá mòi dài từ 100 – 300m. Mỗi đêm, các thuyền đánh cá thường rải được  3 -5 mẻ lưới. Ảnh: Huy Thư.

Cá mòi thân dẹt dễ mắc lưới và chỉ cần gỡ ra khỏi lưới là chết ngay. Do đó khi kéo lưới lên, bà con thường gỡ cá và cho ngay vào thùng xốp đựng đá lạnh nhằm bảo quản cá được lâu hơn. Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, bà con các làng chài  trên sông Lam đều dùng lưới, tuyệt đối không dùng kích điện, chất nổ trong khai thác.

 Lộc trời của bà con làng chài

 Dọc sông Lam từ thượng nguồn đến Cửa Hội, người dân các làng chài xứ Nghệ vẫn kể cho nhau nghe về truyền thuyết cá mòi. Chuyện kể rằng cá mòi là do chim ngói hóa thành. Mùa thu, chim ngói bay từ rừng ra biển, hóa thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau, cá mòi bơi ngược về rừng để biến thành chim ngói.

Truyền thuyết này lý giải vì sao cá mòi lại bơi từ biển về sông để sinh sản và khi mổ bụng cá lại thấy có mề như mề của loài chim ngói. Với người dân làm nghề đánh cá trên sông Lam, mùa cá mòi ngược nước là một dịp kiếm tiền thuận lợi. Cá mòi là thứ “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng để bù đắp cho những tần tảo, mưu sinh khuya sớm của bà con các làng chài.

Cá mòi là thứ 'lộc trời' mà thiên nhiên ban tặng để bù đắp cho những tần tảo, mưu sinh khuya sớm của bà con các làng chài. Ảnh: Huy Thư.

Cá mòi là thứ “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng để bù đắp cho những tần tảo, mưu sinh khuya sớm của bà con các làng chài. Ảnh: Huy Thư.

Tầm 5 - 6h sáng, thuyền đi đánh cá mòi ban đêm ở xã Thượng Tân Lộc sẽ lần lượt cập bến. Mờ sáng, nhiều thuyền đánh cá dưới chân núi Hổ vẫn cố gắng kéo mẻ lưới cuối cùng. Anh Ngô Văn Công (35 tuổi) đang chuyển cá lên bến cho biết: Gia đình anh có 4 cha con làm nghề đánh bắt cá mòi.

Đêm xuống, mỗi người sử dụng một con thuyền gắn máy khoảng 10 mã lực rời bến đi săn cá, mờ sáng hôm sau mới về bến bán hàng. Đánh cá mòi cũng hên xui, hôm được ít, hôm được nhiều. “Mấy hôm nay nắng hanh, bà con ở đây trúng đậm cá mòi. Nhiều thuyền đánh được hàng nghìn con. Riêng tôi mỗi đêm trúng cá cũng săn được khoảng 40 - 50 kg”, anh Công nói.  

Người dân làng chài gỡ cá. Ảnh: Huy Thư.

Người dân làng chài gỡ cá. Ảnh: Huy Thư.

Kinh nghiệm của người dân địa phương, những hôm “động trời”, nắng to lâu ngày sắp chuyển mưa, hay rét mướt kéo dài chuẩn bị nắng, thuyền săn cá mòi thường trúng cá gấp 2 - 3 ngày thường. Theo bà Lan, nghề thả lưới săn cá mòi ban đêm phải thức đêm mất ngủ. Những khi lưới vướng vào gốc cây, thân cây, hay tảng rác trôi trên sông thì việc thu lưới sẽ gặp khó khăn, nhiều khi hỏng cả dụng cụ. Trên một khúc sông cùng lúc có nhiều thuyền rải lưới, lưới trôi dễ dính vào nhau, gỡ rối rất phức tạp. Năm nay, gió mùa kéo dài, tháng 3 âm lịch vẫn có những đợt rét tăng cường cũng bất lợi cho người dân làm nghề đánh cá mòi.

    Cá mòi chế biến được nhiều món ngon như rán giòn chấm nước mắm tỏi, kho nghệ, nướng lá bưởi, xay nhuyễn, viên tròn nấu canh chua… Bà con ở đây đánh bắt được cá mòi thường bán cho lái buôn thu mua tại bến. Nhiều người muốn kiếm thêm chút đỉnh thì mang cá sang chợ Sa Nam hay bày bán hai bên quốc lộ 15. Người sử dụng thành thạo điện thoại thông minh thì bán online, thuyền vừa về bến đã phát trực tiếp lên mạng xã hội để bán hàng. Một số gia đình bảo quản nhiều cá mòi trong tủ lạnh để ship cho người quen khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc...

Năm nay, giá cá mòi đầu mùa ở Nghệ An giao động từ 70 - 100 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi năm ngoái. Giữa mùa, bà con đánh bắt được nhiều, giá hạ xuống còn 30 000 – 35.000 đồng/kg. Mùa cá mòi diễn ra trong thời gian ngắn (từ tháng 3 đến hết tháng 4) nhưng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân các làng chài làm nghề đánh cá trên sông Lam.

Hoàng hôn sông Lam. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Hoàng hôn sông Lam. Ảnh: Nguyễn Đạo.

                                                      

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trang-dem-san-ca-moi-nguoc-nuoc-song-lam-d749843.html