Thứ ba 06/05/2025 - 16:49
Chính trị
'Trả lại vị thế xứng đáng cho nhà giáo': Tâm huyết từ nghị trường
Thứ Ba 06/05/2025 - 16:41
Bài phát biểu đầy tâm huyết của đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh tại Quốc hội mong muốn trả lại vị thế xứng đáng cho nhà giáo qua Dự thảo Luật Nhà giáo.
- Dạy thêm, học thêm: Cấm ép buộc nhưng cần nhìn từ thực tiễn
- Sở GD-ĐT tuyển dụng, sắp xếp giáo viên sau khi địa phương bỏ cấp huyện
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) đã có bài phát biểu đầy cảm xúc, thể hiện nỗi trăn trở sâu sắc về nghề giáo, nghề được coi là “cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Từ những bất cập trong chính sách hiện hành đến những kỳ vọng gửi gắm trong bộ luật mới, ông đã đặt ra nhiều vấn đề gai góc, nhưng cũng rất nhân văn.

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh), Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Giáo viên - người giữ hồn dân tộc
Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Bế Trung Anh nhấn mạnh: “Con cái chúng ta, tương lai đất nước của chúng ta, được quyết định bởi những con người mà hôm nay chúng ta đang cùng nhau xây dựng một bộ luật dành riêng cho họ, những nhà giáo.”
Ông trích dẫn Nelson Mandela và Raja Roy Singh để khẳng định vai trò tối thượng của giáo dục và nhà giáo đối với vận mệnh quốc gia. “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vượt qua tầm vóc của chính những người thầy”, ông nhấn mạnh. Theo ông Bế Trung Anh, khi đã thừa nhận vai trò này, thì nhà giáo không nên chỉ nhận được những “ưu đãi”, mà cần có sự “đãi ngộ” thực sự xứng tầm, đúng với vị trí của họ trong xã hội.
Khi thầy cô phải... làm thêm để sống
Đại biểu Trung Anh không né tránh hiện thực: nhiều giáo viên hiện nay phải xoay xở mưu sinh bằng đủ nghề tay trái, từ bán hàng online, làm xe ôm công nghệ, đến cả môi giới bất động sản. “Câu hỏi nhức nhối ấy, giáo viên kiếm sống bằng cách nào, đã không còn nằm trong tiềm thức mà hiện rõ mồn một trước mắt xã hội. Và họ đang chờ lời giải từ chính những người làm luật, từ chính chúng ta”, ông nói thẳng thắn.
Sự thật ấy, theo ông, không chỉ khiến hình ảnh nhà giáo mất đi vẻ “sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò” mà còn làm lung lay niềm tin và sự kính trọng từ chính phụ huynh và học sinh. Những người mà theo ông lẽ ra phải là chỗ dựa tinh thần của nhà giáo.

Cô giáo Quàng Thị Xuân, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) bên các em học sinh. Ảnh: NVCC.
Hồi chuông báo động về bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường trong thời gian gần đây càng khiến dư luận xót xa hơn khi nạn nhân không chỉ là học sinh mà còn là giáo viên, những người bị chính học sinh hoặc phụ huynh hành hung.
Đại biểu Bế Trung Anh cho rằng, nguyên nhân sâu xa không chỉ nằm ở đạo đức, văn hóa ứng xử mà còn ở chính sách chưa đảm bảo để nhà giáo được toàn tâm toàn ý với nghề.
Ông đặt vấn đề: “Làm sao để giáo viên được khuyến khích sáng tạo, được bảo vệ khi thực hành sáng tạo? Làm sao để họ yên tâm cống hiến khi cuộc sống thường nhật còn quá nhiều lo toan?”
Luật mà hơn cả một bộ luật
Theo đại biểu Bế Trung Anh, Luật Nhà giáo không chỉ đơn thuần là một văn bản quy phạm pháp luật, mà cần mang trong mình sứ mệnh trả lại danh xưng, vị thế và niềm kiêu hãnh cho nghề giáo. “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Mọi khởi đầu vững chắc đều cần bắt đầu từ việc chăm lo ở mức cao nhất cho những người ‘trồng cây, ươm mầm thế hệ trẻ’.”
Ông tha thiết đề nghị Quốc hội không chỉ thông qua luật này, mà còn điều chỉnh, hoàn thiện để bộ luật thực sự gần gũi với thực tiễn, sâu sắc về triết lý và có hiệu lực thực thi cao. “Hãy để nhà giáo được tự hào với nghề mình chọn, để họ không còn phải lo cơm áo gạo tiền, mà được toàn tâm toàn ý vào việc dạy dỗ con em chúng ta, điều quý giá nhất của mỗi gia đình, của cả dân tộc”, ông chia sẻ đầy xúc động.
Hai đề xuất then chốt
Đại biểu Bế Trung Anh kiến nghị Ban soạn thảo hai điểm quan trọng: Thứ nhất là khẳng định triết lý giáo dục trong luật. Theo đại biểu, vì đây là dự thảo mới, không kế thừa luật cũ nên hoàn toàn có thể xây dựng một triết lý rõ ràng, nhất quán, khẳng định vị thế của nghề giáo và vai trò của nhà giáo như một trụ cột định hình giá trị xã hội.
Thứ hai là trả lời cho câu hỏi: Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Đại biểu nhắc lại triết lý giáo dục “Dân trí – Dân khí – Dân sinh” của cụ Phan Chu Trinh từ 100 năm trước để nhấn mạnh rằng, nếu không định vị được nền tảng giáo dục của quốc gia, thì việc phát triển bền vững sẽ chỉ là khẩu hiệu. “Chúng ta đều đang chờ một câu trả lời thỏa đáng”, ông khẳng định.
Lời tâm huyết của đại biểu Bế Trung Anh không chỉ là tiếng nói đại diện cho ngành giáo dục, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội về vai trò, vị thế và tương lai của người làm nghề "gieo chữ, trồng người".
Để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, thì người thầy phải được coi trọng bằng cả danh dự và điều kiện sống một cách thực chất, không chỉ là khẩu hiệu.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tra-lai-vi-the-xung-dang-cho-nha-giao-tam-huyet-tu-nghi-truong-d751695.html