Thứ ba 20/05/2025 - 14:47
Biến đổi khí hậu
TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu: [Bài 1] Dễ tổn thương trong 'vòng xoáy' phát triển
Thứ Ba 20/05/2025 - 14:35
Là đầu tàu kinh tế cả nước với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP.HCM đang đối mặt với các hệ lụy ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
- PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà được vinh danh là nhà khoa học nữ tiêu biểu
- Trao quyền cho phụ nữ trong ứng phó biến đổi khí hậu
- Bỉ đầu tư 3 triệu euro ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam
- TP.HCM phát triển du lịch xanh, thích ứng biến đổi khí hậu
Dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu
Không còn là cảnh báo xa vời, biến đổi khí hậu đang hiện diện ngày một rõ trong đời sống hàng ngày của người dân TP.HCM. Mỗi mùa mưa đến, hình ảnh các tuyến đường trung tâm ngập sâu trong nước, giao thông hỗn loạn, nhà dân bị nước tràn vào đã không còn xa lạ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hiện tượng triều cường liên tục lập đỉnh mới, đi kèm mưa lớn kéo dài đã khiến hệ thống thoát nước đô thị bị quá tải, làm tăng nguy cơ thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Theo đánh giá của tổ chức Climate Central, TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Với đặc điểm địa hình thấp và nằm ven biển, thành phố đứng trước nguy cơ ngập sâu nếu mực nước biển dâng thêm 1m. Báo cáo năm 2022 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, nếu không có hành động ứng phó mạnh mẽ, khoảng 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng do nước biển dâng vào năm 2050, tác động đến hàng triệu người dân.

TP.HCM ngày càng chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Ảnh: Hà Duyên.
Ông Lê Ngọc Quý – Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và Môi trường, Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam phân tích thêm, với địa hình thấp và nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn – Đồng Nai, TP.HCM thường xuyên ngập lụt khi mưa lớn hoặc triều cường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 70% diện tích TP.HCM có nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng và mưa lớn. Đồng thời, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng khiến nguồn nước ngọt khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Ngập lụt đô thị do mưa lớn kèm triều cường diễn ra thường xuyên tại các khu vực phía Nam thành phố. Bê tông hóa mặt bằng, sụt lún do khai thác nước ngầm và nước biển dâng càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đô, ảnh hưởng cả nước ngầm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước. Trong khi đó, các giải pháp sinh thái như hồ điều tiết tự nhiên ở vùng ven (như Cần Giờ) đang bị tổn thương, diện tích cây xanh và kênh rạch chưa được bảo vệ đầy đủ.
Tác động lan rộng
Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến hạ tầng mà còn gây tổn thất kinh tế và xã hội sâu rộng. Theo ông Lê Ngọc Quý, trong quý I/2025, TP.HCM ghi nhận hơn 453 căn nhà hư hại do mưa lớn, nhiều trụ điện và cây xanh bị đổ ngã, thiệt hại ước tính hơn 14 tỷ đồng. Nếu xảy ra một đợt lũ lịch sử, tổn thất hạ tầng có thể lên tới 7,8 tỷ USD và tài sản khoảng 18 tỷ USD, tương đương 20% GDP cả nước.

Nhiều tuyến đường TP.HCM ngập nặng khi mưa lớn. Ảnh: Hà Duyên.
Nhà cửa, đường sá, trường học… dễ bị hư hỏng khi ngập. Các khu nhà trọ, nhà tạm bợ thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề. Công trình công cộng như hệ thống thoát nước và trạm bơm tiêu không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Ngập lụt cũng gây ùn tắc giao thông kéo dài, gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Một số nhà máy phải đóng cửa tạm thời do ngập nước hoặc thiếu điện, nước sạch.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, TP.HCM có thể mất khoảng 50 triệu USD mỗi năm do biến đổi khí hậu, từ chi phí khắc phục, giảm năng suất lao động đến gián đoạn hoạt động kinh doanh. Các ngành công nghiệp và dịch vụ lớn sẽ buộc phải đầu tư thêm chi phí cho các giải pháp chống ngập, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sản xuất.
Bên cạnh thiệt hại vật chất, biến đổi khí hậu còn gây khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Mùa mưa dễ bùng phát dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết; mùa nắng nóng kéo dài gây say nắng, stress nhiệt. Cuối tháng 4/2024, TP.HCM trải qua chuỗi 74 ngày nắng nóng trên 35 độ C – mức kỷ lục nhiều năm. Thời tiết cực đoan đã làm trầm trọng thêm các bệnh về hô hấp và tim mạch.
TS. Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Không thể chỉ nhìn biến đổi khí hậu như vấn đề môi trường thuần túy mà phải đặt trong bối cảnh phát triển tổng thể. Mỗi chính sách quy hoạch, mỗi dự án hạ tầng đều phải tính đến yếu tố rủi ro khí hậu từ giai đoạn đầu”.
Đồng quan điểm, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần minh bạch dữ liệu khí hậu, nâng cao năng lực dự báo và khuyến khích đầu tư xanh. Những mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực khí hậu sẽ là chìa khóa để TP.HCM thích ứng hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.
Biến đổi khí hậu đang là phép thử lớn đối với năng lực quản trị đô thị của TP.HCM. Việc nhận diện đầy đủ thách thức mới chỉ là bước đầu – quan trọng hơn là hành động cụ thể, đồng bộ và bền vững.
Trên bình diện quản lý, TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức do quy hoạch thiếu đồng bộ, dữ liệu khí hậu chưa đầy đủ, mô hình cảnh báo sớm còn hạn chế, hệ thống chống ngập chưa được đầu tư bài bản. Cơ chế huy động tài chính từ khu vực tư nhân còn nhiều vướng mắc.
còn tiếp...
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tphcm-thich-ung-bien-doi-khi-hau-bai-1-de-ton-thuong-trong-vong-xoay-phat-trien-d753944.html