Thứ bảy 10/05/2025 - 15:09
Thế giới
Tổng thống Trump phê duyệt thương vụ bán vũ khí đầu tiên cho Ukraine
Thứ Bảy 10/05/2025 - 15:03
Mỹ sẽ cung cấp các bộ phận thay thế, dịch vụ bảo trì và đào tạo liên quan đến máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine với tổng trị giá 310 triệu USD.
- Giá phân bón ở Việt Nam sẽ tăng cao do xung đột Nga - Ukraina
- Chiến sự Nga – Ukraina sẽ làm nóng thị trường ngô Việt
- Căng thẳng Nga - Ukraine tác động mạnh tới thị trường phân bón
- Mỹ quyết định nối lại việc chuyển vũ khí cho Israel
Theo thông báo ngày 2/5 từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA), chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ lần đầu tiên hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trước đây, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã cung cấp 130 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Tờ The War Zone trước đó tiết lộ, nhiều thân máy bay F-16 đã qua sử dụng được tháo dỡ từ kho lưu trữ của Không quân Mỹ tại Arizona đã được vận chuyển bằng máy bay Antonov-124 của Ukraine, nhiều khả năng dùng làm linh kiện thay thế. Gói hỗ trợ lần này không bao gồm máy bay F-16 đang hoạt động hay tên lửa, tuy nhiên các đồng minh châu Âu được cho là đã cam kết cung cấp tổng cộng 85 chiếc F-16 cho Ukraine.

Việc bán vũ khí diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký Biên bản ghi nhớ ngày 30/4 về hợp tác khai thác các mỏ khoáng sản mới tại Ukraine, bao gồm kim loại, dầu khí. Ảnh: Kyiv Post.
Theo thỏa thuận, 50% nguồn thu từ phí bản quyền và giấy phép sẽ được trích lập vào Quỹ đầu tư tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, biên bản không nêu rõ mức đóng góp của các nhà đầu tư Mỹ hay thời gian triển khai cụ thể.
“Tuyên bố này là tín hiệu rõ ràng gửi tới Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết ủng hộ một Ukraine độc lập, hòa bình và thịnh vượng trong dài hạn”, ông Bessent nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong thông điệp tối 1/5 gọi đây là "một mối quan hệ đối tác thực sự bình đẳng", cho phép hai nước cùng "có lợi". Nhà Trắng cũng khẳng định: “Mối quan hệ này gửi đi thông điệp mạnh mẽ: Mỹ có lợi ích trực tiếp và sẵn sàng đồng hành cùng Ukraine đến cùng.”
Tổng thống Trump rút dần khỏi nỗ lực hòa bình
Một ngày sau khi ký thỏa thuận khoáng sản, chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu rút lại các cam kết về triển vọng hòa bình cho Ukraine, mặc dù ông từng tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh “chỉ trong vài ngày” sau khi nhậm chức.
Ngày 17/4, Mỹ đề xuất lệnh ngừng bắn cuối cùng cho cả Nga và Ukraina. Tuy nhiên, đến ngày 1/5, Phó Tổng thống JD Vance phát biểu trên Fox News rằng: “Giờ đây là trách nhiệm của họ. Chúng tôi sẽ không tiếp tục tổ chức các cuộc họp trung gian toàn cầu nữa”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhấn mạnh, Mỹ sẽ không can thiệp thêm, và Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia tạm quyền Marco Rubio cho biết, Mỹ cần tập trung vào các vấn đề khác như Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Ảnh: Getty Images.
Trong khi Ukraine đồng ý với đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Mỹ, Nga chỉ chấp thuận lệnh ngừng bắn ba ngày, từ ngày 7-9/5, nhằm đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ quốc tế tham dự lễ duyệt binh tại Moscow. Tổng thống Zelensky từ chối đề xuất này và kêu gọi lệnh "im lặng hoàn toàn" kéo dài một tháng, không có tên lửa hay máy bay không người lái.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, phát biểu của ông Zelensky là “một lời đe dọa rõ ràng tới các nhà lãnh đạo thế giới”. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng lệnh ngừng bắn ba ngày là phép thử “xem Kyiv có thực sự muốn hòa bình hay không”.
Chiến sự tiếp diễn ác liệt, Ukraine gặp khó
Từ đầu tháng 5, Nga đã phát động hơn 1.300 đợt tấn công, theo Bộ Quốc phòng Ukraine. Chỉ riêng tháng 4, Nga được cho là đã chịu tới 35.000 thương vong, nâng tổng số lên gần 126.000 kể từ đầu năm.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá tốc độ tiến công của Nga đang chậm lại do vấp phải các phòng tuyến vững chắc tại Kupiansk, Chasiv Yar, Toretsk và Pokrovsk.
Tướng chỉ huy quân đội Ukraine Oleksandr Syrskii cho biết, những mũi tấn công mạnh nhất đang dồn vào các khu vực Sumy, Kursk, Pokrovsky và Novopavlovsk. Ukraine cũng ghi nhận Nga gia tăng sử dụng bom lượn điều khiển (CAB), với 5.000 quả được thả trong tháng 4, tăng mạnh so với 1.830 quả hồi tháng 1.
Việc đối phó với loại bom này là một trong những lý do chính khiến Ukraine đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa từ thời Tổng thống Biden. Kyiv khẳng định chỉ khi có khả năng tấn công các sân bay sâu trong lãnh thổ Nga, họ mới có thể vô hiệu hóa được mối đe dọa này.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tong-thong-trump-phe-duyet-thuong-vu-ban-vu-khi-dau-tien-cho-ukraine-d752423.html