Thứ bảy 19/04/2025 - 22:58
Kinh tế
TKV dành hơn 1.000 tỷ đồng mua than nhập khẩu
Chủ Nhật 17/10/2021 - 11:50
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vừa có quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu mua than nhập khẩu từ quý IV/2021 với tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng.
- TKV điều động, bổ nhiệm nhiều 'sếp' lớn
- 4 cán bộ Công ty Tuyển than Hòn Gai bị bắt
- Các cổ đông lớn tại Công ty CP Bia và Nước giải khát Hạ Long
- Thế lực nào đứng sau các bãi than trong Cụm cảng Km6 Cẩm Phả?
Gói thầu mua than nhập khẩu này vốn từ vay thương mại và các nguồn hợp pháp khác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trị giá gói thầu có thể được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu, nếu thấy cần thiết.
Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, quốc tế không sơ tuyển, không qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Giá than thế giới đang tăng cao, TKV vẫn chi cả nghìn tỷ đồng để nhập
Theo khảo sát, từ đầu năm đến nay, giá than thế giới trung bình tăng mạnh 110% so với cùng kỳ năm 2020 và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Trong nước, chính sách giá than chịu sự quản lý chặt chẽ nên hầu hết doanh nghiệp ngành than nội địa chưa được hưởng lợi từ "cơn sốt" giá hiện tại.
Phân tích về thực trạng sản xuất và tiêu thụ than trong nước, báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, chỉ ra tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam trong chín tháng đạt 94.600 tỷ đồng (tăng 2,1% /năm) và sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 29,6 triệu tấn (giảm 1,3%/năm) do tình hình giãn cách xã hội kéo dài. Cùng với đó, huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.
Trong khi đó, chi phí sản xuất than trong nước đang tăng cao. Hiện tại, hai đơn vị sản xuất trong nước là TKV và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu khoảng 20%-25% lượng than từ Australia và Indonesia để trộn với than trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa.
Sang năm 2022, nhóm phân tích của SSI cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10%-15% do chi phí sản xuất than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng.
Trên cơ sở đó các doanh nghiệp khai thác than cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường (năm 2019 giá than Việt Nam đắt hơn 18% so với giá than nhập khẩu) nên dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tkv-danh-hon-1000-ty-dong-mua-than-nhap-khau-d305286.html