Thứ sáu 23/05/2025 - 08:21
Văn hóa
Tình người níu bước voi rừng
Thứ Sáu 23/05/2025 - 08:20
Bước ra khỏi miệng giếng sâu, voi con không chạy về rừng mà bám riết lấy những người đã cứu mình, để từ đó xây nên một tình yêu kỳ diệu.
- Tăng số đàn voi, hiện thực hóa nỗ lực tưởng chừng 'bất khả thi'
- Cùng hành động để bảo tồn voi
- Nghệ An: Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi
- Ông Tây đến Yok Đôn làm bảo tồn voi
Khoảnh khắc sinh tử bên miệng giếng sâu
Chiều 28/3/2016, giữa khu rẫy vắng vẻ của xã biên giới Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, những vết loang đỏ bùn đất của giếng nước cũ trùm lên tấm thân gầy guộc của một chú voi rừng mới chừng ba tháng tuổi. Tiếng rống thất thanh vang vọng giữa trảng cỏ khô thúc bước chân đội cứu hộ Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, cuộc đua với thời gian bắt đầu.
Khi anh Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk cùng đồng nghiệp có mặt, “bệnh nhân đặc biệt” chỉ còn đủ sức bấu móng vào thành giếng, đôi tai nhỏ cụp xuống vì kiệt sức.

Hình ảnh voi Gold lúc mới được giải cứu khỏi giếng sâu: Ảnh: Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk.
Dưới lòng giếng sâu hơn bốn mét, mùi hôi của rác mục lẫn bùn đất xộc lên, đe dọa hệ hô hấp yếu ớt của con non đang tuổi bú. Một vòng dây cáp được thả xuống, người giữ, người kéo, người người mong manh hy vọng.
Ròng rã hơn hai tiếng, Gold (cái tên định mệnh dành tặng về sau), đã được đưa lên trong tiếng thở phào xen lẫn nghẹn ngào. Trên miệng giếng, nỗi vui mừng cứu được Gold khiến người ta không còn cảm nhận thứ mùi bùn đất đậm đặc từ giếng đang xộc vào mũi. Nhưng thử thách chưa dừng: Gold mới nặng khoảng 100kg, bụng trống rỗng suốt nhiều giờ, lại chưa hề biết nhai thân chuối hay cật tre như voi trưởng thành.
Các cán bộ vội chạy hơn chục cây số tìm sữa bột trẻ em, xin nước ấm, rồi trở lại rừng khi đêm xuống. Từng ngụm sữa tan trong miệng voi bé, hòa cả mồ hôi mặn chát của những người mặc áo xanh kiểm lâm. Từ khoảnh khắc hơi ấm dòng sữa lan đầu lưỡi, Gold mặc nhiên coi nhóm cứu hộ là… “đàn” của mình. Sớm sớm, voi con lẽo đẽo theo từng vết giày, ngỡ đó là bước chân mẹ. Khi đội cứu hộ rời lán, Gold kêu rên, vòi quấn lấy ống quần.
Thương nhưng vẫn phải trả "con" về rừng.
Voi Gold lúc mới được giải cứu khỏi miệng tử thần vào ngày 28/3/2016 (khoảng 3 tháng tuổi) và Gold tháng 5/2025 khi đã lên 9 tuổi, nặng 1,6 tấn. Video: Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Công Chung, sau khi nhận thấy voi con khỏe mạnh và đi lại được, đơn vị đã để nó ở lại gần khu vực giếng với hy vọng voi mẹ và đàn quay lại đón để nhập con vào đàn. Tuy nhiên, ngày hôm sau, qua tin báo của người dân, Gold vẫn ở quanh khu vực giếng nên đơn vị lại quay vào đưa Gold về chăm sóc.
Ngày 4/4/2016, anh Chung cùng đồng nghiệp dẫn Gold tiến gần một đàn voi hoang dã vừa ghi nhận dấu chân. Tiếng rống của đàn vọng lại, Gold run run bước. Nhưng chỉ vài phút sau, trong ánh mắt ngỡ ngàng của cả đội, chú voi non... quay lưng, cắm đầu chạy theo hai “cán bộ mẹ”.
Lúc này, cả hai cán bộ rẽ ra hai hướng để Gold không chạy theo nữa. Gold đứng giữa ngã ba đường, quay trái chẳng thấy ai, quay phải cũng mất dấu. Đến tối, tài xế xe tải trên quốc lộ bất ngờ gặp một “cục xám” bơ vơ bên đường. Một lần nữa, anh Chung và đồng đội nhận được thông tin của tài xế báo có một chú voi con cứ đi theo xe nên các anh lại lên đường đón Gold về. Từ đó, câu chuyện “voi con ôm chân cứu hộ” lan ra khắp Tây Nguyên như một huyền thoại sống về lòng biết ơn nơi hoang dã.
Tình voi, nghĩa người
Nuôi voi con không khác gì nuôi trẻ sơ sinh, thậm chí vất vả hơn. "Mỗi đêm, đúng ba tiếng một lần, anh em trung tâm lại dậy pha sữa, canh nhiệt nước ở mức 40°C. Sữa sau đó được đổ vào những bình lớn, miệng rộng hơn cả bề ngang cánh tay người, được thiết kế đặc biệt để vừa với miệng voi con."
Có bận anh em trại ngủ quên, Gold ré lên nức nở, vòi quật loạn vào chấn song, đánh thức cả khu rừng Ea Súp Thượng. “Như nuôi con đỏ vậy, chậm phút giây là khóc đòi, lơ là chút là để lại di chứng đường ruột ngay nên phải chăm bẵm cẩn thận”, anh Chung nhớ lại. Từ con non một tạ, chín năm sau, Gold đã chạm mốc 1,6 tấn, cặp ngà mảnh mai và đôi mắt sáng, lí lắc.
Mỗi năm vào ngày 28/3, khu bán hoang dã của trung tâm lại rộn ràng tiếng hát mừng sinh nhật “chàng trai voi” - một nghi thức chưa từng có trong lịch sử voi nhà Đắk Lắk. Khách tham quan được mời kết vòng chuối, dứa và bắp non thành “bánh sinh nhật”, những người thân quen trong Trung tâm hát chúc mừng. Gold sung sướng huơ vòi đón từng trái cây, gật gù như hiểu hết niềm hân hoan.

Chú voi Gold hiện tại đã lên 9 tuổi, nặng 1,6 tấn, đang được chăm sóc hết sức đặc biệt ở Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk.
Bên ngoài câu chuyện riêng của Gold, Đắk Lắk vẫn đang chật vật giữa hai dòng chảy: phát triển du lịch và bảo tồn voi. Từ 500 cá thể voi nhà năm 1985, giờ chỉ còn 35; trong đó 15 cá thể vẫn cõng khách ở huyện Lắk. Mỗi chuyến cõng 15 phút giá đã vọt lên 600.000 đồng, hút dòng du khách “ảo giác phiêu lưu” khi Buôn Đôn đóng cửa cưỡi voi.
Chính sự chênh lệch này khiến nỗ lực chuyển đổi sang “du lịch thân thiện”, hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng cho chủ voi và 5 triệu đồng cho nài voi mãi lận đận vì chủ voi ở huyện Lắk “thấy thấp”. Nhưng từ câu chuyện của Gold - với “lần sinh ra thứ hai” - đang trở thành biểu tượng thuyết phục công chúng rằng lợi nhuận không phải là thước đo duy nhất của vùng bazan đất đỏ.
Câu chuyện của Gold như mảnh gương soi chiếu quá khứ săn bắt và xiềng xích đã từng đè lên lưng voi Tây Nguyên. Từ đó, hàng ngàn người ký tên vào bản kiến nghị “không cưỡi voi”, ủng hộ mục tiêu đến 2026, Đắk Lắk chấm dứt hoàn toàn du lịch cưỡi voi.
Sự chuyển mình ấy không chỉ trên giấy. Tại Vườn quốc gia Yok Đôn, 11 cá thể voi đã được tháo gông, sống bán hoang dã, tự do tắm sông Sêrêpốk mỗi bình minh và chiều muộn. Hướng dẫn viên chỉ lặng lẽ đi bộ theo, giải thích tập quán sinh học, thay vì bắt voi khom lưng đón khung gỗ nặng nề.

Câu chuyện của Gold như mảnh gương soi chiếu quá khứ săn bắt, xiềng xích đã từng đè lên lưng voi Tây Nguyên. Từ đó, hàng ngàn người ký tên vào bản kiến nghị “không cưỡi voi”, ủng hộ mục tiêu đến 2026, Đắk Lắk chấm dứt hoàn toàn du lịch cưỡi voi. Ảnh: T.T.
Lượng khách quốc tế “mê” quan sát voi tự do ngày càng tăng dù phải đi bộ hàng giờ, chứng tỏ giá trị trải nghiệm thật sự không nằm ở việc ngồi trên đầu voi. Điều thú vị là Gold dù chưa một lần cõng khách vẫn tạo ra sức hút. Voi con “mồ côi” năm nào vô hình chung giúp cộng đồng bản địa tìm lại bản sắc, biến tình yêu với voi thành văn hóa - thứ tài sản không thể hao mòn.
Gold không biết nói, nhưng câu chuyện đời Gold là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối dây ràng buộc giữa con người và thiên nhiên. Khi sông suối dần cạn nước, rừng khuyết dần cây, chính bàn tay con người đã đẩy voi đến bờ tuyệt diệt. Nhưng cũng chính từ tình người, một chú voi non đã được tái sinh, rồi soi rọi ngược vào lương tri cộng đồng, khơi nguồn cho hành trình giữ lại tiếng bước voi vọng về từ rừng đại ngàn.
Hành trình ấy, xét cho cùng, không chỉ cứu voi. Đó là hành trình con người tự cứu lấy mình - cứu lấy ký ức văn hóa, cứu lấy hệ sinh thái nuôi dưỡng những mùa mưa Tây Nguyên, cứu lấy niềm tin rằng sự tử tế vẫn có thể đâm chồi trên mảnh đất từng thấm bao giọt máu voi.
Và Gold, với bước chân bình trầm, đôi tai quạt gió và chiếc vòi tò mò, đang miệt mài dẫn lối. Vậy nên, khi câu hát mừng sinh nhật Gold vang lên ở Ea Súp Thượng mỗi cuối tháng Ba, hãy lắng nghe: đó không chỉ là bản nhạc vui cho một cá thể voi, mà là khúc khải hoàn cho tình người - thứ “vàng ròng” bền bỉ soi sáng đại ngàn.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tinh-nguoi-niu-buoc-voi-rung-d754408.html