| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 04/05/2025 - 14:01

Văn hóa

Tìm được dòng họ tổ sau 18 đời

Thứ Hai 14/01/2008 - 11:19

Ở thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có nhà thờ họ Nguyễn nổi tiếng trong vùng. Cụ tổ dòng họ là Nguyễn Khắc Kính, đỗ Hoàng giáp năm Nhâm Tuất (1562), làm quan đến chức Thượng thư, tước Thanh Long Hầu. Gia phả của dòng họ (đến nay gần 450 năm tới đời thứ 19) có ghi có một chi lưu lạc, vào đời thứ 14, tính từ đời cụ tổ.

Anh Nguyễn Văn Quang (thường gọi là anh Ba) sinh ở Phú Yên, năm ngoái dòng họ Nguyễn nhà anh Ba ở Phú Yên, mới tìm được về quê cha đất tổ.

Anh kể : Tôi là hậu duệ thứ 18 của Thượng thư, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Kính. Chi họ Nguyễn của tôi, bị lưu lạc từ đời thứ 14. Cha tôi là người có chữ nghĩa trong vùng. Ông nội tôi là thầy đồ nho, còn trước đó, cụ nội tôi là dòng tộc của quan triều đình, đưa cư dân phía Bắc vào khai khẩn vùng đất phương Nam. Gia tộc họ Nguyễn chúng tôi cư trú ở Phú Yên, tính đến đời tôi là thứ 4, có gia phả ghi lại dòng tộc. Nhưng tiếc thay những năm tháng chiến tranh, nhà tôi bị giặc đốt cháy, cuốn gia phả dòng tộc không còn. Khi tôi còn nhỏ, có nghe cha tôi bảo, mình là họ Nguyễn, tổ tiên ở miền Bắc. Ngày nước nhà thống nhất, thì cha mẹ tôi đã mất. Anh em chúng tôi, ngày tết gặp nhau, thắp cho cha mẹ, tổ tiên một nén hương, mà lòng không khỏi bâng khuâng, chạnh nghĩ dòng tộc mình quê ở đâu? Bao giờ thì mình có thể tìm được gốc tích tổ tiên, để được thắp nến hương tưởng niệm. Một lần đi công tác ở Sài Gòn, tôi may mắn được biết một số thông tin có liên quan tới dòng họ Nguyễn của chúng tôi ở Bắc Ninh. Theo đó cụ tổ của dòng họ chúng tôi, có tên ở Văn Miếu. Cụ đỗ Hoàng giáp làm quan đến chức Thượng Thư, quê ở gần chùa Dâu, Kinh Bắc. Tính từ đời cụ tổ đến đời thứ 14 thì có một chi bị lưu lạc. Chi đó có 2 nhành, họ Nguyễn của chúng tôi ở Phú Yên và một nhành lưu lạc ở Thái Bình, nhưng nhành này đã lên Hà Nội rồi, ở số nhà 999 phố Hồng Hà ngoài sông. Người cao tuổi của nhành này là ông Nguyễn Văn Dưỡng, ngang hàng với cha tôi, bố ông Dưỡng tên là Nguyễn Văn Xuyên…

Theo những thông tin này, có dịp ra Hà Nội công tác cuối năm 2005, tôi có nhờ ông Song Sơn, nhà nghiên cứu về gia phả dòng tộc xem hộ. Nhìn bàn tay tôi, ông Song Sơn nói ngay: - Chú em sinh ra ở miền Nam, nhưng tổ tiên là dân miền Bắc, tổ tiên dòng họ Nguyễn nhà chú, quyền chức cao lắm, chú cứ về làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, mà nhận họ… Nghe ông Song Sơn nói vậy, tôi mừng lắm, vì có nhiều thông tin trùng khớp. Để kiểm chứng lại các thông tin, tôi tìm đến nhà sử học Dương Trung Quốc, nhờ xem giúp. Nghe tôi nói tới Hoàng giáp Nguyễn Đăng Kính, anh Quốc mở sách tra tìm, rồi mừng rỡ nói:

-Đây rồi, cụ Nguyễn Đăng Kính, có tên ở bia Văn miếu. Từ thông tin của nhà sử học Dương Trung Quốc, tôi tới ngay Văn Miếu để tìm đọc văn bia. Lần này thì không chỉ tai nghe, mà chính mắt tôi đã thấy có tên cụ tổ họ Nguyễn nhà tôi, trên văn bia ghi rõ. Khâu nối những thông tin, giờ thì tôi chỉ còn việc qua số nhà 999, phố Hồng Hà quận Hoàn Kiếm, xem có phải chủ nhà  là ông Nguyễn Văn Dưỡng không ? Cuối năm 2006, nhân ra Hà Nội họp, tôi nhờ người lái xe ra phố Hồng Hà hỏi tin trước. Người lái xe về nói với tôi, ở phố Hồng Hà có số nhà 999, chủ nhà tên là ông Dưỡng. Khó có thể tả được niềm vui sướng trong tôi, mối quan hệ huyết thống, cho chúng tôi những linh cảm giống nhau. Ngay cuối buổi chiều hôm đó, tôi đến nhà ông Dưỡng. Hai người xa lạ, lần đầu gặp nhau. Chúng tôi ôm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi, kể tên các cụ thân sinh, các cụ tổ tiên, rồi nhận anh em họ hàng. Đây chính là hai nhành của một chi họ Nguyễn lưu lạc 4 đời nay. Sau khi nhận họ hàng với nhà ông Dưỡng, tôi hỏi thăm về làng Thanh Hoài. Ở làng còn ông Nguyễn Xuân Phố trông coi nhà thờ họ. Ông cho biết chi trưởng dòng họ bây giờ là ông Nguyễn Khắc Khang, hiện là Chi cục trưởng chi cục Thuế Bắc Ninh, là đời thứ 17 của cụ tổ. Ông Phố đưa cho tôi xem bản gia phả của gia tộc, bằng chữ nôm. Gia phả ghi rõ, vào đời thứ 14 tính từ đời cụ tổ, có một chi lưu lạc, vào Nam. Nếu con cháu của chi này về nhận họ thì nhận.Tuy nói vậy, nhưng ông Phố vẫn cẩn thận hỏi tôi, tên cụ tổ là gì? Thế là sau 434 năm, kể từ đời cụ tổ Nguyễn Khắc Kính, đến đời tôi, là hậu duệ đời thứ 18, mới tìm được về cố hương.

Chuyện của anh Ba Quang, người kể và người nghe đều cảm động, vì thế khi ra Hà Nội, chúng tôi tìm đến số nhà 999, phố Hồng Hà, gặp ông Dưỡng để hỏi tiếp về việc đi tìm dòng họ của gia đình. Ông Dưỡng năm nay đã 87 tuổi, râu tóc bạc trắng, nhưng còn khá minh mẫn, cùng với con cháu trong gia đình, kể:

- Tôi sinh ở làng Vũ Nghĩa, huỵện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bố tôi là cụ Nguyễn Văn Xuyên. Ngày còn bé, tôi nghe bố kể, năm lên 9 tuổi thì bố tôi bị lạc ở bến đò. Một gia đình khá giả, thấy cậu bé mặt mũi sáng sủa, ăn mặc tươm tất, nên đón về nuôi. Bố mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ, bấy giờ chị gái và anh rể phải nuôi tôi và cậu em út. Sau chị gái mất, anh rể lại đông con, cuộc sống nghèo khổ quá, tôi dắt cậu em út lên Hà Nội đi ở, bấy giờ trước năm 1945. Khi cách mạng tháng 8 thành công, tôi vào bộ đội, còn em tôi, theo gia đình chủ vào Nam. Từ đó anh em tôi bặt tin nhau. Sau giải phóng năm 1976, người em trai tôi ở Đà Lạt, mới viết thư về làng cũ ( làng Vũ Nghĩa) để tìm tôi. May ở làng còn mấy người cháu, con bà chị gái, các cháu nhận được thư này, gửi giúp lên cho tôi. Năm 1978, tôi thu xếp vào Đà Lạt, anh em tôi mới đoàn tụ sau 33 năm lưu lạc. Bây giờ thì những người chị, người em của tôi, đều đã ra đi trước. Tôi tuổi già, đã được hưởng cái an nhàn của con cháu trưởng thành. Nhưng tuổi già lại hay nghĩ về quê cha đất tổ, lòng lại ngậm ngùi, muốn đi tìm tổ tông cho con cháu. Chúng tôi đã nhờ hỏi nhiều nguồn tin tìm gia tộc, nhưng chưa có nguồn tin nào chính xác. Đầu năm 2006 qua một nguồn tin, gia đình chúng tôi khớp nối lại, thấy có cơ sở vì nói đúng Thái Bình chỉ là quê của nuôi của bố tôi. Nguồn tin này cho chúng tôi biết quê chính của bố tôi ở gần chùa Dâu, Bắc Ninh; cụ tổ của chúng tôi  tên là Nguyễn Khắc Kính, đỗ Hoàng giáp, làm quan tới chức Thượng thư. Hiện nay cháu Quang cũng đang đi tìm dòng họ như gia đình chúng tôi. Từ nguồn tin này, chưa có gì làm căn cứ, nhưng gia đình chúng tôi vẫn cứ tin và vẫn cứ đợi chờ. Vào cái tuần cuối năm 2006, trước khi anh Ba Quang ra gặp, lòng tôi nóng như lửa đốt, cứ thắp hương cả tuần mong đợi. Bất ngờ khi có chủ lái xe đến hỏi:

- Đây có phải nhà ông Dưỡng có bố tên là cụ Xuyên không ạ?

Linh tính mách cho tôi là người của chi họ Nguyễn ở Phú Yên ra rồi. Theo thứ bậc, thì anh Ba Quang phải gọi tôi bằng chú. Sau khi anh Ba về nhận họ ở Thuận Thành, tết năm 2007, lần đầu tiên cả gia đình tôi, được về quê để thắp nén hương tại nhà thờ họ. Năm nay theo anh Ba Quang tin lại, thì sau tết, dịp tháng 4 giỗ tổ, dòng tộc họ Nguyễn lưu lạc ở Phú Yên cũng sẽ về quê. Như vậy tính theo đời tôi và anh Ba Quang, thì chúng tôi là hậu duệ đời thứ17, 18, của cụ tổ Nguyễn Khắc Kính, sau mấy đời lưu lạc, cháu, chắt, đã tìm được về cố hương. Kể đến đây mắt ông Dưỡng ngấn lệ vì sung sướng. Ông thắp những nén hương lên bàn thờ tổ, nói với chúng tôi: Năm nay 87 tuổi rồi, tìm được dòng họ tổ tiên, quê hương bản quán tôi sung sướng lắm. Tháng tư này nếu thong thả, mời cô nhà báo về dự lễ giỗ cụ tổ nhà tôi nhé.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tim-duoc-dong-ho-to-sau-18-doi-d5814.html