| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 18/04/2025 - 12:28

Du lịch

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở Long An

Thứ Sáu 18/04/2025 - 11:27

Với địa hình và vị trí tự nhiên phong phú, tỉnh Long An đã và đang tập trung đầu tư, phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái theo hướng xanh, bền vững.

Tiềm năng, lợi thế 

Long An nằm ở cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long và liền kề TP.HCM, với vị trí chiến lược trong giao thương và du lịch, “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng đồng bằng sông Cửu Long nên có lợi thế đặc biệt trong phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch của Long An tương đối phong phú và đa dạng với lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. 

Tỉnh đang xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng như du lịch đường sông nhằm khai thác các giá trị của sông Vàm Cỏ. Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là hai tuyến sông lớn, tạo điều kiện cho du lịch đường thủy và hệ thống kênh rạch chằng chịt giúp phát triển loại hình du lịch miệt vườn, khám phá cảnh quan sông nước. Ngoài ra, tỉnh còn có ruộng, vườn, cùng với những dải rừng ngập nước mênh mông xanh ngát và cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười rộng lớn.

Long An với những dải rừng ngập nước xanh ngát và cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười rộng lớn. Ảnh: Thanh Bạch.

Long An với những dải rừng ngập nước xanh ngát và cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười rộng lớn. Ảnh: Thanh Bạch.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết, với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã có bước chuyển mình đổi mới, xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là du lịch sinh thái theo hướng xanh, bền vững, ngày càng thu hút nhiều khách tham quan.

Điển hình là điểm đến "cánh đồng bất tận" tại huyện Mộc Hóa với diện tích hơn 1.000 ha rừng, trong đó đang bảo tồn rừng tràm gió nguyên sinh lớn nhất Việt Nam. Nơi này có định hướng phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp - chăm sóc sức khỏe, được dựa trên khu bảo tồn dược liệu, các trải nghiệm du lịch dưới tán rừng tràm xanh ngát, ngâm chân thảo dược, thưởng tức các món ăn đậm vị được chế biến từ nguồn dược liệu đặc hữu của địa phương.

Bên cạnh đó, còn có làng mai Tân Tây ở huyện Thạnh Hóa có diện tích 430 ha với nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch miệt vườn. Việc phát triển làng nghề kết hợp du lịch nông thôn góp phần làm phong phú hơn sản phẩm du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, khi nhắc tới du lịch Long An, nhiều du khách xa gần đều biết đến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng. Đây là khu Ramsar thứ 2227 của thế giới và là thứ 7 của Việt Nam, sở hữu một diện tích rộng lớn hơn 5.000 ha nằm trên vùng trũng thấp như một phiên bản thu nhỏ của vùng Đồng Tháp Mười, với cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú đa dạng.

Tính đến nay, trên địa bàn Long An có 127 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ. Trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh, bên cạnh còn có 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Với hệ thống các di tích phong phú, đa dạng về nội dung và loại hình nên số lượng khách đến tham quan tại các di tích ngày càng tăng. Đây được xem là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh khai thác, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.

Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển

Cũng theo ông Nguyễn Thành Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, xác định du lịch có vị trí, vai trò quan trọng và thực tế nhiều năm qua, du lịch của tỉnh từng bước khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Long An đã và đang phát huy những giải pháp, mô hình du lịch sinh thái mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Trong đó, tỉnh quan tâm đến những thế mạnh, giá trị du lịch cốt lõi về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành để thu hút khách du lịch, đặc biệt là hướng đến xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sản phẩm du lịch.

Trọng tâm nhất là phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm đem lại lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng với phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sông Vàm Cỏ Tây uốn lượn chảy qua địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Bạch.

Sông Vàm Cỏ Tây uốn lượn chảy qua địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Bạch.

Ông Thanh cho hay, Long An đặt ra mục tiêu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nhiều việc làm mới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với sản phẩm đặc thù là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ngành du lịch Long An tập trung đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nhất là trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch, hình ảnh và sản phẩm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu và sức hấp dẫn, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

“Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc thù có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour, tuyến. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An”, ông Nguyễn Thành Thanh cho biết thêm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tiem-nang-phat-trien-du-lich-sinh-thai-o-long-an-d748837.html