Thứ tư 16/04/2025 - 00:20
Câu chuyện môi trường
Thưởng thức bản 'hòa tấu lưỡng cư' ở Cúc Phương
Thứ Ba 15/04/2025 - 05:59
Hè về, rừng Cúc Phương như bừng tỉnh bởi tiếng ếch nhái vang vọng, khai màn bằng bản hòa tấu đầy sắc màu của thiên nhiên lúc giao mùa.
- Vườn quốc gia Cúc Phương thả động vật về rừng
- VQG Cúc Phương giải cứu nhiều động vật hoang dã quý hiếm từ Đà Nẵng
Sự sống sau cơn mưa
Một chiều đầu tháng tư, giữa lòng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, cơn mưa rào đầu mùa hè bất ngờ trút xuống. Tiếng sấm rền vang hòa cùng làn hơi nước mát lành len lỏi qua những tán cây cổ thụ.
Nước mưa chảy tràn trên mặt đất, luồn qua khe đá phủ rêu xanh, đánh thức cả cánh rừng như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Đàn mối cánh ùa ra từ lòng đất, báo hiệu một chu kỳ sống mới bắt đầu. Từ khắp các ngóc ngách của rừng, tiếng ếch nhái ngân vang, bản hòa tấu mùa hè chính thức khai màn.
Trong không gian ấm cúng của một bếp ăn giữa rừng già, khi cơn mưa rào khiến tôi lo lắng cho hành trình khám phá phía trước, anh Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, nâng ly rượu ngô thơm nồng, ánh mắt lấp lánh chia sẻ: “Mùa hè đến, VQG Cúc Phương như sống dậy. Đây là mùa sinh sôi của muôn loài, đặc biệt là ếch nhái - những sinh vật biểu tượng cho sự hồi sinh và đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới. Cơn mưa này là lời mời gọi đầu tiên của rừng, là tín hiệu cho một đêm náo nhiệt của sự sống bắt đầu”.
Lời anh như ngọn gió thổi tan lo âu, khơi dậy trong tôi sự háo hức chờ đón những điều kỳ diệu từ cánh rừng.

Cóc mày Sapa (Leptobrachium chapaense). Ảnh: Huy Quang.
Sau cơn mưa, khi bóng đêm buông xuống và tiếng côn trùng bắt đầu râm ran, tôi theo chân một cán bộ bảo tồn bắt đầu hành trình khám phá thế giới kỳ thú của các loài ếch nhái. Gió mát rượi, hương đất ẩm và cây rừng khiến lòng người dịu lại, hòa vào nhịp sống của thiên nhiên.
Chúng tôi ngồi lặng bên bờ suối, chờ đợi trong tĩnh lặng. Sau khoảng 5 phút, khi thiên nhiên nhận ra sự hiện diện thân thiện của con người, những sinh vật nhỏ bé ấy dần dần xuất hiện, dạn dĩ hơn, sống động hơn, như thể đang kể lại câu chuyện sinh tồn của chính mình.
Một chú ếch suối (tên khoa học là Sylvirana nigrovittata) - loài ếch nhái phổ biến nơi đây - với vẻ ngoài thanh mảnh, màu sắc độc đáo và các sọc đen đặc trưng chạy dọc hai bên lưng, bất ngờ cất tiếng kêu trầm và đều đặn. Phía xa hơn, một chú ễnh ương (Kaloula pulchra) - “cao thủ tí hon” mang vẻ ngoài tròn trịa đang khéo léo đào hang trú ẩn.

Ếch suối (Nara nigrovitata). Ảnh: Đăng Phong.
Với hơn 22.000 ha rừng, chủ yếu là rừng nhiệt đới nguyên sinh xen núi đá vôi, VQG Cúc Phương là ngôi nhà của gần 50 loài lưỡng cư - chỉ thị cho sức khỏe hệ sinh thái. Ếch nhái hiện diện ở mọi ngóc ngách của Cúc Phương, tạo nên một hệ sinh thái sôi động, đầy sức sống. Trên những cành cây vươn ra cạnh bờ suối, ếch cây cất tiếng gọi bạn tình, tấu nên những bản tình ca độc đáo. Dưới suối và vũng nước tự nhiên, trứng ếch nở thành nòng nọc lấp lánh sau những cơn mưa...
Có thể kể đến các loài độc đáo như cóc mắt bên (Xenophrys major) với đôi mắt lồi độc lạ và hai mí mắt hình gai nhọn; ếch cây sần Bắc bộ (Theloderma corticale) - “kiệt tác” của tự nhiên với tài ngụy trang, tự vệ đỉnh cao, làn da gai sần như quả mít và màu sắc giống hệt như một đám rêu của loài ếch này giúp chúng lẩn trốn kẻ thù một cách tài tình... Nổi bật trong số đó là ếch cây xanh đốm (Polypedates dennysii), “ca sĩ ếch” với tiếng kêu rất đặc biệt không giống như các loài ếch nhái thông thường mà tựa tiếng chim.
Lời hứa với rừng xanh
Lưỡng cư là những “anh hùng thầm lặng” giữa đại ngàn, âm thầm gánh vác vai trò không thể thay thế trong hệ sinh thái: kiểm soát quần thể côn trùng, bảo vệ mùa màng, duy trì sự cân bằng tự nhiên và đóng vai trò mắt xích thiết yếu trong lưới thức ăn.
Với khả năng phản ứng nhạy cảm trước biến động môi trường, ếch nhái được xem là chỉ thị sinh thái - những “thiết bị cảm biến sống” cảnh báo sớm về chất lượng môi trường.
Sự hiện diện của chúng góp phần làm nên đa dạng sinh học của Cúc Phương. Tuy nhiên, điều đó không tự nhiên mà có. Đằng sau là những nỗ lực bền bỉ, âm thầm nhưng đầy quyết tâm của đội ngũ kiểm lâm, các nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn, những người đã và đang không ngừng gìn giữ rừng xanh, ngăn chặn nạn săn bắt, bảo vệ quần thể và phục hồi môi trường sống cho lưỡng cư tiếp tục sinh trưởng.

Ếch cây xanh đốm (Polypedetes dennysii). Ảnh: Huy Quang.
Đối với một người đã gắn bó gần 30 năm với Cúc Phương như Phó Giám đốc VQG Lê Phương Triều, tiếng ếch nhái vang lên sau những cơn mưa là linh hồn của rừng, là thanh âm báo hiệu sự sống tươi mới trở lại sau mùa đông khắc nghiệt. Và mỗi không gian rừng là một câu chuyện sinh tồn, nơi thiên nhiên vận hành theo quy luật hoàn hảo nhưng cũng vô cùng mong manh trước những tác động thô bạo, thiếu trách nhiệm từ con người.
Sự tồn tại của lưỡng cư không chỉ phản ánh sức khỏe của hệ sinh thái mà còn là thước đo cho cách chúng ta đối xử với thiên nhiên.
“Chúng tôi, những người gắn bó với rừng từ chiến sĩ kiểm lâm, cán bộ bảo tồn cho đến tập thể lãnh đạo Vườn đều mang trong mình tình yêu sâu nặng với thiên nhiên và lời hứa với rừng xanh: sẽ gìn giữ từng tán lá, từng tiếng chim, từng tấc đất, từng nhịp sống hoang dã nơi đây như chính máu thịt của mình. Vì thế, tôi mong mỗi du khách khi đặt chân đến Cúc Phương sẽ cùng sẻ chia trách nhiệm gìn giữ cánh rừng già nguyên sinh này bằng những hành động thiết thực và đầy ý thức. Hãy không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp, không để lại gì ngoài những dấu chân, để mai sau, con cháu chúng ta vẫn còn được lắng nghe bản hòa tấu mưa rừng ngân vang giữa thẳm xanh hoang dã”.

Ngoe (Limnonectes limnonectes). Ảnh: Đăng Phong.
Trên quãng đường quay về, tôi lặng lẽ nhặt vài mẩu rác ai đó để lại ven lối đi, đặt vào chiếc túi nhỏ mang theo. Một hành động nhỏ, nhưng là cách để đáp lại vẻ đẹp thuần khiết của rừng. Bởi trong tôi luôn tâm niệm: Mình đến để học, để chiêm nghiệm và gìn giữ. Những giá trị tốt đẹp tại VQG Cúc Phương là kết tinh của thiên nhiên thuần khiết và tâm huyết bền bỉ của biết bao con người yêu rừng, sống cùng rừng.
Đó không chỉ là hệ sinh thái phong phú, là tiếng ếch gọi mùa ngân vang sau cơn mưa, mà còn là bài học sâu sắc về sự kết nối, trách nhiệm và tình yêu dành cho hành tinh xanh này.
Cuộc gặp gỡ với những sinh vật mong manh ấy không chỉ mở ra cánh cửa tới thế giới bí ẩn của lưỡng cư, mà còn khơi dậy trong tôi một sự tôn trọng sâu sắc với từng nhịp sống nơi đây.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thuong-thuc-ban-hoa-tau-luong-cu-o-cuc-phuong-d748153.html