| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 04/05/2025 - 08:16

Môi trường

Thông tin là sức mạnh giúp người dân tăng khả năng ứng phó thiên tai

Chủ Nhật 04/05/2025 - 08:13

Hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà báo là yếu tố then chốt để tạo ra các bản tin khí hậu chính xác, hấp dẫn và hữu ích.

Theo Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà báo là yếu tố then chốt để tạo ra các bản tin khí hậu chính xác, hấp dẫn và hữu ích.

Biến thông tin thành hành động

Việt Nam thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Thông tin, truyền thông về thiên tai đóng vai trò then chốt trong dự báo, cảnh báo, chỉ đạo phòng chống và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đối với ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV), thông tin và truyền thông không chỉ kết nối khoa học và ứng phó thực tiễn mà còn nâng cao chất lượng dự báo và khả năng ứng phó.

Trong công tác khí tượng thủy văn có thể được tóm tắt thành 5 khâu, gồm: Quan trắc, truyền tin, phân tích tính toán, dự báo, và chuyển tải thông tin. Nhờ đầu tư vào con người, thiết bị và sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác KTTV đã được nâng cao đáng kể ở tất cả các khâu. Trong những năm qua, ngành KTTV đã cải tiến công tác thông tin, truyền thông, ví dụ như cung cấp bản tin chi tiết đến từng địa phương bị ảnh hưởng, ứng dụng AI và dữ liệu lớn để nâng cao độ chính xác và tốc độ truyền tải. Hệ thống cảnh báo sớm đã góp phần giảm thiểu thiệt hại trong các đợt thiên tai lớn như bão lũ miền Trung năm 2020, bão YAGI và lũ lớn tại Bắc Bộ năm 2024.

Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyên.

Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyên.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng công tác KTTV không chỉ là dự báo, mà phải cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ KTTV cho xã hội. Nhiều ngành kinh tế - xã hội cần thông tin, dịch vụ từ KTTV như hàng không, hàng hải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, du lịch, thậm chí thời trang, ăn uống... Do đó, cần chú trọng hơn nữa khâu chuyển tải thông tin. Từ số liệu KTTV (kết quả của đo đạc), qua phân tích, tính toán để biến nó thành thông tin (là số liệu có ý nghĩa) và cuối cùng biến nó thành kiến thức phục vụ xã hội. Các nhà khoa học cần chuyển tải những thông tin KTTV thành sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ, khí hậu, và đặc biệt biến thông tin thành tri thức.

Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và hoạt động sản xuất, thông tin KTTV là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và chính quyền địa phương ra quyết định kịp thời, chính xác. Hệ thống truyền thông cần đảm bảo tính liên tục, nhanh chóng, sử dụng các kênh ưu tiên như hệ thống truyền tin khẩn cấp, hội nghị trực tuyến, báo cáo nhanh. Ví dụ, nhờ hệ thống thông tin cảnh báo sớm và truyền thông kịp thời từ ngành KTTV trong đợt bão lũ miền Trung năm 2020, các địa phương đã chủ động sơ tán hàng trăm nghìn người, giảm thiểu thiệt hại. Ngoài phòng chống thiên tai, thông tin KTTV cũng quan trọng trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, giao thông và năng lượng. Các bản tin dự báo thời tiết mùa vụ dài hạn đã giúp chính quyền địa phương điều chỉnh kế hoạch canh tác, sử dụng nước hợp lý trong các đợt hạn hán lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin dự báo KTTV biển cũng cần thiết cho hoạt động kinh tế trên biển như hàng hải, khai thác hải sản, du lịch.

Đối với cộng đồng và người dân, truyền thông hiệu quả giúp nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng ứng phó của người dân trước thiên tai. Hệ thống cảnh báo sớm cần tiếp cận người dân qua nhiều kênh như truyền hình, báo chí và mạng xã hội. Ví dụ, hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trực tuyến (https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/) triển khai từ năm 2024 giúp người dân tiếp cận thông tin lũ quét, sạt lở đất qua internet, hỗ trợ tích cực cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa chủ động phòng tránh rủi ro.

Thông tin cảnh báo cần đơn giản, dễ hiểu, tránh gây hoang mang hoặc chủ quan. Cần hướng dẫn cụ thể các biện pháp ứng phó như sơ tán, gia cố nhà cửa, chuẩn bị nhu yếu phẩm, xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tuyên truyền thường xuyên để giúp người dân chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản. Vai trò truyền thông là rất quan trọng trong việc này.

Nguyên tắc đơn giản hóa ngôn ngữ khoa học

Việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ mang lại nhiều thuận lợi trong nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo thiên tai và phục vụ sản xuất. Nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố khí hậu, thời tiết như nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, bão, lũ, hạn hán. Khi KTTV và nông nghiệp được đặt trong cùng một Bộ, việc phối hợp xây dựng các kịch bản dự báo mùa vụ, khuyến cáo thời điểm gieo trồng, thu hoạch và phòng chống thiên tai sẽ thuận lợi hơn.

Điều này giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên nước, nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, việc lồng ghép số liệu KTTV vào hệ thống quản lý tài nguyên và cảnh báo sớm nông nghiệp sẽ hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, từ đó tăng hiệu quả sử dụng đất đai, phân bón, nước tưới và giảm phát thải khí nhà kính.

Chính sách thống nhất dưới một Bộ sẽ giúp huy động hiệu quả hơn các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và hợp tác quốc tế để đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc, tăng cường nghiên cứu và đào tạo nhân lực chuyên sâu về KTTV trong nông nghiệp. Việc này cũng tạo điều kiện để phát triển đội ngũ dự báo có kiến thức liên ngành, làm việc sát với thực tiễn sản xuất, cung cấp thông tin chi tiết và kịp thời hơn.

Nhìn chung, sự kết hợp giữa KTTV và nông nghiệp trong cùng một Bộ không chỉ giúp quản lý thiên tai hiệu quả hơn mà còn mở ra cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế nông thôn.

BĐKH và KTTV là những lĩnh vực có hàm lượng khoa học cao, đòi hỏi sự chính xác và tính hệ thống trong thông tin. Để truyền tải những kiến thức này một cách dễ hiểu và hấp dẫn đến công chúng, đặc biệt là thông qua các nhà báo, chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp. Nguyên tắc quan trọng là đơn giản hóa ngôn ngữ khoa học, đảm bảo tính chính xác, đồng thời sử dụng hình ảnh trực quan và so sánh thực tế. Ví dụ, khi giải thích về El Niño và La Niña, nên liên hệ với các sự kiện thời tiết cực đoan trong lịch sử Việt Nam để dễ hình dung.

Trực quan hóa dữ liệu bằng biểu đồ, bản đồ nhiệt và mô hình dự báo cũng rất quan trọng, thay vì chỉ đưa ra con số khô khan. Hơn nữa, cần gắn thông tin khoa học với các vấn đề thực tiễn mà công chúng quan tâm. Chẳng hạn, khi nói về BĐKH, không chỉ đề cập đến xu hướng nhiệt độ toàn cầu mà liên hệ trực tiếp đến những ảnh hưởng cụ thể như xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên hay sự xuất hiện ngày càng nhiều của các siêu bão, lũ lớn lịch sử. Điều này giúp các nhà báo dễ dàng khai thác câu chuyện theo hướng gần gũi với đời sống người dân.

Cuối cùng, hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà báo là yếu tố then chốt để tạo ra các bản tin khí hậu chính xác, hấp dẫn và hữu ích.

Thông tin KTTV là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và chính quyền địa phương ra quyết định kịp thời, chính xác. Ảnh minh họa: Trung Nguyên.

Thông tin KTTV là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và chính quyền địa phương ra quyết định kịp thời, chính xác. Ảnh minh họa: Trung Nguyên.

Cẩn trọng trước mọi “phép thử” từ biến đổi khí hậu  

Năm 2024 chứng kiến nhiều hiện tượng thiên tai dị thường, đánh dấu năm nóng nhất lịch sử theo xác nhận của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Nhiều thiên tai lớn, ảnh hưởng rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng, điển hình là siêu bão Milton tàn phá bờ biển Florida (Hoa Kỳ) đã gây mất điện đối với hơn 3 triệu người và thiệt hại cơ sở hạ tầng nặng nề.

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (bão số 3 năm 2024) đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, gây mưa lũ đặc biệt lớn ở Bắc Bộ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Với cường độ mạnh, hệ quả tác động cả gió, mưa và kèm theo đó là lũ đặc biệt lớn trên các hệ thống sông Bắc Bộ, lũ quét diện rộng hầu khắp các nơi thì có thể khẳng định: Bão Yagi vừa qua thực sự là một “phép thử” nghiêm khắc đối với hệ thống cảnh báo và phòng chống thiên tai của Việt Nam. Cơn bão này cho thấy rõ những thách thức ngày càng lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao năng lực cảnh báo sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Với cường độ mạnh và hệ lụy từ gió, mưa, lũ, bão Yagi là một “phép thử” nghiêm khắc cho hệ thống phòng chống thiên tai của Việt Nam, phơi bày những thách thức do (BĐKH) gây ra, đòi hỏi nâng cao năng lực cảnh báo sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Cảnh báo sớm đóng vai trò then chốt, giúp chính quyền và người dân chủ động ứng phó. Để tăng cường hiệu quả cảnh báo sớm, cần tập trung vào 3 yếu tố: năng lực cảnh báo sớm, hệ thống truyền tin và năng lực ứng phó của cộng đồng.

Về nâng cao năng lực cảnh báo sớm, cần hoàn thiện hệ thống quan trắc, bổ sung trạm tự động tại khu vực xung yếu để thu thập dữ liệu chính xác, kịp thời. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo bão, lũ quét, sạt lở đất, làm chủ và phát triển mô hình số trị dự báo theo thời gian thực, sử dụng AI...

Về tăng cường hệ thống truyền tải thông tin, cần đưa thông tin dự báo, cảnh báo đến chính quyền và người dân nhanh chóng, dễ hiểu thông qua các kênh truyền thống, tin nhắn, ứng dụng di động và đặc biệt là mạng xã hội để tăng độ lan tỏa.

Về nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng, cần chú trọng phổ biến kiến thức về thiên tai và cách phòng chống thông qua hệ thống chính quyền, truyền thông, mạng xã hội, giúp người dân tự bảo vệ bản thân và tài sản khi có thiên tai.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thong-tin-la-suc-manh-giup-nguoi-dan-tang-kha-nang-ung-pho-thien-tai-d743421.html