| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 17/05/2025 - 18:51

Phân bón

Thiếu phương pháp phân tích silic hữu hiệu trong phân bón gốc silicat kiềm

Thứ Bảy 17/05/2025 - 18:38

Phương pháp, quy chuẩn, tiêu chuẩn phân tích hàm lượng silic hữu hiệu hiện chưa toàn diện, cần phải có phương pháp mới để 'tham chiếu' cho mọi loại phân bón có chứa silic.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11407:2019 hiện không phân tích được hàm lượng SiO2 hữu hiệu trong lân nung chảy hoặc các sản phẩm NPK có gốc silicat kiềm.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11407:2019 hiện không phân tích được hàm lượng SiO2 hữu hiệu trong lân nung chảy hoặc các sản phẩm NPK có gốc silicat kiềm.

Silic (SiO2) là nguyên tố quan trọng đối với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa, mía, ngô, dứa,... Vai trò của silic không chỉ dừng lại ở việc giúp cây trồng cứng cáp, tăng cường khả năng chống chịu với sâu bệnh, nấm bệnh thông qua việc ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh vào tế bào cây trồng, chống lại các tác động của thời tiết khắc nghiệt mà còn giúp tăng cường quá trình quang hợp, hấp thụ phân bón và các chất dinh dưỡng khác. 

Các nhiên cứu trong nước và quốc tế đã được công bố chứng minh, để có được 1 tấn thóc, cây lúa cần hấp thụ từ 80 - 103 kg SiO2 (gấp 5 lần nhu cầu N) cho thấy mức độ quan trọng của silic trong quá trình sinh trưởng của cây.

Được sản xuất đầu tiên tại Bỉ từ năm 1916, cho đến nay hàm lượng silic trong phân lân nung chảy đã được công nhận và áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, EU…

Vai trò của silic với cây trồng quan trọng là vậy nhưng suốt thời gian dài chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam phân tích hàm lượng silic hữu hiệu trong lân nung chảy nên nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm các tổ chức quốc tế được công nhận để phân tích hàm lượng silic trong sản phẩm của mình. Điều này không chỉ gây tốn kém mà còn đặt ra nhiều thách thức trong việc xuất khẩu sản phẩm.

Mãi đến năm 2019, Việt Nam mới ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11407:2019 xác định hàm lượng silic hữu hiệu bằng phương pháp phổ hấp thụ phân tử do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp xây dựng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, là phương pháp có tính pháp lý cao nhất và duy nhất được các cơ quan chức năng quy định áp dụng để xác định hàm lượng silic hữu hiệu trong các loại phân bón lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp khi xác định SiO2 hữu hiệu trong các loại phân lỏng hoặc phân có hàm lượng SiO2 tan trong nước. Khi áp dụng với các loại phân chứa gốc silicat kiềm không tan trong nước như phân lân nung chảy hay các loại phân bón NPK sản xuất từ lân nung chảy hoàn toàn không được.

Trong khi đó, Quy chuẩn quốc gia về phân bón đang chỉ định duy nhất tiêu chuẩn này cho việc phân tích silic hữu hiệu, từ đó khiến các cơ sở sản xuất phân bón hoang mang, thậm chí có đơn vị đã bị phạt oan.

Hiện, một số doanh nghiệp chỉ dám công bố thành phần silic hữu hiệu trên bao bì các sản phẩm xuất khẩu và loại bỏ việc công bố thành phần SiO2 trên bao bì sản phẩm tiêu thụ trong nước vì sợ bị phạt do phương pháp phân tích áp dụng hiện nay không phân tích được SiO2 hữu hiệu sản phẩm của họ.

Cần ban hành Tiêu chuẩn quốc gia mới cùng phương pháp phân tích được hàm lượng SiO2 hữu hiệu trong sản phẩm phân bón có gốc silicat kiềm.

Cần ban hành Tiêu chuẩn quốc gia mới cùng phương pháp phân tích được hàm lượng SiO2 hữu hiệu trong sản phẩm phân bón có gốc silicat kiềm.

Gần đây, có một số ý kiến đề nghi dùng phương pháp phân tích dựa theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 772:2020/BVTV do Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành năm 2022 để xác định hàm lượng SiO2 hh cho kết quả sát với thực tế hơn.

Nhưng khi trao đổi với chúng tôi về nội dung này, một chuyên gia giấu tên cho rằng, tiêu chuẩn TCCS 772:2020/BVTV dùng dung dịch axit HCl chiết silic trong mẫu sản phẩm, sau đó xử lý dung dịch chiết bằng axit pecloric rồi xác định hàm lượng axit silic hoa tan trong dịch chiết bằng phương pháp khối lượng. Như vậy, về bản chất vẫn là xác định hàm lượng silic tổng số chứ chưa phải là silic hữu hiệu. 

Hơn nữa, đây chỉ là Tiêu chuẩn cơ sở, chưa phải là Tiêu chuẩn quốc gia và cũng chưa được nêu trong Quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón nên cũng không đủ cơ sở pháp lý dùng làm căn cứ để xác định hàm lượng silic hữu hiệu cũng như không sử dụng được trong công tác thanh kiểm tra Nhà nước. 

Từ những thực tế và bất cập đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm xây dựng và ban hành một tiêu chuẩn phương pháp thử mới nhằm phân tích chính xác hàm lượng silic hữu hiệu trong phân bón, bao gồm cả phân lân nung chảy, phân NPK có chứa gốc silicat kiềm làm căn cứ cho doanh nghiệp, các phòng thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xác đáng, tin cậy để thanh kiểm tra và xử lý việc công bố hàm lượng silic hữu hiệu trên bao bì và sản phẩm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thieu-phuong-phap-phan-tich-silic-huu-hieu-trong-phan-bon-goc-silicat-kiem-d753659.html