Thứ sáu 16/05/2025 - 10:54
Thị trường
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 8] Cần một chiến lược quốc gia
Thứ Sáu 16/05/2025 - 09:53
Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: 'Việc mở cửa, khai thác các thị trường mới là hướng đi đúng đắn và mang tính chiến lược cho ngành nông nghiệp Việt Nam'.
- Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ trở thành diễn đàn chuyên sâu
- De Heus và Hùng Nhơn khởi động chuỗi dự án chăn nuôi xuất khẩu châu Âu
- Hùng Nhơn và De Heus ủng hộ 3,5 tỷ đồng cho các chương trình từ thiện
- Bắt tay BigDutchman, Tập đoàn Hùng Nhơn hiện thực hóa tham vọng tỷ USD
Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, xoay quanh tiềm năng, thách thức và giải pháp giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường Halal đầy tiềm năng.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: HT.
Nâng tầm chất lượng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế
- Thưa ông, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống đang gặp khó khăn, ông đánh giá như thế nào về thị trường Halal đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và chăn nuôi nói riêng?
Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ đang có nhiều biến động về chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và cạnh tranh, do đó việc đa dạng hóa thị trường là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Đối với thị trường Halal, vốn phục vụ hơn 2 tỷ người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu, tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, để khai thác được hiệu quả, ngành chăn nuôi Việt Nam cần có sự chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn Halal từ khâu giống, quy trình chăn nuôi, giết mổ đến chế biến và truy xuất nguồn gốc. Đây là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi tái cơ cấu theo hướng bền vững, hiện đại hơn.
- Để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal, Tập đoàn Hùng Nhơn đã có những chiến lược nào trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này?
Ngay từ khi xác định thị trường Halal là một trong những hướng phát triển trọng điểm, Tập đoàn Hùng Nhơn đã triển khai một loạt chiến lược bài bản để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này.
Trước hết là ở khâu con giống, chúng tôi hợp tác với các đối tác lớn trong và ngoài nước để đảm bảo nguồn giống chất lượng cao, có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Về thức ăn chăn nuôi và vật tư đầu vào, Tập đoàn kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, đảm bảo không sử dụng các thành phần cấm theo tiêu chuẩn Halal. Chúng tôi cũng đang từng bước đưa vào sử dụng các dòng sản phẩm được chứng nhận Halal ngay từ đầu chuỗi.
Đặc biệt, trong quy trình chăn nuôi, Hùng Nhơn áp dụng mô hình khép kín với công nghệ cao và tiêu chuẩn an toàn sinh học nghiêm ngặt, từ hệ thống xử lý nước, không khí đến quản lý dịch bệnh, nhằm đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch, ổn định và an toàn.
Song song với đó, chúng tôi đang phối hợp với các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế để từng bước hoàn thiện hồ sơ, quy trình và hệ thống quản lý theo đúng chuẩn. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường Halal, mà còn nâng tầm chất lượng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nền tảng để mở rộng xuất khẩu
- Việc xây dựng và duy trì vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hùng Nhơn trong vấn đề này?
Đối với Tập đoàn Hùng Nhơn, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng thị trường Halal, mà còn là yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển bền vững. Chúng tôi đã đầu tư quy hoạch vùng chăn nuôi tách biệt với khu dân cư, có hành lang an toàn sinh học và kiểm soát nghiêm ngặt mọi hoạt động ra, vào trang trại.

Hùng Nhơn đã đầu tư quy hoạch vùng chăn nuôi tách biệt với khu dân cư, có hành lang an toàn sinh học và kiểm soát nghiêm ngặt mọi hoạt động ra, vào trang trại. Ảnh: MP.
Các trang trại của Hùng Nhơn đều áp dụng hệ thống chăn nuôi khép kín với công nghệ hiện đại như: khử trùng tự động, xử lý khí - nước tuần hoàn và kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm bằng cảm biến. Nhân sự được đào tạo bài bản và thực hiện đúng quy trình phòng dịch, từ vệ sinh cá nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với cơ quan thú y, các tổ chức quốc tế và chuyên gia dịch tễ để giám sát, xét nghiệm định kỳ, đồng thời chủ động tiêm phòng và xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh nếu có dấu hiệu dịch bệnh.
Chính nhờ quy trình chặt chẽ và đồng bộ này, nhiều khu chăn nuôi của Hùng Nhơn đã đạt tiêu chuẩn vùng an toàn dịch bệnh, tạo nền tảng vững chắc để tiến tới đạt chứng nhận Halal và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu?
Trước hết, tiêu chuẩn Halal rất khắt khe và không chỉ dừng ở sản phẩm cuối cùng mà là toàn bộ chuỗi sản xuất. Từ giống, thức ăn, quy trình chế biến đến bao bì, vận chuyển và cả yếu tố đạo đức kinh doanh. Việc thiếu hệ thống chứng nhận Halal nội địa, cũng như năng lực sản xuất đạt chuẩn quốc tế hiện vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, để tham gia sâu vào chuỗi Halal, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn: Đầu tư bài bản, xây dựng thương hiệu uy tín, minh bạch nguồn gốc và sẵn sàng liên kết với các đối tác quốc tế. Đây là một cuộc chơi lớn, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ từ doanh nghiệp mà còn từ chính sách nhà nước - đặc biệt là trong đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và xây dựng hệ sinh thái Halal tại Việt Nam.
Doanh nghiệp cần chủ động đi ra thế giới
- Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh xúc tiến và kết nối với các đối tác tại thị trường này, thưa ông?
Chúng tôi xác định rằng, muốn tham gia nghiêm túc vào thị trường Halal thì ngoài yếu tố sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp cần chủ động đi ra thế giới, kết nối và xây dựng lòng tin với các đối tác. Vì vậy, Tập đoàn Hùng Nhơn đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại một cách bài bản, chiến lược.
"Việc xây dựng thương hiệu số, truyền thông trực tuyến bằng đa ngôn ngữ cần được các doanh nghiệp đẩy mạnh để mở rộng tiếp cận người tiêu dùng và nhà nhập khẩu toàn cầu", ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.
Trước hết, chúng tôi tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành Halal tại các thị trường trọng điểm như: Malaysia, Indonesia, UAE và châu Âu. Đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, lắng nghe nhu cầu thực tế từ đối tác và cập nhật xu hướng tiêu dùng Halal toàn cầu.
Đặc biệt, Hùng Nhơn cũng đã chủ động tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Hiệp hội là cầu nối giúp doanh nghiệp kết nối với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và đối tác thương mại tiềm năng tại châu Âu, Trung Đông, đồng thời cung cấp tư vấn pháp lý và thương mại chuyên sâu, giúp rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí tiếp cận thị trường.
- Từ thực tế này, ông có kiến nghị nào đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển thị trường Halal?

Nhiều khu chăn nuôi của Hùng Nhơn đã đạt tiêu chuẩn vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: MP.
Trước hết, chúng ta cần xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển thị trường Halal, qua đó xác định rõ vai trò, mục tiêu và lộ trình cho từng bộ ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là kim chỉ nam để Việt Nam không bị động trong sân chơi Halal toàn cầu.
Thứ hai, rất cần hình thành hệ thống chứng nhận Halal uy tín ngay trong nước, do các tổ chức được quốc tế công nhận thực hiện, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên biệt cho thị trường Halal cũng cần được tổ chức thường xuyên và bài bản hơn. Không chỉ là hội chợ, triển lãm mà còn là các chương trình kết nối doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn đầu tư và pháp lý.
Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thi-truong-nong-san-viet-da-kenh-da-huongbai-8-can-mot-chien-luoc-quoc-gia-d751716.html