Thứ tư 14/05/2025 - 07:13
Kinh tế
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 6] Nông sản lên 'sàn'
Thứ Tư 14/05/2025 - 07:09
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là cách xây dựng thương hiệu hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp đang làm.
- Thái Nguyên đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử
- Thúc đẩy thương mại điện tử, đưa nông sản chủ lực vươn xa
- Doanh nghiệp nên hiện diện nhiều hơn trên nền tảng thương mại điện tử
- Vietnam Post biến nông sản thành những món quà qua sàn thương mại điện tử
Đặt hàng trước 12 giờ đêm, nhận hàng lúc 6 giờ sáng
Theo ông Tạ Công Khải, Giám đốc điều hành Kamereo - nền tảng cung ứng hàng hóa B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) chuyên biệt ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống cho các khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, siêu thị, cửa hàng tiện ích…, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử nông sản.

Nông trại hợp tác với sàn thương mại điện tử Kamereo để tiêu thụ sản phẩm đến tay khách hàng. Ảnh: Hồng Thắm.
Kamereo hiện đang phục vụ hơn 3.000 khách hàng, cung cấp trên 2.000 sản phẩm gồm rau củ quả; nguyên liệu bếp (đường, sữa, phô mai...), thịt, thực phẩm nhập khẩu… Qua quá trình vận hành, ông Khải nhận thấy một trong những lợi thế rõ rệt của thương mại điện tử nông sản là khả năng cung cấp hàng hóa nhanh với giá cả rõ ràng, minh bạch nguồn gốc và hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Kamereo chỉ phân phối những sản phẩm do chính công ty trực tiếp thu mua, nhờ đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiến độ giao hàng. Khách hàng chỉ cần đặt hàng trước 12 giờ đêm, sản phẩm sẽ được giao tận nơi vào lúc 6 giờ sáng hôm sau.
“Một điểm thuận lợi khác là xu hướng thu hẹp dần các chợ truyền thống trong đô thị, tạo ra nhu cầu cấp thiết đối với những kênh phân phối hiện đại, nhanh, ổn định như thương mại điện tử, đặc biệt trong đô thị lớn”, ông Khải nhấn mạnh.
Kênh xây dựng thương hiệu nông sản hiệu quả
Khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử đã trở thành hướng đi tất yếu giúp người nông dân, hợp tác xã mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm bớt sự phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống.
Ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc Ban Điều hành kinh doanh Sàn nông sản và Thương mại điện tử (Bưu điện Việt Nam) cho biết: Theo thống kê, Buudien.vn (tên gọi mới của Postmart.vn) của Bưu điện Việt Nam vẫn đang là sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản, đặc sản phổ biến nhất.
Năm 2024, sàn Buudien.vn đã đưa khoảng 3.600 sản phẩm OCOP lên sàn, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên sàn lên gần 10.000 sản phẩm, đạt hơn 70% sản lượng OCOP quốc gia.
Tận dụng lợi thế mạng lưới bưu chính trải rộng đến tận cấp xã, phường, Bưu điện Việt Nam triển khai chương trình “xuống vườn hiểu nông sản”. Từ quy trình gieo trồng, loại đất, phân bón, cách chăm sóc, thu hoạch và đặc tính của sản phẩm, nhân viên bưu điện đều được “mắt thấy tai nghe” tại vườn, tại cơ sở sản xuất.

Sàn thương mại điện tử là một kênh xây dựng thương hiệu đối với nông sản. Ảnh: VNP.
Từ đó, không chỉ tư vấn người dân về cách thức đóng gói sao cho phù hợp nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nguyên vẹn cả về hình thức lẫn chất lượng mà còn trực tiếp hỗ trợ từng người nông dân cách thức chụp ảnh sản phẩm, đăng ký tài khoản, thiết lập gian hàng và đăng bán sản phẩm trên sàn. Quan trọng hơn cả là hiểu rõ nông sản để xây dựng câu chuyện thương hiệu cho mỗi sản phẩm và truyền tải đúng giá trị của nông sản cũng như bản sắc của địa phương.
Giữa tháng 12/2024, Bưu điện Việt Nam đã chính thức đưa vào triển khai nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao (nongsan.buudien.vn). Trong đó, tập trung vào xây dựng các câu chuyện thương hiệu mang đậm giá trị bản sắc của những sản phẩm nông nghiệp.
Mỗi nông sản trên sàn đều mang trong mình câu chuyện về nơi sản phẩm đó được nuôi trồng và sản xuất. Thông qua mỗi câu chuyện, người tiêu dùng không chỉ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quy trình sản xuất mà còn kết nối họ với những giá trị nảy sinh từ tình cảm, tâm huyết, công sức của chính người nông dân tạo ra sản phẩm. Đây cũng chính là những giá trị mà nongsan.buudien.vn và Bưu điện Việt Nam đang hướng đến.
"Việc nhấn mạnh đặc điểm vùng miền không chỉ tạo dựng giá trị văn hóa mà còn giúp sản phẩm ghi điểm trong lòng khách hàng. Những người tiêu dùng yêu thích sự nguyên bản, chất lượng từ thiên nhiên và quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sẽ cảm thấy tự hào khi sở hữu sản phẩm mang đậm dấu ấn của nơi sản xuất", ông Tiến nhấn mạnh.
Một yếu tố nữa giúp tạo nên câu chuyện thương hiệu cho nông sản trên nền tảng nongsan.buudien.vn là làm nổi bật tính hữu hạn của sản phẩm, tức là sự khan hiếm và độc đáo.

Bưu điện Việt Nam tận dụng lợi thế về mạng lưới để triển khai thương mại điện tử cho nông sản. Ảnh: VNP.
Thay đổi diện mạo
Cũng theo Giám đốc Ban Điều hành kinh doanh Sàn nông sản và Thương mại điện tử (Bưu điện Việt Nam), trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng không thể trực tiếp sờ, ngửi hay cảm nhận sản phẩm. Vì thế, bao bì đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng sự tin tưởng và ấn tượng ban đầu. Bao bì không chỉ cần bảo vệ sản phẩm mà còn phải truyền tải thông điệp về chất lượng và bản sắc của sản phẩm. Một bao bì đẹp mắt, sáng tạo và phù hợp sẽ tạo ra cảm giác hấp dẫn và đáng tin cậy, giúp khách hàng dễ dàng quyết định mua sản phẩm.
“Thực tế, nông sản Việt Nam rất phù hợp để làm quà biếu, tặng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP hoặc đặc sản vùng miền. Mỗi sản phẩm trên nongsan.buudien.vn đều thể hiện được tâm ý, sự trân trọng của người tặng. Bởi vậy, chúng tôi chú trọng nhiều vào khâu thiết kế bao bì.
Chất lượng bao bì được tổng hòa từ nhiều yếu tố: phù hợp với đặc tính sản phẩm; đảm bảo yếu tố thẩm mỹ; an toàn trong quá trình vận chuyển. Điều này giúp gia tăng sự hiện diện của nông sản trong thị trường quà tặng, mở rộng cơ hội tiêu thụ và khai thác tối đa giá trị của nông sản”, ông Phạm Quyết Tiến chia sẻ.
Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản qua nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là đối với những nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản như nongsan.buudien.vn không chỉ tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp mà còn mở ra những tiềm năng phát triển lâu dài.
Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản của Việt Nam mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu, đưa nông sản Việt ra thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng số hóa, sự chuyển mình của các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ đưa nông sản Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thi-truong-nong-san-viet-da-kenh-da-huong-bai-6-nong-san-len-san-d750405.html