| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 19:12

Thế giới

Thay đổi tư duy khai thác tài nguyên biển

Thứ Ba 06/05/2025 - 18:48

Thượng nghị sĩ Mathilde Ollivier đề xuất, cần thay đổi tư duy từ 'bảo vệ tăng cường' thành 'bảo vệ nghiêm ngặt', nghiêm cấm mọi hoạt động mang tính khai thác tận diệt.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ ba (UNOC3) diễn ra tại thành phố Nice (Pháp). Trong bối cảnh đó, nhiều sáng kiến đang được khởi xướng nhằm nhắc nhở quốc gia về những cam kết trong lĩnh vực bảo vệ hệ sinh thái biển. Một trong những đề xuất là bảo vệ nghiêm ngặt các vùng biển quan trọng của Thượng nghị sĩ Mathilde Ollivier, đại diện nhóm nghị sĩ Sinh thái, Đoàn kết và Lãnh thổ. 

Pháp có diện tích đại dương rất lớn, đòi hỏi quốc gia phải có những hành động bảo vệ diện tích biển thực sự nghiêm ngặt. Ảnh: Ifremer.

Pháp có diện tích đại dương rất lớn, đòi hỏi quốc gia phải có những hành động bảo vệ diện tích biển thực sự nghiêm ngặt. Ảnh: Ifremer.

Pháp đang nắm giữ trách nhiệm to lớn, nhưng chưa hành động tương xứng

Với vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 10 triệu km², Pháp sở hữu vùng biển lớn thứ hai thế giới. Điều này đặt Pháp vào vị trí trung tâm trong nhiệm vụ bảo vệ đại dương và quản lý bền vững các hoạt động khai thác trên biển.

Theo Greenpeace, hiện tại chỉ có khoảng 4% các khu bảo tồn biển của Pháp được áp dụng các quy định và mức độ bảo vệ thực sự hiệu quả. Thậm chí, theo Thượng nghị sĩ Mathilde Ollivier, đại diện nhóm nghị sĩ Sinh thái, Đoàn kết và Lãnh thổ, con số này còn thấp hơn, chỉ dưới 2%. Ngày 12/6 tới đây, Thượng nghị sĩ sẽ đệ trình một dự thảo luật “tăng cường bảo vệ các hệ sinh thái biển”, trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề của nhóm nghị sĩ sinh thái tại Thượng viện.

"Đại dương là 'đồng minh' của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Đại dương đóng vai trò điều hòa khí hậu, hấp thụ phần lớn khí CO2 do con người thải ra và tái tạo 50% oxy mà con người hít thở nhờ các sinh vật phù du", bà Mathilde Ollivier cho biết.

Việc Pháp đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về đại dương tại Nice vào tháng 6 tới là một cơ hội quý giá. Trọng tâm của hội nghị sẽ là Hiệp định Bảo tồn đa dạng sinh học biển (BBNJ). Hiệp định này cho phép thiết lập các khu bảo tồn biển ở ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử bổ sung cho Công ước Luật biển năm 1982. Pháp là một trong những nước đầu tiên ký kết hiệp ước này từ tháng 9/2023 và đã thông qua luật phê chuẩn vào ngày 5/11. Khi mọi ánh nhìn đổ dồn về Nice, Pháp phải biến lời nói thành hành động. Đã đến lúc phải có một nền ngoại giao sinh thái đúng tầm thời đại.

Cần đặt tham vọng quốc gia vào việc thực sự bảo vệ các hệ sinh thái biển

Đề xuất của Thượng nghị sĩ Mathilde Ollivier nhấn mạnh việc cần thiết phải xác định lại khái niệm "bảo vệ tăng cường" thành "bảo vệ nghiêm ngặt", trong đó nghiêm cấm mọi hoạt động mang tính khai thác tận diệt. Hiện nay, Pháp vẫn ưu tiên áp dụng hình thức “bảo vệ tăng cường” và cách tiếp cận xem xét đối với các khu bảo tồn biển, cho phép duy trì một số hoạt động “tác động thấp”, chẳng hạn như nghề cá thủ công hoặc đánh bắt giải trí.

Phao đánh dấu ranh giới khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển Porto Fino. Ảnh: Joachim Claudet. 

Phao đánh dấu ranh giới khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển Porto Fino. Ảnh: Joachim Claudet. 

Đề xuất luật cũng giữ nguyên mục tiêu bảo vệ 30% diện tích biển, trong đó có 10% được bảo vệ nghiêm ngặt, với kế hoạch quản lý công bằng, có sự tham vấn rộng rãi và thiết lập các khu vực nghiêm ngặt dọc theo từng vùng bờ biển. Ngoài ra, đề xuất còn đề cập đến việc thành lập các vùng đệm dành riêng cho nghề cá thủ công, xây dựng chiến lược chuyển đổi cho các đội tàu đánh bắt bằng lưới kéo đáy kèm theo các biện pháp hỗ trợ bù đắp cho ngư dân, và cấm các tàu lưới kéo dài trên 25m hoạt động trong phạm vi dưới 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Trước Hội nghị UNOC3, Chính phủ và Tổng thống Pháp cần có lộ trình loại bỏ dần kỹ thuật giã cào đáy trong khu bảo tồn biển và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đây là xu thế tất yếu và cần chủ động thích ứng thay vì bị động chịu đựng.

Cuối cùng, dự thảo của nhóm Thượng nghị sĩ sẽ cấm tàu cá siêu giã cào - những “gã khổng lồ” dài tới hơn 100m, khai thác tới 250 tấn cá/ngày, gây sức ép lớn và cạnh tranh không công bằng với ngư dân địa phương. 

Theo Thượng nghị sĩ Ollivier, đây là “một cơ hội mang tính lịch sử để thúc đẩy một chính sách mạnh mẽ, nhất quán về các khu bảo tồn biển và là công cụ tốt nhất để chống lại sự suy giảm đa dạng sinh học”. Một chiến dịch vận động người dân cũng đã được khởi động trực tuyến nhằm kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi cho sáng kiến này.

Trong bối cảnh nơi đại dương trở thành trung tâm, Thượng viện Pháp cần đưa ra các đề xuất luật pháp cụ thể, để có thể thực hiện các cam kết châu Âu và quốc tế. Đạo luật đề xuất là viên gạch đầu tiên trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học biển, phát triển nghề cá truyền thống và thúc đẩy kinh tế ven biển bền vững.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thay-doi-tu-duy-khai-thac-tai-nguyen-bien-d751703.html