Thứ sáu 02/05/2025 - 20:58
Phóng sự
'Thần núi' trên đỉnh Chứa Chan
Thứ Tư 20/01/2016 - 10:15
Hơn 20 năm, từ hai bàn tay trắng, anh Ngô Văn Phước, bám trụ trên núi Chứa Chan, thuộc địa bàn xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để mưu sinh lập nghiệp...
Đến nay gia đình anh đang sở hữu hàng chục ha đất trồng rừng tràm và cây ăn trái, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Lập nghiệp bằng một cây... rựa
Sau gần một giờ đồng hồ chinh phục những dốc núi cao dựng đứng, chúng tôi mới đến được khu vực chùa Bửu Quang nằm ở lưng chừng núi Chứa Chan. Vậy nhưng, từ đây lên tới nhà anh Ngô Văn Phước vẫn còn phải tiếp tục leo dốc hơn 1 km nữa.
Thấy chúng tôi dừng chân ngoái nhìn xung quanh vách núi, mồ hôi ướt đầm đìa lưng áo, anh Phước gợi ý: “Mệt chưa, đưa ba lô để tôi mang hộ cho. Dù sao tôi đi lại hằng ngày quen rồi, còn các anh mới đi thì nhanh mệt đấy?”. Tôi vội lắc đầu tự an ủi: “Nhằm nhò gì anh!”. Chúng tôi lại rảo chân bước tiếp.
Những vách đá dựng đứng trên núi Chứa Chan.
Con đường lên nhà anh Phước chỉ là một lối mòn nhỏ, hai bên cây cỏ mọc um tùm, dây leo chằng chịt, có những ngọn dốc cao trơn trợt. Thỉnh thoảng anh Phước lại pha trò vui, kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống mưu sinh của gia đình anh giữa nơi rừng núi mênh mông này.
'Núi Chứa Chan nằm trên địa phận Xuân Lộc, Đồng Nai. Núi còn có tên gọi khác là núi Gia Lào, núi Gia Ray hay đỉnh Miệng Rồng. Là một ngọn núi đá cao 837m so với mực nước biển và đứng thứ hai ở Nam Bộ, sau núi Bà Đen (Tây Ninh). Ngọn núi này ẩn chứa rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí. Sau năm 1975, khách hành hương từ khắp mọi nơi đổ về đây tham quan, cúng chùa ngày một đông. Từ đó, người dân dưới đồng bằng mới theo lên đây lập nghiệp...', ông Phạm Văn Bình (BQL di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan) cho biết. |
Trước đây, vợ chồng anh Phước lấy nhau, ra ở riêng với tài sản duy nhất chỉ là cây rựa để tự lập nghiệp. Lúc bấy giờ, dưới đồng bằng quá khó khăn, không có điều kiện để vợ chồng anh thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Năm 1992, thấy khách hành hương lên núi cúng chùa ngày càng đông nên anh quyết định dẫn vợ đi theo để tìm phương cách lập nghiệp.
“Hồi đó, khu vực này chỉ là vùng đồi núi trọc, trơ trụi. Nhiều người đã phải bỏ vùng đất khỉ ho cò gáy này để đi nơi khác lập nghiệp. Vậy nhưng tôi thầm nghĩ, có thể hôm nay vùng đất chưa mang lại giá trị gì nhưng sau này rồi sẽ khác. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết tâm bám trụ lại rừng núi để mưu sinh”, anh Phước kể.
Hằng ngày, anh Phước phụ vợ nấu nồi sữa đậu nành để bán phục vụ khách, tranh thủ lúc rảnh rỗi anh lại vào rừng sâu chặt cây lồ ô vác xuống chợ, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng.
Cuối cùng may mắn đã đến khi Nhà nước có Chương trình 327 (trồng rừng phủ kín đồi núi trọc), anh hăng hái đăng ký 2 mẫu đất để trồng tràm, điều, chuối. Ngoài ra, tận dụng nguồn cỏ trên núi, anh vay vốn đầu tư mua bò về nuôi.
Chỉ sau vài năm chịu khó làm lụng, hai vợ chồng anh cũng có được khu rừng tràm và điều xanh mướt, một đàn bò mập khỏe. Kể từ đây, gia đình anh bắt đầu ăn nên làm ra. Khi tích cóp có tiền dư, anh lại đầu tư mua đất. Vì vậy, đến nay gia đình anh đã có được khoảng 25 mẫu đất trên núi.
Để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, anh Phước đã dành thời gian tháng trời lặn lội vào các hang động trên núi để tìm kiếm nguồn nước ngầm dẫn về sử dụng. Khi có nước rồi, anh Phước lại tiếp tục suy nghĩ sáng chế ra máy phát điện để nhà mình thắp sáng và chia sẻ cho bà con ở dưới chân núi cùng có nguồn điện sử dụng.
Anh Phước tâm sự: “Hiện tôi đang trồng thử nghiệm cây tiêu và cây cà phê trên núi và nuôi thêm heo mọi thả rông. Nếu thành công thì sắp tới tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng cây công nghiệp, tăng đàn heo nuôi để có thêm thu nhập”.
Nuôi heo để kiếm thêm thu nhập.
Chỉ tay ra con đường đất mới mở nối dài từ chân núi lên đến rẫy, anh Phước phấn khởi bảo, gia đình tôi đã tự bỏ tiền mở được con đường này để cho máy cày mini, xe máy chạy lên được thuận tiện, không còn cực khổ đi lại và vận chuyển nông sản như trước nữa.
"Thần núi" tốt bụng
Trên đường đưa chúng tôi tiếp tục vào sâu trong núi Chứa Chan tham quan, anh Phước tranh thủ giới thiệu: 'Trên núi có nhiều nơi linh thiêng lắm, lên tí xíu thì có cây đa 3 gốc 1 ngọn. Lưng chừng núi có am Cô Mai và chùa Bửu Quang, sau chùa thì có miếu “bà công chúa', lên cao nữa thì có suối Tôm. Ai câu được con tôm ở suối này thì kể như sắp phát tài. Còn nhiều điểm linh thiêng lắm nhưng anh phải ở trên núi ít nhất vài ngày mới viếng đủ các điểm linh thiêng”.
Nghe vậy tôi cũng vui miệng thắc mắc, sao người dân dưới đồng bằng lại hay gọi anh là 'thần núi'? Anh Phước cười hiền giải thích: Tại vì sau khi làm ăn tích cóp được số vốn kha khá, tôi xuống đồng bằng mua miếng đất cất căn nhà để chuyển gia đình về đây ở.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn tôi cảm thấy mình không thích nghi được với cảnh nhộn nhịp đông người mà lúc nào cũng nhớ núi rừng. Do vậy, tôi quyết định một mình lên núi ở làm rẫy cho yên tĩnh, lâu lâu mới “hạ sơn” về thăm vợ con và giúp bà con kéo nguồn điện trên núi về sử dụng. Từ đấy bà con quý mến hay vui miệng gọi tôi là 'thần núi'.
Anh chế tạo ra máy phát điện chiếu sáng cho gia đình và người dân.
Ngồi nhìn về phía đồi xa, anh Phước nhớ lại: “Lúc đầu vợ tôi không chịu lên núi, vì trước đây khu vực này còn hoang sơ, heo hút lắm. Vậy nhưng, cứ ngày đêm tôi khuyên nhủ và thuyết phục vợ theo mình bằng được, cứ lên ở tạm kiếm kế mưu sinh rồi sau này tính tiếp. Không ngờ cái duyên nợ với núi rừng khiến cuộc đời tôi gắn bó với nơi đây cho đến giờ”.
Mấy chục năm sống trên núi, anh Phước thông thuộc mọi đường đi lối về và luôn sẵn lòng giúp đỡ các đoàn khách lên đây tham quan.
“Do thấy nhiều đoàn du khách khi lên núi Chứa Chan này rất hay bị lạc đường vào sâu trong núi rất nguy hiểm nên tôi đã tự chế ra nhiều tấm bảng chỉ dẫn các hướng đi rồi gắn vào các thân cây để du khách không còn bị lạc đường nữa”, anh Phước nói.
Theo anh Phước, không chỉ tự dọn đường, gắn bảng hiệu hướng dẫn, ngôi nhà nhỏ trên núi của anh còn là điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch dã ngoại. Anh tạo mọi điều kiện cho các đoàn khách ở lại đêm sinh hoạt đốt lửa trại, vui chơi và không hề thu tiền. Thậm chí, anh còn đang đầu tư sửa chữa lại căn nhà cho khang trang, sạch sẽ hơn để giúp du khách mỗi khi đến với núi Chứa Chan có được điểm dừng chân thoải mái vui chơi. Đồng thời, anh còn có ý tưởng làm lại cái bếp nấu sữa đậu ngày xưa để vừa phục vụ du khách thưởng thức, vừa nhắc nhở mình không quên những ngày tháng cơ cực trước đây.
Nơi anh Phước đã tìm ra nguồn nước ngầm
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/than-nui-tren-dinh-chua-chan-d155641.html