Thứ bảy 19/04/2025 - 03:24
Thị trường
Thái Lan đặt mục tiêu cân bằng thương mại với Hoa Kỳ trong 10 năm
Thứ Tư 09/04/2025 - 15:04
Dù cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan và tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Chính phủ Thái Lan thừa nhận quá trình cân bằng xuất nhập khẩu cần thời gian.
- Hai Bộ trưởng Thái Lan tranh cãi gay gắt sau khi Trung Quốc trả về 64 tấn sầu riêng
- Xuất khẩu xoài Thái Lan sang Hàn Quốc tăng 132,7%
- Chính phủ Thái Lan ngăn giá gạo giảm sâu
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Pichai Chunhavajira, người đứng đầu đoàn đàm phán với Hoa Kỳ của Thái Lan cho biết, quốc gia này chưa vội sang Hoa Kỳ để đàm phán các vấn đề liên quan đến thuế đối ứng. Nguyên nhân bởi cần thêm thời gian chuẩn bị.
Trong phát biểu với Bangkok Post hôm qua 8/4, ông Pichai nói thêm, rằng xứ Chùa vàng sẽ sớm tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời giảm một số loại thuế quan và giải quyết các rào cản phi thuế quan. "Chúng tôi sẽ tìm cách cân bằng thương mại với Hoa Kỳ trong vòng 10 năm", ông chia sẻ.

Thái Lan có độ mở kinh tế tương đối lớn so với khu vực và thế giới. Ảnh: Lloyds List.
Mức thuế quan 36% mà Hoa Kỳ áp dụng cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á nằm trong nhóm mức thuế cao trong danh sách Tổng thống Donald Trump công bố.
Nguồn tin của Reuters cho thấy, thuế quan có thể làm giảm 1% tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm nay.
Trước khi mức thuế quan được Hoa Kỳ công bố, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng 3% năm 2025, nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng 2,5% của 2024. Dù vậy, con số này kém khá xa so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu của Thái Lan, năm ngoái nước này có thặng dư thương mại 35,4 tỷ USD với Hoa Kỳ, thấp hơn khoảng 10 tỷ USD so với con số mà Washington công bố.
Bên lề cuộc họp Chính phủ hôm 8/4, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết, Thái Lan đang cân nhắc tăng cường nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ như ngô, đậu nành, dầu thô, etan, khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô và đồ điện tử, máy bay...
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét lại các quy định về nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ. Đồng thời, Thái Lan sẽ tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới để phân tán rủi ro.
Cuối tháng 1/2025, Thái Lan đã ký hiệp định thương mại đầu tiên với 4 quốc gia châu Âu gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ, được gọi là Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Theo thỏa thuận, Thái Lan và EFTA sẽ xóa bỏ hoặc giảm thuế quan với các sản phẩm công nghiệp và thủy sản của nhau. Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại với thủ tục hành chính nhanh chóng và quy định minh bạch.
Chính phủ Thái Lan hy vọng thỏa thuận với EFTA sẽ giúp nước này mở rộng thị trường xuất khẩu và đóng vai trò như một “bộ đệm” chống lại các bất ổn thương mại.
Hiện Bangkok tăng cường đàm phán hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Bhutan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngoài ra, nước này cũng đang đàm phán thỏa thuận với Canada với các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Vào tuần trước, Passakorn Chairat, người đứng đầu Văn phòng Kinh tế Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Thái Lan) thừa nhận, việc tăng nhập khẩu những sản phẩm từ Hoa Kỳ giúp giảm thặng dư thương mại, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm trong nước của Thái Lan, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
“Chúng tôi đang đi sau Việt Nam về các thỏa thuận thương mại tự do”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan thừa nhận. Theo vị này, Thái Lan cần thay đổi về cơ cấu để xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm công nghệ cao.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thai-lan-dat-muc-tieu-can-bang-thuong-mai-voi-hoa-ky-trong-10-nam-d747195.html