Cửa hẹp nhưng nhiều triển vọng
Công ty Cổ phần Thủy sản Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành lập năm 2013, là trại sản xuất tôm và tôm giống công nghệ cao, sử dụng công nghệ nuôi siêu thâm canh, sinh học, tuần hoàn tái sử dụng nước trên diện tích 5ha, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết, năm 2016, doanh nghiệp đã được Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản thế giới cấp chứng chỉ nuôi trồng bền vững ASC (Aquaculture Stewardship Council) và Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu cấp chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices).

Trang trại nuôi tôm của Minh Phú Lộc An lên tới 300ha, đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Lê Bình.
Theo ông Lộc, đây là các chứng nhận nuôi trồng bền vững, theo một quy trình nuôi trồng thủy sản tốt nhất được áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản, từ trang trại nuôi, nhà máy chế biến, đến trại sản xuất giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi. Các tiêu chuẩn này không chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật nuôi trồng, mà còn bao gồm các yếu tố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội.
Với năng suất 80 tấn/ha/vụ (trong khi nuôi truyền thống chỉ được 5 tấn/ha/vụ), 1 năm nuôi 3 vụ, đã đem lại doanh thu cho công ty từ 20-30 tỷ đồng/năm. Nhờ quy trình công nghệ cao, bền vững đã tạo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, xuất khẩu các mặt hàng tôm qua các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… với giá bán cao hơn từ 5-10%.
Tương tự, Công ty Minh Phú Lộc An (huyện Long Đất) cũng đã lấy chứng chỉ ASC và BAP vào năm 2020. Công ty nuôi tôm theo công nghệ MPBiO trong môi trường hoàn toàn tự nhiên có bổ sung hạt sinh học và tảo khuê, không sử dụng thức ăn công nghiệp, vừa sức tải của môi trường.
Ngoài ra, tôm nuôi theo công nghệ sinh học đạt hiệu quả cao, khi thu hoạch tôm đều đạt kích cỡ lớn 15-20 con/kg, từ đó giúp giá bán tăng lên 20.000-50.000 đồng/kg, không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn phục vụ thị trường xuất khẩu thủy sản, giúp Minh Phú giữ vững danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu cả nước trong nhiều năm. Hiện tại, mỗi ao nuôi của doanh nghiệp có năng suất khoảng 3 tấn/vụ (ao tròn nổi có diện tích 834m2).

Công nhân Công ty bột cá Phúc Lộc (thành phố Vũng Tàu) bốc dỡ hàng xuất bán cho các công ty thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình.
Ở lĩnh vực khai thác hải sản, các doanh nghiệp cũng đang tích cực đầu tư lấy các chứng chỉ quốc tế và hợp tác cùng ngư dân thực hiện tốt các quy định chống khai thác IUU, hướng tới phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh kiêm Chủ tịch Chi hội chế biến bột cá và dầu cá, cho biết, để nắm bắt nhu cầu và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các nước nhập khẩu, ngay từ năm 2015, các doanh nghiệp chế biến bột cá đã quan tâm đến việc lấy các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia các tổ chức cải thiện và sản xuất bền vững nghề cá.
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Bàn tròn dự án cải thiện nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu (FIP Vũng Tàu) được khởi xướng vào tháng 11/2015 bởi các doanh nghiệp sản xuất bột cá của tỉnh và các đối tác, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trong cả nước như Tập đoàn CP, Nutreco, Grobest; sau đó, được chính quyền tỉnh công nhận vào tháng 7/2016.
Với sự ủng hộ của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GSA), Hội nghị Bàn tròn cải thiện nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu và các bên liên quan trên toàn thế giới đã diễn ra tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản châu Âu ở Brussels vào cuối tháng 4/2016.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng nhau hợp tác để phát triển bền vững hơn. Ảnh: Lê Bình.
Đến tháng 6/2020, FIP Vũng Tàu tham gia vào Tổ chức quốc tế Fishery Progress với 10 thành viên (4 công ty thức ăn và 6 công ty bột cá của tỉnh).
Theo ông Lộc, FIP Vũng Tàu là FIP nghề cá đa loài đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn nguyên liệu cung ứng có trách nhiệm và bền vững.
Mục đích chính của FIP Vũng Tàu là giúp các công ty bột cá tại tỉnh đi tiên phong trong việc đáp ứng yêu cầu mua nguyên liệu biển có trách nhiệm và đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản từ nguyên liệu đầu vào, nuôi trồng đến xuất khẩu. Điều này có nghĩa, các bên tham gia FIP Vũng Tàu sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ và thúc đẩy nghề cá tỉnh phát triển bền vững.
“Các thành viên trong FIP Vũng Tàu đang hoàn thiện các yêu cầu để tiến tới lấy tiêu chuẩn cao hơn Marin Trust, là tiêu chuẩn chứng nhận đặc biệt cho các thành phần từ biển, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ở các thị trường khó tính EU, Mỹ”, ông Lộc thông tin.

Các doanh nghiệp đang tính đường chuyển hướng sang nuôi biển, nuôi thủy sản lồng bè để chủ động nguồn cung và dễ kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Lê Bình.
Để giúp ngư dân và các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia trong tỉnh lấy các chứng chỉ quốc tế trong khai thác hải sản, đầu tháng 3/2025, Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam phối hợp với Hội đồng quản lý Biển quốc tế - MSC (Marine Stewardship Council) tổ chức khóa tập huấn về nguyên tắc thứ 3 - Quản lý và Chính sách trong việc lấy chứng chỉ MSC.
Đây là một tiêu chuẩn quốc tế về nghề cá bền vững, minh bạch, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội mà các thị trường xuất khẩu thủy sản như EU, Mỹ đang yêu cầu, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, mà còn góp phần cùng ngành thủy sản cả nước phát triển một nghề cá bền vững và gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 446 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến trung bình hằng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó, có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP, 30/42 nhà máy này đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất khẩu đi hơn 40 nước với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm khoảng 230 triệu USD.