| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 18:10

Văn hóa

Tát vũng

Thứ Sáu 05/06/2020 - 06:35

Xưa, đám trẻ trong làng thường đi học 1 buổi, chiều phải lo việc nhà hay việc đồng áng giúp bố mẹ, chứ không được nhong nhóng đi chơi mấy khi.

Tát vũng. Ảnh: TL.

Tát vũng. Ảnh: TL.

Chỉ đám con nhà thoát ly ăn sổ gạo mới thường học bài buổi chiều chứ cánh con nhà nông thì rất ít khi, bài vở bao giờ cũng dành đến tối.

Ấy là một nhẽ, còn đám choai choai trong làng với những ngày hè nắng nỏ này cũng không phải ít chuyện. Đi học về, ăn cơm trưa xong bọn con trai thường cởi trần nằm ngủ trên chõng, trên phản. Nắng nôi thế này bố mẹ sợ nhất bọn này đi chơi nắng.

Thế nhưng có khi bố mẹ chợp mắt một chút dậy đã thấy cái phản trống trơn. Chả phải đi tìm bao giờ, bố mẹ chúng biết ngay con mình lại tụ bạ ngoài sân đình, chơi khăng, chơi bi, hay chỉ là đứa ngồi trên trạc đa, đứa ngồi dưới gốc tán chuyện mà thôi.

Các "ông con" này quả cũng lắm chuyện, chẳng thấy nói chuyện học mấy khi, toàn chuyện nghịch là không ai bằng.

Nhưng cũng khó mà cấm được chúng, chúng nói chuyện kiểu này hết buổi trưa, sang đến những đêm trăng sáng cũng vẫn tụ tập thế này nói tiếp. Chúng nói thế cho hết mùa hè khi nào đi học trở lại và còn nói hết năm này sang năm khác chứ không ngoa.

Ngày dài, có nắng mãi rồi trời cũng đã ngả bóng, đám con trai đứa thì về dắt trâu bò ra đồng cho khỏi cuồng cẳng, đứa tót về đầu hồi nhà mang cái khau bơi, hay cái chậu đi. Bố mẹ bận cũng khó mà kiểm soát hết, phần vì chúng đã biết việc phần vì trẻ con quê xưa bố mẹ không quản chặt mấy khi.

Chúng đã ngoắc nhau đi tát hũng (tức là tát vũng) chiều hè.

Bọn trẻ thực sự đã biết lượng sức mình, nên chúng chỉ đi hôi khi tát ao, chứ dăm thằng sức vóc thế này với cái chậu thau, cái khau bơi thì không bao giờ chúng bén mảng đến chỗ cừ, đầm, hay đấu sâu mà chúng chỉ nhắm đến những mương dẫn nước, hay rộc ven đồng và bao giờ "quy mô" cũng chỉ là tát vũng.

Nói là ngả bóng nhưng chưa hề hết nóng, có chăng cũng chỉ cơn gió bớt nóng mà thôi. Bọn trẻ biết thừa chỗ nào nhiều cỏ để thả trâu, biết đến từng bờ thửa cỏ tốt.

Có đứa đã nhanh chóng mang đôi liềm đi cắt cỏ ngoài bờ thửa để đảm bảo trâu buộc dưới gốc phi lao ngoài đồng cũng đủ no. Bọn trẻ thường tương trợ nhau, những đứa không phải chăn trâu, bò cũng thường vơ cỏ, cắt cỏ giúp bạn để đảm bảo cho những con trâu bò này no.

Chúng giúp nhau thế cũng là để cùng nhau tát vũng. Điều mà chúng hay bàn đến "ong thủ" khi ngồi hóng mát ngoài sân đình.

Thật đúng kế hoạch đã bàn, mỗi đứa 1 việc chúng săng sái bước xuống nước. Cũng là lội xuống khỏa cho sướng cái đã rồi mới xác định nguồn bùn đất sẽ lấy để be đắp.

Nếu là mương, cả bọn sẽ lấy bùn đắp hai đầu. Những bàn tay lều khều cũng biết thọc sâu xuống chỗ đất bùn áp bờ để lấy từng vốc, đắp đắp, be be. Chẳng mấy mà đã đắp xong 2 bờ 2 đầu, thế là đứa có thau dùng thau, đứa có chậu dùng chậu, đứa không có dụng cụ thì dùng tay tát nước ra thật nhanh.

Không lâu sau khúc mương đã cạn đến bùn. Có đứa không thạo chỉ ngồi trên nhìn chúng bạn hăng hái làm mà thôi. Đám này cũng phải dăm đứa. Không biết nghe tin từ đâu mà mấy đứa con gái cũng chạy xa xem "tát hũng".

Học người lớn từ những lần tát ao, nên đám này tỏ vẻ rất thành thạo, chúng đứng trên 1 chân còn 1 chân khua bùn. Những cá, tép sặc bùn ngoi lên ngay.

Thế là đứa nhìn, đứa chỉ, nhặt nhặt, khỏa khỏa sướng thôi. Hôm được nhiều, mê mải có khi đến tối, hôm ít cũng được kín đáy chậu. Thấy rắn nước, nhiều đứa chạy té lên bờ, bùn văng tứ tung. Đứa bạo dạn cầm đuôi rắn, quay vài vòng cho cả bọn cười rồi mới ném ra xa.

Có đứa lại thấy con lươn, cầm mãi chẳng được, trơn tuồn tuột khiến cả bọn cười sằng sặc. Mấy đứa con gái cũng nhặt hộ cá nếu chúng ném lên bờ, có đứa còn đi bẻ cành hộ để tí cho bọn con trai chia nhau xong sẽ xâu cá mang về.

"Tát hũng" thực sự là niềm vui của đám trẻ trong làng, nhiều đứa tóc cháy, đen bóng vì tát suốt mùa hè. Những cái bờ be tát xong không bao giờ chúng phá, mà để đấy, hẹn được nhau, chúng chỉ việc be 1 bời rồi tháo nước khúc bên cạnh vào đó, để nhanh chóng có "hũng" mới để khua, để bắt mà không mấy tốn công. Có ngày tát vũng đằng rộc lại vớ bẫm, được cả 1 chậu cá chia nhau. Rồi cho cả bọn con gái đem về cho mèo, cũng là trả công bọn ấy ngồi cổ vũ.

Tát vũng này không được cá to mấy khi, chỉ nhiều rô ron, săn sắt, thêm ít ốc và cua. Nếu tát vũng rộc có thể được nhiều hơn, có khi được cả dăm con cá trôi, cá diếc.

Khi cả đứa đứng dưới vũng lẫn đứa ngồi trên không còn thấy bùn sủi tăm hay cá quẫy nữa thì mới coi như tát xong. Chúng để nguyên bờ vừa đắp ấy, đi sang khúc mương bên đầy nước để rửa chân tay, người ngợm.

Tát vũng mà cũng bẩn như tát ao, đầu tóc cũng bê bết bùn. Rửa xong, chúng bê chiến lợi phẩm lên bãi cỏ ngồi chia nhau. Chia thường theo thỏa thuận, có đứa lấy hết cua, để đủ bữa canh tối nay. Đứa lại lấy tép về băm cho gà, đứa lại nhặt cá rô về rán, có đứa tát suốt buổi lại chẳng lấy gì, cho bọn kia hết.

Đứa nào xin đôi con về cho mèo cũng được ngay không khó khăn gì, chỉ cần xâu vào que hay gói vào cái lá khoai nước cầm về. Tắt nắng, cũng là khi trâu bò đã no bụng, bọn trẻ con đánh trâu về làng, đứa nào đứa nấy đều hể hả với chiến lợi phẩm thu được.

Có hôm chúng còn mải bơi ngoài chuôm mãi không buồn về, không ít bà mẹ tất tả sang hàng xóm hỏi xem thằng nhà bên ấy đã về chưa mà mãi không thấy con nhà mình dẫn xác về.

Nhiều đứa về đến cổng đã bị ăn mắng, vì tội đi chơi không biết đường mà về, hay có khi quần áo bẩn như "ma chôn, ma vùi". Thì ra khi bọn tát vũng quăng rắn, hay khỏa bùn mải cười nó đã quên rằng áo lấm bết, tát vũng xong, lại mải chia chác, xin cá cho mèo mà không gột bùn đi, nên mẹ đã phát hiện ra nó đi "tát hũng" với đám trẻ trong làng.

Nhà có thiếu gì đâu, báu gì vài con tép, nhiều nhà muốn cấm con đi "tát hũng" vừa bẩn vừa bêu nắng không khéo phải cảm ý chứ, nhưng cấm cũng khó, chúng cứ theo nhau.

Mà chúng tát vũng xong không cầm cá tép về thì cũng khó để biết chúng đã đi. Bố mẹ cũng bận đến tối, về sau chúng, khi chúng đã về trước tắm rửa, cơm nước đâu đấy rồi thì khó biết đường nào mà lần.

Bẵng đi vài mùa hè, đám ‘"tát hũng" cao lớn lên hẳn. Gần tết tham gia tát ao làng hẳn hoi, có cô gái vẫn ngồi trên bờ chỉ chỗ sủi tăm cho người bắt cá.

Qua tết năm đó, rồi qua hội làng, đám trai chay với đám gái trinh rước kiệu trong đám hội đã có nhiều người để ý nhau, mà đám trẻ trâu tát vũng cũng biết. Có đứa còn bảo: Hồi tát hũng anh ý hay cho chị này cá.

Nói rồi chúng cười ngả nghiêng, nhưng cũng lại quên ngay, để nói tiếp những chuyện của chúng khi băng qua con đường giữa cánh đồng về làng sau buổi học.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tat-vung-d265717.html