| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 15/04/2025 - 14:04

Chính trị

Tạo động lực cho khoa học và đổi mới sáng tạo từ hành lang pháp lý

Thứ Ba 15/04/2025 - 14:04

Xây dựng một đạo luật gốc nhằm kiến tạo một không gian phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tại Phiên họp thứ 44 diễn ra sáng 15/4 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây được xem là đạo luật gốc nhằm kiến tạo một không gian phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay vì chỉ dừng lại ở chức năng quản lý.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ và khả thi

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc để lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hiệu quả vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 95 điều, tăng thêm 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại toàn bộ nội dung. Luật đã sửa đổi lớn 26 điều, bổ sung 23 điều, bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 118/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, sáu chính sách lớn được đề xuất bao gồm: đổi mới hoạt động nghiên cứu và quản lý nhà nước; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ; thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả ngân sách; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường phổ biến tri thức; và xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo.

Ưu tiên chính sách phát triển nguồn nhân lực

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là thứ tự ưu tiên chính sách trong dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt nhưng lại đang xếp cuối cùng trong Điều 11. Bà nhấn mạnh, để tạo đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần đưa chính sách phát triển nhân lực lên hàng đầu, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW với ba yếu tố tiên quyết là thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Đồng thời, dự thảo Luật cần thể chế hóa cơ chế đặc thù nhằm thu hút chất xám Việt kiều, chuyên gia nước ngoài về nước làm việc, tạo điều kiện về quốc tịch, nhà ở, thu nhập và môi trường làm việc cho các nhà khoa học đầu ngành.

Gỡ rào cản thủ tục – Tăng sức sáng tạo

Nhiều ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, cần mạnh dạn cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là các bước thanh quyết toán hóa đơn, chứng từ mà các nhà khoa học phải tự thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần sửa đổi Luật theo hướng này để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu, thay vì sa vào các quy trình hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, luật lần này cần được tiếp cận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cả khu vực công lẫn tư. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không còn là lĩnh vực “riêng” của cơ quan nghiên cứu, mà phải là một hệ sinh thái mở, nơi mọi sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng, đến được với thị trường và phục vụ đời sống xã hội.

Thúc đẩy vai trò doanh nghiệp và kinh tế tư nhân

Một điểm mới quan trọng trong dự thảo là sự khẳng định vai trò chủ lực của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần thiết kế các chính sách mở, khuyến khích quyền tự do nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc tạo không gian tự chủ, năng động cho doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng, góp phần đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Kiến tạo không gian phát triển chứ không chỉ quản lý

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần đổi mới trong cách tiếp cận xây dựng luật, nhất là định hướng không còn phân biệt công - tư, không chỉ nhằm quản lý mà là kiến tạo môi trường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn diện. Mỗi sản phẩm nghiên cứu phải có giá trị ứng dụng, tránh lãng phí nguồn lực và thời gian.

Ông đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tao-dong-luc-cho-khoa-hoc-va-doi-moi-sang-tao-tu-hanh-lang-phap-ly-d748325.html