| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 10:58

Tài nguyên

Sụt lún ở Bắc Kạn, nguyên nhân do đâu?

Thứ Ba 22/04/2025 - 16:49

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện tượng sụt lún ở Bắc Kạn tiềm ẩn nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an toàn của người dân.

Liên tiếp xuất hiện 5 vị trí hố sụt lún phức tạp 

Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 20 ngày (từ cuối tháng 3 đến ngày 11/4), tại thôn Hiệp Lực (xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) liên tiếp xuất hiện 5 vị trí hố sụt lún phức tạp, khiến nhiều người dân nơi đây lo lắng, bất an.

Tình trạng sụt lún tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng đến đường giao thông và đất sản xuất người dân. Ảnh: Ngọc Tú.

Tình trạng sụt lún tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng đến đường giao thông và đất sản xuất người dân. Ảnh: Ngọc Tú.

UBND huyện Na Rì đã lên phương án di dời hơn 20 hộ dân nơi đây nếu tình huống khẩn cấp xảy ra, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn khẩn trương kiểm tra, xác minh nguyên nhân, có giải pháp xử lý dứt điểm các hố sụt lún...

Ngày 16/4 vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn gồm đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, đại diện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Sở Xây dựng, UBND huyện Na Rì, UBND xã Kim Lư, đã kiểm tra thực địa hiện tượng sụt lún đất tại xã Kim Lư nói trên.

Sụt lún ở khu vực đá vôi và dolomit là vấn đề thường gặp

Tham gia cùng Đoàn công tác khảo sát 5 vị trí sụt lún và hiện trạng khai thác nước dưới đất tại khu vực thôn Hiệp Lực (xã Kim Lư), ThS Mai Phú Lực, nghiên cứu viên Phòng Địa chất thủy văn và Địa chất công trình (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho biết, khu vực này phân bố các đá trầm tích lục nguyên xen đá vôi.

Tất cả các vị trí hố sụt đều có một lớp phía trên bao gồm các sản phẩm phong hóa từ đá gốc có thành phần là cát, cát pha, sét pha, trạng thái bở rời, gắn kết yếu, có bề dày khoảng từ 3-5m; tiếp phía dưới là các thành tạo đá vôi màu xám, xám trắng, trạng thái bị phong hóa, nứt nẻ mạnh, phát triển nhiều hang hốc karst chứa nước.

Hố sụt lún trên tuyến quốc lộ 3B, đoạn qua huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Hố sụt lún trên tuyến quốc lộ 3B, đoạn qua huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhận định, hiện tượng sụt lún tại các khu vực có điều kiện đặc trưng bởi đá vôi hoặc dolomit (đá có gốc carbonat) là vấn đề thường gặp.

Cơ chế này như sau: Nước mưa chứa CO2 sẽ thành axit yếu (H2CO3), axit này sẽ từ từ hòa tan đá vôi (CaCO3), ban đầu từ những khe nứt nhỏ sẽ phát triển thành các hang hốc ngầm (hang karst).

Theo thời gian, các hang hốc này hình thành khoảng không lớn dưới lòng đất. Khi khai thác nước dưới đất quá nhiều, áp lực nước giữ kết cấu hang rỗng bị giảm gây mất cân bằng cơ học, làm trần hang sụp đổ dẫn đến hiện tượng sụt lún và xuất hiện các hố sụt trên mặt đất như đã ghi nhận.

Hơn nữa, tại những vị trí như đường giao thông, có tải trọng động lớn và thường xuyên (phương tiện giao thông tải trọng lớn), hoặc các vị trí xây dựng có tải trọng công trình lớn, nguy cơ xảy ra hiện tượng sụt lún càng cao hơn.

Cần nghiên cứu chuyên sâu để có giải pháp phù hợp

Về giải pháp tạm thời, TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản kiến nghị, khoanh vùng nguy hiểm và cắm biển cảnh báo như: dựng hàng rào, biển báo quanh các hố sụt và những khu nguy cơ cao, có dấu hiệu sụt lún; tạm di dời người dân, công trình gần đó nếu có dấu hiệu bất thường; lấp các hố sụt, gia cố tạm thời bằng các vật liệu cứng như đất đá, ximăng, bêtông…; gia cố bề mặt bằng bêtông cốt thép, cọc nhồi, hoặc rào chắn cứng để tránh lan rộng; hạn chế khai thác nước dưới đất, nhất là những vị trí gần các khu dân cư; thường xuyên theo dõi, quan trắc diễn biến mực nước dưới đất.

Về lâu dài, căn cứ vào thực tế hiện tượng sụt lún xảy ra, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng đây là hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tài sản và sự an toàn của người dân địa phương.

Chuyên gia khảo sát hiện trạng khai thác nước dưới đất tại khu vực sụt lún. Ảnh: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Chuyên gia khảo sát hiện trạng khai thác nước dưới đất tại khu vực sụt lún. Ảnh: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Để kịp thời ứng phó, đảm bảo an toàn, ổn định đời sống dân cư và phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện Na Rì sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để Viện triển khai thực hiện các bước điều tra, khảo sát và nghiên cứu chi tiết về địa chất khu vực sụt lún này. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục bền vững và hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý rủi ro thiên tai tại địa phương.

Theo TS Trịnh Hải Sơn, các nhận định trên mới chỉ mang tính chất sơ bộ theo những quan sát và ghi nhận bước đầu phía trên mặt, chưa có điều kiện đo đạc, khảo sát sâu hơn bằng các máy móc hiện đại nhằm thu thập các thông tin cần thiết để xác định nguyên nhân chính xác tại các vị trí sụt lún cũng như khoanh định các vị trí có nguy cơ cao tại khu vực; cần có những nghiên cứu bài bản, chi tiết nhằm đánh giá nguyên nhân cũng như khoanh định các khu vực, vị trí có nguy cơ cao, từ đó, đề ra các giải pháp phòng, chống phù hợp.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/sut-lun-o-bac-kan-nguyen-nhan-do-dau-d749668.html