| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 18:19

Chính trị

Sửa đổi Luật để đón đầu xu hướng xanh toàn cầu

Thứ Hai 05/05/2025 - 18:14

Việt Nam sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thích ứng xu hướng xanh toàn cầu, nâng sức cạnh tranh và đón dòng đầu tư mới.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, Quốc hội cho ý kiến sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các ĐBQH nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Phạm Thắng.

Các ĐBQH nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Phạm Thắng.

Đề cập về sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNLTK&HQ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật SDNLTK&HQ đã bộc lộ một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để theo kịp với những biến chuyển nhanh chóng của thực tiễn trong nước cũng như xu hướng toàn cầu.

Các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là các chính sách xanh như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), thuế phát thải carbon (ETS), hay truy vết dấu vết carbon (Carbon Footprint)… đang khiến việc sửa đổi Luật trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là yêu cầu nội tại từ thực tiễn phát triển đất nước, mà còn là bước đi quan trọng để Việt Nam chủ động thích ứng, tránh bị tụt hậu trong tiến trình hội nhập.

Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản đang siết chặt các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường. Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đã bắt đầu ban hành các quy định tương tự.

Điều này tạo áp lực lớn lên các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện tử, chế biến thủy sản, những ngành đang sử dụng gần 40% lực lượng lao động trực tiếp, tương đương khoảng 20 triệu người.

Một điểm nghẽn lớn hiện nay là Việt Nam vẫn thiếu các cơ chế hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đầu tư vào sản xuất xanh và tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã triển khai mạnh mẽ các công cụ chính sách như thỏa thuận tự nguyện (Voluntary Agreement System), hỗ trợ công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), hay ưu đãi tín dụng xanh.

Ông Diên cho rằng, nếu không có sự tiếp sức cần thiết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data)… đang mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Vì vậy, Luật SDNL TK&HQ sửa đổi cần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Đồng thời, Luật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023) và hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Điều đó đòi hỏi không chỉ là chuyển đổi cơ cấu năng lượng, mà còn là việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong toàn xã hội.

Việt Nam sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thích ứng xu hướng xanh toàn cầu, nâng sức cạnh tranh và đón dòng đầu tư mới. Ảnh: Internet.

Việt Nam sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thích ứng xu hướng xanh toàn cầu, nâng sức cạnh tranh và đón dòng đầu tư mới. Ảnh: Internet.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc sửa đổi Luật SDNL TK&HQ không chỉ góp phần hoàn thiện thể chế, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư xanh, tận dụng các nguồn lực quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, từ đó đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.

Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật để bảo đảm thống nhất chính sách; tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các Luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy SDNLTK&HQ để bảo đảm tính khả thi;

Ủy ban cũng đề nghị đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để đảm bảo tính tương thích.

Dự thảo sửa đổi Luật đang hướng tới những mục tiêu cụ thể:

Tăng cường tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh của các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Xây dựng hệ thống công cụ tài chính, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng, đảm bảo thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ tư vấn năng lượng, thúc đẩy các mô hình sản xuất và sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/sua-doi-luat-de-don-dau-xu-huong-xanh-toan-cau-d751531.html