Thứ ba 13/05/2025 - 23:37
Đất đai
Sơn La tăng tốc đo đạc đất đai nguồn gốc nông, lâm trường trong năm 2025
Thứ Ba 13/05/2025 - 15:50
Sơn La đang tập trung rà soát, đo đạc hiện trạng, lập phương án sử dụng đất với diện tích có nguồn gốc nông, lâm trường.
- Sơn La bội thu nhãn chín sớm
- Rộn ràng vào vụ thu hoạch mận tam hoa
- Sơn La ban hành Chỉ thị về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
- Xin ý kiến Bộ Chính trị 6 vấn đề quan trọng của đất nông, lâm trường
Ngày 13/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức họp Ban Chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường và đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng. Ban chỉ đạo mới được kiện toàn theo Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 vừa qua.
4 nhóm quản lý đất nông, lâm trường
Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 27/12/2024.
Theo đó, Đề án được thực hiện trên phạm vi 4 Ban quản lý rừng, 1 Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý của 6 công ty nông nghiệp, 5 công ty lâm nghiệp thuộc 10 huyện, thành phố; toàn bộ diện tích đất đã bàn giao về cho địa phương quản lý. Kinh phí khái toán khoảng 197 tỷ đồng.

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Ảnh: Nguyễn Nga.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết: Theo phạm vi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi rà soát, đất đai có nguồn gốc nông lâm trường được phân thành 4 nhóm: Nhóm 1 gồm các công ty, đơn vị sự nghiệp nhà nước, diện tích hơn 105.000 ha; Nhóm 2 gồm 5 công ty cổ phần không có vốn nhà nước, diện tích gần 2.800 ha; Nhóm 3 là đất đã bàn giao về cho địa phương, diện tích hơn 32.200 ha; Nhóm 4 là hơn 44 ha, là nhóm trước đây thuộc các Nông, lâm trường quốc doanh nhưng sau sắp xếp, đổi mới, Nhà nước rà soát thu hồi thì bị sót.
Đến nay, tỉnh đã được phân bổ 40 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai đề án năm 2025. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được thực hiện như: Thành lập Hội đồng thẩm định phương án sử dụng đất; phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán tại một số đơn vị (Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên); thẩm định, dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế với 3 Ban quản lý rừng Sốp Cộp, Tà Xùa, Xuân Nha trước ngày 15/5…
Tuy nhiên, quá trình triển khai tại một số địa phương như Mộc Châu, Mai Sơn, Vân Hồ… còn tình trạng diện tích đo đạc theo hiện trạng vượt diện tích đã thu hồi, bàn giao; các huyện chưa hoàn thiện phương án sử dụng đất, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định…

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Nga.
Hoàn thành đo đạc hiện trạng đất trong năm 2025
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã nhấn mạnh yêu cầu phải hoàn thành công tác rà soát, đo đạc hiện trạng đất trong năm 2025; hoàn thiện phương án sử dụng đất trong năm 2026, theo đúng tinh thần Kết luận 103-KL/TW ngày 2/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các thiết kế kỹ thuật - dự toán với 2 Ban quản lý rừng, 5 công ty cổ phần trong tháng 5/2025; thẩm định, lựa chọn các đơn vị tư vấn triển khai các thiết kế kỹ thuật dự toán đã phê duyệt trong năm 2025. Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện phương án sử dụng đất để trả ra lần 1 trong quý II/2025 để phục vụ các dự án đầu tư công.
UBND các huyện cần khẩn trương rà soát các thiết kế kỹ thuật - dự toán, nêu rõ những việc đã làm, chưa làm, những việc vượt quá phạm vi và nội dung đề xuất; hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Thanh tra tỉnh tiếp tục rà soát, giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân, người lao động trong các công ty, các đơn vị nông lâm trường.
Đây là bước đi quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài trong quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, đảm bảo sử dụng đất đúng quy định, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/son-la-tang-toc-do-dac-dat-dai-nguon-goc-nong-lam-truong-trong-nam-2025-d752910.html