Thứ hai 12/05/2025 - 17:44
Khoáng sản
Sơn La ban hành Chỉ thị về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
Chủ Nhật 11/05/2025 - 13:55
Sơn La giao các sở, ngành, các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
- Sơn La: Chuẩn bị đấu giá 5 mỏ đá, đất san lấp
- Sơn La lên kế hoạch tổng rà soát, xử lý ô nhiễm môi trường
- Du lịch Sơn La sẵn sàng đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, về tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác vẫn còn nhiều hạn chế.
Một số địa phương như Mường La, Mai Sơn vẫn để xảy ra tình trạng khai thác trái phép vàng sa khoáng, cát, đất san lấp..., gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Việc tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để; nhiều phương tiện có trọng tải lớn, thậm chí vượt quá tải trọng cho phép, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức ký cam kết giữa chủ giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Nga.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập và siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức được cấp phép hoạt động, tập trung vào các nội dung: Ranh giới, trữ lượng, công suất được phép khai thác, vi phạm về bảo vệ môi trường, sử dụng đất trong khai thác khoáng sản, chậm tiến độ thực hiện dự án... Đồng thời, chủ trì cung cấp thông tin về các khu vực khoáng sản chưa khai thác (đã điều tra, công bố, quy hoạch) cần được bảo vệ cho các địa phương.
Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, thu mua, tàng trữ, kinh doanh, tập kết, vận chuyển khoáng sản trái phép (không có giấy phép) theo quy định. Tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại khoáng sản, nhất là tại các khu vực giáp ranh.
Giao Sở Xây dựng kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải trọng cho phép, nhất là trên các tuyến đường vận chuyển từ các điểm mỏ. Chủ trì, tăng cường quản lý các bến thủy nội địa trái phép phục vụ mục đích tập kết, kinh doanh khoáng sản.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
UBND các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác trái phép.
Trong năm 2025, các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh hoặc xây dựng, ban hành mới Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh, phù hợp với Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động triển khai lực lượng giải tỏa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, vàng sa khoáng, những loại khoáng sản thường xuyên bị khai thác trái phép và được phản ánh nhiều trên phương tiện truyền thông thời gian qua.

Đoàn công tác UBND tỉnh Sơn La kiểm tra hoạt động khoáng sản tại huyện Mường La. Ảnh: Nguyễn Nga.
Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác trái phép mà không kịp thời xử lý, ngăn chặn. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra vi phạm mà không xử lý hoặc để tái diễn, kéo dài.
Tổ chức ký cam kết bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực có khoáng sản phải bảo vệ.
Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp phép theo quy định; khai thác đúng theo dự án đầu tư đã được phê duyệt, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác. Nếu phát hiện khoáng sản mới, khoáng sản đi kèm phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phần diện tích đất đang sử dụng.
Chỉ thị số 11/CT-UBND là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa chủ trương siết chặt quản lý tài nguyên, bảo đảm khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, đúng quy hoạch và đúng pháp luật, góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/son-la-ban-hanh-chi-thi-ve-bao-ve-khoang-san-chua-khai-thac-d752548.html