Thứ ba 29/04/2025 - 15:24
Thời sự
Sau sáp nhập, kinh tế nông nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ toàn diện hơn
Thứ Ba 29/04/2025 - 15:24
Tỉnh Tây Ninh sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 8.536 km2, quy mô dân số 3.254.170 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Tân An, tỉnh Long An.
- Năng suất lúa đông xuân Long An cao hơn năm trước 0,26 tạ/ha
- Long An kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Long An chuyển đổi trên 9.600ha đất trồng lúa kém hiệu quả
- Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở Long An

Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh Long An phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Bạch.
Ngày 29/4, HĐND tỉnh Long An Khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 24 (Kỳ họp chuyên đề lần thứ 3, năm 2025). Kỳ họp này có sự kết nối trực tuyến với Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh. Đây được đánh giá là một trong những kỳ họp có tính lịch sử khi thống nhất thông qua 8 Nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết về chủ trương hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh.
Theo Nghị quyết được thông qua, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 tỉnh sẽ được hợp nhất thành 1 tỉnh mới với diện tích 8.536 km², dân số 3.254.170 người. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới đặt tại TP. Tân An, tỉnh Long Long An hiện nay.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Long An cũng đã đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Long An. Theo đó, sau sắp xếp giảm từ 186 xã, phường, thị trấn xuống còn 60 đơn vị hành chính xã, phường (trong đó có 56 xã và 4 phường). Định hướng về tên gọi và nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp xã phù hợp với quy định và các yếu tố về truyền thống, lịch sử, văn hóa, khả năng phát triển trong tương lai.

Các đại mbiểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Bạch.
Đáng chú ý, trước kỳ họp, công tác lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và thảo luận tại kỳ họp HĐND cấp huyện, xã đã cho thấy sự đồng thuận rất cao đối với chủ trương lớn này. Việc hợp nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển liên hoàn giữa vùng biên giới phía Nam, thúc đẩy liên kết vùng giữa ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Sau khi sáp nhập 2 tỉnh, quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt 312.000 tỉ đồng, đứng thứ 10 cả nước. Thu hút vốn FDI đứng thứ 6 cả nước. Nền kinh tế nông nghiệp sẽ toàn diện hơn, thêm các cây nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp. Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và du lịch mạnh mẽ hơn. Không gian phát triển rộng lớn hơn, giao thương kết nối thông suốt hơn từ 4 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, tuyến đường biên giới dài 377km.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/sau-sap-nhap-kinh-te-nong-nghiep-tinh-tay-ninh-se-toan-dien-hon-d750771.html