Khi từng bản làng biết trước lũ về

Nhờ sự đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế, năng lực phòng, chống thiên tai của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt.

Quỳnh Anh  | 15:20 24/05/2025

Khi từng bản làng biết trước lũ về

Tự động

Khi từng bản làng biết trước lũ về

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình phòng chống thiên tai.

Thưa quý vị và bà con, Việt Nam – một quốc gia nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai – nơi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Hằng năm, thiên tai gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết trở nên bất thường và cực đoan hơn, làm gia tăng áp lực trong công tác dự báo và ứng phó. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế, năng lực dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt.

 

MC 2: Sơn Tùng

Mạng lưới quan trắc khí tượng – thủy văn ngày càng được mở rộng và tự động hóa. Các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai được triển khai sâu rộng tại các địa phương, với phương châm “4 tại chỗ” và “cộng đồng làm chủ”. Bên cạnh đó, thông tin cảnh báo cũng được truyền tải nhanh chóng qua nhiều kênh như: SMS, phát thanh, mạng xã hội, ứng dụng di động… là những điểm sáng trong phát triển hệ thống phòng chống thiên tai của nước ta những năm qua.

Một điểm đáng chú ý nữa là công tác dự báo thời tiết hiện nay không chỉ dừng ở mức chung chung, mà đã chuyển sang cảnh báo theo cấp độ rủi ro từ 1 đến 5, giúp các địa phương lên phương án ứng phó phù hợp. Hệ thống dự báo bão có thể phát tín hiệu sớm từ 3–5 ngày; còn lũ quét, sạt lở đất có thể cảnh báo trước từ 6 đến 24 giờ – điều mà trước đây là rất khó thực hiện. Việt Nam ta cũng đang tích cực hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, WB, UNDP… nhằm tiếp nhận các công nghệ, thiết bị và mô hình cảnh báo hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin, hiện nay, các bản tin cảnh báo khi có mưa lớn được phát tại khu vực miền núi và hệ thống cảnh báo trực tuyến đến cấp xã qua trang web chuyên biệt đã được thiết lập. Các địa phương cũng lắp đặt khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động phục vụ cảnh báo và sơ tán kịp thời. Đồng thời, nhiều tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, tổ chức di dời người dân tại các khu vực nguy cơ cao, triển khai một số công trình cảnh báo và phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Băng 1:

MC 2:

Tại tỉnh Bình Định, địa phương này thường xuyên đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, dông, sét, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, … Từ năm 1999 đến năm 2023, tại địa phương này, thiên tai đã làm hơn 470 người chết, 355 người bị thương, gần 8.300 nhà bị sập, trên 363.300 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại hơn 12.840 tỷ đồng.

Trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, Bình Định đã triển khai xây dựng hệ thống phòng chống mang tính chiến lược và bài bản. Ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Sở NN-MT tỉnh Bình Định cho biết, kế hoạch cấp tỉnh đã được xây dựng từ đầu năm 2022 và hoàn tất ngay trong năm.

Đầu tiên, địa phương tiến hành điều tra cơ bản toàn bộ nhà ở trên địa bàn tỉnh, thu thập dữ liệu bao quát dân số 1,5 triệu người trên toàn tỉnh. Đây là bộ dữ liệu chất lượng, phục vụ việc phân loại các hộ dân theo khả năng ứng phó với bão và lũ.  Trong đó, đối với bão, nhà ở dân sinh được phân thành 4 nhóm theo mức độ an toàn và khả năng chống chịu của từng loại nhà. Hệ thống phòng chống thiên tai cũng được thiết lập theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo có lực lượng phòng chống tại thôn bản, thiết bị cần thiết, cơ sở vật chất đảm bảo.

Bình Định cũng đã điều tra các tuyến đường nguy hiểm, xây dựng 4 kịch bản ứng phó với bão và 3 kịch bản ứng phó với lũ. Các kịch bản này cho phép chủ động triển khai sơ tán người dân từ trước mùa mưa bão. Khi có thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương sẽ ngay lập tức kích hoạt các kịch bản đã chuẩn bị, tổ chức sơ tán trực tiếp tại cơ sở, tổng hợp và báo cáo số liệu ngay trong ngày.

Băng Bình Định

MC 2

Cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, theo kết quả khảo sát, lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.800 hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ, lũ quét. Bên cạnh đó, tại 7 huyện đồng bằng của tỉnh này cũng có hơn 18.000 hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển và ngập lụt. Thời gian qua, địa phương cũng đã có nhiều chương trình, dự án, các giải pháp ổn định dân cư, đầu tư phòng chống thiên tai và có những đề tài khoa học phục vụ công tác này. Trong những giải pháp được đưa ra và áp dụng, ông Bùi Đức Thái, Phó chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi Quảng Ngãi cho rằng, việc nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương cũng là yếu tố rất quan trọng.

Băng Quảng Ngãi.

MC 1

Thưa quý vị và bà con, thiên tai không thể ngăn chặn, nhưng hoàn toàn có thể giảm nhẹ tác động nếu chúng ta chủ động phòng ngừa. Dữ liệu khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo sớm và những ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp chúng ta “thấy trước” nguy cơ, mà còn cho phép hành động kịp thời để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, để hệ thống cảnh báo thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, và đặc biệt là sự tham gia chủ động của cộng đồng – những người đang trực tiếp đối mặt với thiên tai từng ngày bởi công nghệ là chìa khóa nhưng sự chủ động của con người mới là cánh cửa mở ra một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Phòng chống thiên tai.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Nam Định vừa chỉ đạo các phường: Nam Phong, Cửa Nam tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần hoàn thiện phương án PCTT và TKCN tại cơ sở, đồng thời nâng cao năng lực phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan chức năng. Qua cuộc diễn tập, địa phương rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó để chủ động, hiệu quả hơn trong công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân./.

MC 2

Năm nay, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, bão và áp thấp nhiệt đới, nhất là từ tháng 7 trở đi. Để ứng phó với thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động lớn như hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống sát với thực tế. Ngành Nông nghiệp và Môi trường - đơn vị thường trực, chủ chốt trong tham mưu, triển khai công tác phòng chống thiên tai đã chủ trì các cuộc họp liên ngành để phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong công tác chỉ đạo và ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều đang thi công và đã hoàn thành, nhằm đảm bảo an toàn và kịp thời phát hiện các sự cố tiềm ẩn.

MC 1:

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt quyết định miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2025 cho 45 tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, giảm mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2025 cho 91 tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Các đối tượng được miễn, giảm đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bao gồm: Các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2025; người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động đang mắc bệnh hiểm nghèo được xem xét miễn, giảm đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lai.

Tự động

Khi từng bản làng biết trước lũ về

Nhờ sự đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế, năng lực phòng, chống thiên tai của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Để người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với thực phẩm hữu cơ
Phóng sự

Nhu cầu thực phẩm hữu cơ đang tăng, nhưng để thực phẩm hữu cơ dễ tiếp cận với người tiêu dùng, cần sự kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ.

Để người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với thực phẩm hữu cơ
Bảo tồn lúa Ra Dư là giữ gìn văn hóa người Pa Kô Vân Kiều
Phóng sự

Lúa Ra Dư được xem là báu vật kết tinh từ thổ nhưỡng, khí hậu và sự lao động, sáng tạo của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Bảo tồn lúa Ra Dư là giữ gìn văn hóa người Pa Kô Vân Kiều