| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 30/04/2025 - 12:29

Môi trường

Rác thải tràn lan: Khi người dân thờ ơ, biển cấm và camera... cũng bất lực

Thứ Tư 30/04/2025 - 12:22

Dù đã có các chế tài xử phạt, các biện pháp quản lý như treo biển cấm, lắp camera... nhưng tình trạng người dân ngang nhiên vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra.

Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi rác tự phát với đủ các thành phần từ túi ni lông, thực phẩm, hộp xốp, vỏ chai… Thậm chí nhiều nơi, rác thải chất đống ngày qua ngày không được dọn dẹp, bốc mùi hôi thối giữa những ngày hè nóng nực; khi mưa xuống, nước rỉ rác theo dòng nước mưa cứ thế len lỏi vào đường giao thông, cống rãnh... Đáng chú ý, những bãi rác này lại tồn tại ngang nhiên ở nơi có biển “cấm đổ rác”, “khu vực có camera an ninh”.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến phố lớn của Thủ đô như Vũ Tông Phan, Trần Khát Chân, Yết Kiêu, Khâm Thiên... dù có biển cấm và nội dung cảnh báo về mức phạt, những “núi rác” khổng lồ vẫn xuất hiện.

Rác thải tràn lan tại một bãi tập kết rác tự phát ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Hiền.

Rác thải tràn lan tại một bãi tập kết rác tự phát ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Hiền.

Để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các Chỉ thị của Chính phủ, của Thành ủy, thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn Thành phố. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, hyện, thị xã tăng cường quản lý, giám sát xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố. 

Bên cạnh đó, các thông tin về xử phạt như “hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng” trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã được in rõ ràng trên các banner tại những khu vực thường xuyên xuất hiện rác thải tràn lan. Tuy nhiên, rác vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, bất chấp biển cấm, bất chấp camera và bất chấp cả… luật.

Dù có biển cấm to và rõ ràng, vị trí này vẫn là nơi tập kết rác thải. Hình ảnh ghi nhận trên phố Yết Kiêu. Ảnh: Hoàng Hiền.

Dù có biển cấm to và rõ ràng, vị trí này vẫn là nơi tập kết rác thải. Hình ảnh ghi nhận trên phố Yết Kiêu. Ảnh: Hoàng Hiền.

Dù có biển báo lẫn xe thu gom để người dân vứt rác vào, tình trạng rác thải tràn lan vẫn diễn ra. Hình ảnh ghi nhận trên phố Yết Kiêu. Ảnh: Hoàng Hiền.

Dù có biển báo lẫn xe thu gom để người dân vứt rác vào, tình trạng rác thải tràn lan vẫn diễn ra. Hình ảnh ghi nhận trên phố Yết Kiêu. Ảnh: Hoàng Hiền.

Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân sinh sống gần bãi rác tự phát trên phố Trần Khát Chân bức xúc: “Ngày nào chúng tôi cũng phải chịu cảnh sống chung với rác. Mọi người thường xuyên mang rác ra khu vực này dù đã có biển cấm. Chính quyền cũng đã trích hình ảnh từ camera giám sát, in ảnh người vứt rác ra dán ở đó để cảnh cáo nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt”.

Một 'núi rác' trên đường Vũ Tông Phan. Ảnh: Hoàng Hiền.

Một "núi rác" trên đường Vũ Tông Phan. Ảnh: Hoàng Hiền.

Camera ghi cảnh người nhân vứt rác không đúng nơi quy đình. Ảnh: UBND quận Ba Đình.

Camera ghi cảnh người nhân vứt rác không đúng nơi quy đình. Ảnh: UBND quận Ba Đình.

Thậm chí, có những tuyến phố vừa được lượng công nhân vệ sinh môi trường được dọn sạch nhưng chỉ vài giờ sau, rác lại xuất hiện như chưa từng được dọn dẹp. Một công nhân vệ sinh môi trường cho biết, nhiều người dân xem việc xử lý rác là trách nhiệm và nghĩa vụ của các công ty môi trường, chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. 

Biển cảnh báo khu vực có điện nguy hiểm, cấm bán hàng, cấm vứt rác... những rác vẫn xuất hiện. Ảnh: Hoàng Hiền.

Biển cảnh báo khu vực có điện nguy hiểm, cấm bán hàng, cấm vứt rác... những rác vẫn xuất hiện. Ảnh: Hoàng Hiền.

Mặc dù có xe thu gom để bên cạnh, người dân vẫn vô tư vứt trên vỉa hè, vứt tràn ra lòng đường. Ảnh: Hoàng Hiền.

Mặc dù có xe thu gom để bên cạnh, người dân vẫn vô tư vứt trên vỉa hè, vứt tràn ra lòng đường. Ảnh: Hoàng Hiền.

Tại sao  người dân vẫn ngang nhiên vứt rác bừa bãi tại những khu vực có banner cảnh báo với đầy đủ thông tin về hình thức phạt lẫn cảnh báo có camera? Vấn đề không chỉ nằm ở ý thức kém của một số người người dân mà còn ở việc có lỗ hổng trong chính sách, cùng với đó  là thực thi các quy định chưa thường xuyên và nghiêm túc.

Đại diện nhiều địa phương thừa nhận, hiệu quả của việc lắp camera giám sát, xử phạt các trường hợp xả rác bừa bãi chưa cao. Nguyên nhân là do dữ liệu từ camera không được xử lý triệt để, tại nhiều địa điểm, camera có độ phân giải thấp nên mặc dù phát hiện người vi phạm qua hệ thống nhưng không nhận dạng được khuôn mặt. Cùng với đó là chưa có quy trình xử phạt rõ ràng, minh bạch, chưa phát huy được vai trò của người dân trong việc tự phát hiện và phản ánh hành vi vi phạm; thiếu nhân sự theo dõi…  

Vẫn hình ảnh quen thuộc: Có biển cấm và có xe thu gom nhưng rác vẫn không được vứt đúng chỗ. Ảnh: Hoàng Hiền.

Vẫn hình ảnh quen thuộc: Có biển cấm và có xe thu gom nhưng rác vẫn không được vứt đúng chỗ. Ảnh: Hoàng Hiền.

Bãi rác ngay cạnh biển cấm tại chợ Đại Từ (phường Đại Kim, Hoàng Mai). Ảnh: Hoàng Hiền.

Bãi rác ngay cạnh biển cấm tại chợ Đại Từ (phường Đại Kim, Hoàng Mai). Ảnh: Hoàng Hiền.

Thực tế cho thấy, các giải pháp về quản lý, chế tài hay công nghệ chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi được cộng đồng hưởng ứng và đồng hành. Chìa khóa để chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi nằm ở chính sự tham gia chủ động của người dân. Do đó, cần thay đổi tư duy từ “xử lý rác là trách nhiệm và nghĩa vụ của các công ty môi trường” sang “mỗi người dân là một nhân tố giám sát và bảo vệ môi trường".

Thiết nghĩ, các khu dân cư cần thành lập tổ tự quản về vệ sinh môi trường, tổ chức các cuộc họp khu phố để thống nhất cam kết, quy ước xử lý rác thải. Người dân phải được trao quyền dễ dàng phản ánh hành vi vi phạm thông qua các ứng dụng hoặc đường dây nóng. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình “khu phố không rác”, “gia đình xanh”, trong đó có cơ chế thưởng - phạt minh bạch để khuyến khích các tập thể và cá nhân tiên phong.

"Quan trọng là ý thức của mỗi người dân. Người dân phải thực sự quan tâm đến vấn đề này vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ. Khi người dân không còn thờ ơ, có ý thức bảo vệ môi trường, hành vi xả rác sẽ tự nhiên được đẩy lùi, các bãi rác tự phát sẽ không còn nữa", bà Hương Ly, người dân sống ở phố Khâm Thiên khẳng định.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/rac-thai-tran-lan-khi-nguoi-dan-tho-o-bien-cam-va-camera-cung-bat-luc-d750562.html