| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 20:06

Lăng kính

Quảng cáo sai sự thật gây hệ lụy cho cộng đồng

Thứ Ba 27/05/2025 - 09:50

Quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là các sản phẩm sữa, đang trở thành một nỗi âu lo cho cả người tiêu dùng lẫn nhà quản lý.

Quảng cáo sai sự thật nhằm thu hút khách hàng, xưa nay vẫn là một giải pháp không được ủng hộ. Thế nhưng, quảng cáo sai sự thật đối với thực phẩm thì đồng nghĩa hành vi gian dối và lừa bịp. Quảng cáo sai sự thật có nhiều biến tướng khác nhau, hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm, hoặc ngụy tạo xuất xứ nguồn gốc. 

Câu chuyện kẹo rau Kera đã dẫn chứng hậu quả Hoa hậu Hòa bình Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố vì hành vi “lừa dối khách hàng”. Trong các livestream, Nguyễn Thúc Thùy Tiên dùng tên tuổi của mình để khẳng định “kẹo Kera bổ sung chất xơ, em bé 3 tuổi, mẹ bầu đều ăn được”. Qua xét nghiệm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát hiện kẹo rau Kera có chứa sorbitol là một chất tạo ngọt, với hàm lượng 33,4 g/100 g nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.

Quảng cáo sử dụng kẹo rau Kera không cần ăn rau, là quảng cáo sai sự thật. Bởi lẽ, chất sorbitol giúp nhuận tràng được chuyên gia dinh dưỡng xác định, khi ăn sorbitol nhiều hơn 10 g/ngày, một số người có thể gặp tình trạng tiêu chảy, đau bụng, dù tỷ lệ mắc phải không cao. Khi tiêu thụ quá mức, đặc biệt trên 50 g mỗi ngày, sorbitol có thể gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và mất cân bằng đường ruột.

Nếu tin tưởng vào những lời đường mật, thì người tiêu dùng không thể nào thoát khỏi sự bủa vây của quảng cáo sai sự thật. Một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Xtraman cũng rêu rao “1 viên bằng ăn 10 cân hàu hay bằng uống 1 tá thuốc bổ” thì cũng đủ thấy mức độ hoành hành của quảng cáo sai sự thật. Trước diễn biến phức tạp về an toàn thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đang đẩy mạnh kiểm tra từ khâu sản xuất đến thương mại, mà trọng tâm là các sản phẩm như sữa và thực phẩm chức năng.

Nếu chấp nhận những loại thực phẩm chức năng lại quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thì sức khỏe của khách hàng đã “giao trứng cho ác”. Tương tự, những đơn vị sản xuất sữa cũng lao vào cuộc chơi quảng cáo sai sự thật bằng nhiều mỹ từ lắt léo. Ví dụ, một “thương hiệu dinh dưỡng hoàn chỉnh” đã rầm rộ tuyên bố “tự hào ra mắt sữa tươi tiệt trùng 100%, giải pháp hoàn hảo mang đến nguồn dinh dưỡng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sức khỏe của mọi nhà” mà không hề có hệ thống trang trại bò sữa, khiến người tiêu dùng ngơ ngác chẳng biết họ lấy đâu sữa tươi tiệt trùng cung cấp cho thị trường?

Lẽ thường, phải công khai giới thiệu trang trại bò sữa trước khi sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Không có trang trại bò sữa mà lại có sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng 100% mang đến nguồn dinh dưỡng tinh khiết, giữ trọn hương vị tự nhiên thơm ngon”, thì doanh nghiệp xem người tiêu dùng như những kẻ vô tri.

Không thể “đánh lận con đen” giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên. Bởi lẽ, sữa hoàn nguyên là một dạng sữa nước, nhưng thực chất không phải là sữa tươi mà là sữa bột pha nước. Trong thành phần của sữa hoàn nguyên có chứa sữa bột gầy (là sữa đã tách kem), nước... Các nhà sản xuất sữa hoàn nguyên có thể thêm vào đó các vitamin, khoáng chất khác để tăng hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa.

Để ngăn chặn quảng cáo sai sự thật tiếp tục gây thêm hệ lụy cho cộng đồng. Bộ Y tế vừa ban hành nhiều chỉ đạo tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm giả. Bộ Y tế yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế ký cam kết không quảng cáo sai sự thật với những thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm. Đồng thời Bộ Y tế cũng phát động phong trào toàn dân tố giác hàng giả qua báo chí, mạng xã hội…

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/quang-cao-sai-su-that-gay-he-luy-cho-cong-dong-d755164.html