Vùng gò đồi và vùng cát ven biển huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trước đây ít được người dân quan tâm đầu tư so với vùng đồng bằng. Tuy nhiên 5 năm qua, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, vùng gò đồi và vùng cát ven biển của Lệ Thủy đã có sự khởi sắc, số lượng trang trại được hình thành ngày càng nhiều, đến nay đã có 145 trang trại sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giá trị thu nhập từ các trang trại ước đạt 30% tổng thu nhập nông nghiệp.
Chú trọng vùng gò đồi...
Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích gần 45.500 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là gần 12.500ha, đất sản xuất nông nghiệp là 8.734 ha. Một trong những hướng phát triển kinh tế ở Lệ Thủy là ưu tiên đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại nông nghiệp.
Một trong những địa phương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gò đồi ở Lệ Thủy là xã Văn Thủy. Toàn xã hiện có 70% số hộ trồng cây hồ tiêu với diện tích 50ha, trong đó có 25ha đã đưa vào kinh doanh với sản lượng 40-50 tấn/năm. Các hộ gia đình trong xã đã trồng được gần 5.000 gốc tiêu, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/năm. Cây cao su phục hồi có 63ha, diện tích đưa vào khai thác mủ là 20ha, sản lượng ước đạt 40 tấn/năm. Chăn nuôi đàn gia súc: trâu, bò, dê, lợn, thỏ... cũng là một trong những mục tiêu mà xã Văn Thủy đang tập trung đẩy mạnh. Nhờ vận động nhân dân cải tạo giống bò lai Sind và tận dụng đồng cỏ tự nhiên, những năm qua Văn Thủy đã tạo được sự phát triển mạnh về đàn bò, đến nay bình quân mỗi hộ có 2 con bò (toàn xã có 780 hộ). Thu nhập kinh tế từ vùng gò đồi chiếm hơn 70% tổng thu nhập hàng năm của người dân xã Văn Thủy.
Theo ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện thì chỉ sau 5 năm, Lệ Thủy đã trồng được 7.000 ha rừng với hơn 3 triệu cây phân tán, nâng độ che phủ rừng đạt 64,5% diện tích đất gò đồi ở huyện; diện tích cây thông đưa vào khai thác hơn 500ha; diện tích cây cao su là 400 ha, đã đưa vào khai thác là 245ha; diện tích cây hồ tiêu là 120ha, đưa vào khai thác 105ha...
Đẩy mạnh mô hình nuôi trồng...
Hiện nay, Lệ Thủy đã xuất hiện nhiều cánh đồng là đất bạc màu, thấp trũng vẫn cho giá trị kinh tế cao. Điển hình là xứ đồng trũng Vụng 30 (thuộc phần đất 5% do xã Dương Thủy) quản lý có diện tích 15ha. Năm 2006, nhóm 6 hộ do anh Võ Sỹ Hải (thôn Bình Minh, xã Dương Thủy) đứng ra đấu thầu canh tác xứ đồng này trong thời hạn 5 năm. Các hộ đã đầu tư gần 80 triệu đồng để vừa làm giao thông nội vùng, bảo đảm cho máy làm đất vừa và nhỏ thuận lợi khi ra đồng và vét hệ thống kênh mương xung quanh để thực hiện mô hình lúa- cá, đồng thời họ đã góp vốn nuôi thêm vịt. Tính toán giá trị kinh tế từ lúa đông - xuân, lúa tái sinh, cá, vịt... thì 15 ha Vụng 30 do anh Võ Sỹ Hải làm tổ trưởng nhận thầu đã có giá trị sản xuất đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm.
Trang trại của ông Đỗ Quý (thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy) nằm ở xứ đồng Lùng - Tréo, nơi tiếp giáp đồng ruộng giữa HTX Quy Hậu và xã Cam Thủy. Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất lúa của các xã Tân Thủy, Liên Thủy, Cam Thủy, con hói Lùng - Tréo được khơi thông để chống úng, chống hạn.
Ông cựu chủ nhiệm Đỗ Quý đã sớm nhận ra thế mạnh vùng đất này để lập trang trại. Ngoài việc đấu thầu 3ha ruộng một vụ để thực hiện mô hình lúa đông xuân, lúa tái sinh và cá, ông dựng nhà, làm lán trại ở vùng cồn Tân Hậu để chăn nuôi vịt, gà, ngan, ngỗng. Việc nuôi vịt của ông theo quy trình nuôi vịt khép kín là chăn nuôi vịt giống, vịt thịt, vịt lấy trứng, xây dựng lò ấp để bán con giống và trứng vịt lộn nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Hiện tại trang trại ông Đỗ Quý có 1.000 con vịt đẻ siêu trứng, mỗi năm 2 lứa xuất chuồng 1.000 con vịt thịt, đàn ngỗng 70 con, gà nuôi gối vụ 100 con mỗi năm thu hoạch khoảng chừng 3 lứa. Điều đáng quý ở ông chủ trang trại này là sớm nắm bắt nhu cầu của xã hội và chịu khó học hỏi kinh nghiệm. Với con vịt giống, khi mới nở từ lò ấp ông đã biết phân biệt trống, mái nên người chăn nuôi tín nhiệm đặt hàng. Ngồi ở trang trại, ông Quý hé lộ: “Nuôi vịt lấy thịt thì nên nuôi vịt bầu, nuôi vịt lấy trứng thì nên nuôi vịt siêu trứng mới đưa lại hiệu quả cao. Để trang trại phát triển ổn định, phải dày công tạo nên vành đai xanh thì dù nắng nóng hay bão lụt, rét buốt, trang trại vẫn thuận lợi cho phát triển chăn nuôi...”.
Chỉ tính riêng cây trồng hơn 3.000 cây bạch đàn bao quanh trang trại đang bước vào mùa thu hoạch cũng cho ông phần thu nhập đáng kể. Ông Quý cho biết, sắp tới ông sẽ đầu tư chăn nuôi lợn công nghiệp, sử dụng nguồn thức ăn từ lúa gạo sản xuất tại trang trại, tạo thành mô hình kinh tế đa dạng là lúa, cá, vịt, lợn. Hiện tại, trang trại của ông có thu nhập ổn định, thu lãi ròng mỗi năm từ 60-70 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và gần chục lao động theo thời vụ.