| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 14:21

Tài nguyên

Quản lý tài nguyên từ công nghệ viễn thám

Thứ Sáu 23/05/2025 - 14:14

Dữ liệu viễn thám đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Viễn thám giúp giám sát hiện trạng, quản lý rừng

Dữ liệu viễn thám được ứng dụng và cung cấp rộng rãi trong việc quản lý lâm nghiệp. Ngoài việc cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý rừng thì các địa phương có thể sử dụng dữ liệu viễn thám để rà soát dữ liệu mang tính lịch sử để theo dõi diễn biến về diện tích rừng.

Hình ảnh từ vệ tinh giúp các nhà quản lý rừng nhận diện khu vực bị chặt phá, suy thoái hoặc bị chuyển đổi sang mục đích khác. Các vệ tinh như Landsat, Sentinel-2 cung cấp hình ảnh đa phổ giúp xác định mức độ che phủ của rừng và so sánh với dữ liệu trước đó để đánh giá xu hướng thay đổi .

Một nhiệm vụ quan trọng mà các ngành khác khó thực hiện nhưng các hình ảnh vệ tinh và dữ liệu viễn thám giúp lập bản đồ rừng chính xác, phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất, phân vùng bảo vệ và phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chương trình bảo tồn và trồng rừng.

Viễn thám là một ngành khoa học thu thập các thông tin về bề mặt Trái đất hoặc các thông tin gần bề mặt Trái đất thông qua hệ thống cảm biến được gắn vào máy bay, vệ tinh, tàu vũ trụ… và quá trình xử lý, giải đoán các dữ liệu đó để phục vụ cho việc nhận biết cũng như quản lý tài nguyên và môi trường. Ảnh minh họa.

Viễn thám là một ngành khoa học thu thập các thông tin về bề mặt Trái đất hoặc các thông tin gần bề mặt Trái đất thông qua hệ thống cảm biến được gắn vào máy bay, vệ tinh, tàu vũ trụ… và quá trình xử lý, giải đoán các dữ liệu đó để phục vụ cho việc nhận biết cũng như quản lý tài nguyên và môi trường. Ảnh minh họa.

Huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội là địa phương có diện tích rừng lớn chiếm 4.500 ha, trong đó 1.300 ha bị chồng lấn với các loại đất khác. Để bảo vệ rừng, huyện đã sử dụng rất nhiều dữ liệu thông tin từ Cục viễn thám Quốc gia làm cơ sở để chứng minh lịch sử các khu vực trước năm 2008 là đất rừng.

Hiện nay, nhiều diện tích rừng đã bị người dân xâm chiếm biến thành đất ở, đất vườn. Nếu không có dữ liệu từ cục viễn thám không thể chứng minh được hành vi xâm hại rừng của người dân.

Bà Nguyễn Hương Giang - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, sau khi TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 57/KH – UBND thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, huyện đã giao cho Ban quản lý làm chủ đầu tư dự án điều tra, rà soát hiện trạng rừng và đất nông nghiệp trên địa bàn. Ban quản lý đã phối hợp lấy dữ liệu từ Cục Viễn thám Quốc gia triển khai công tác nội nghiệp, ngoại nghiệp và bay thực trạng để rà soát. Với mục đích đưa ra là điều tra khảo sát toàn bộ hiện trạng rừng Sóc Sơn và điều tra hiện trạng bất cập rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Sau đó, có phương án đề xuất giải pháp và hướng xử lý đối với diện tích chồng lấn.

“Nhờ sử dụng ảnh viễn thám, công tác quản lý rừng của các cơ quan chức năng trở nên dễ dàng giúp theo dõi sự thay đổi diện tích rừng theo thời gian”, bà Giang nhấn mạnh

Đầu tư công nghệ viễn thám

Xác định được tầm quan trọng dữ liệu của viễn thám. Năm 2024, ngành viễn thám đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho mình. Trong đó, đã tích hợp hết các dữ liệu từ năm 1990 cho đến giai đoạn 2024. Hiện nay, công tác này vẫn đang tiếp tục được cập nhật từ các dữ liệu viễn thám mới thu nhận từ năm 2024.

Ông Nghiêm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Đài Viễn thám Quốc gia cho biết, Cục Viễn thám Quốc gia đã cung cấp dữ liệu viễn thám SPOT 6, độ phân giải 1,5m cho toàn bộ 5 tỉnh Tây Nguyên để kiểm kê rừng. Hiện nay, vẫn đang tiếp tục cung cấp dữ liệu cho 30 các tỉnh, TP để phục vụ công tác kiểm kê rừng.

Cơ sở dữ liệu viễn thám hiện do Cục Viễn thám Quốc gia vận hành là một kho dữ liệu không gian đồ sộ, với gần 100.000 ảnh vệ tinh được thu nhận từ 16 loại đầu thu khác nhau như VNREDSat-1 (Việt Nam), SPOT6, KOMPSAT-3A, Worldview, Landsat hay sắp tới là ảnh Radar CosmoSkymed (Ý).

Dữ liệu có độ phân giải từ siêu cao (0,55m) đến trung bình (30m), độ lặp từ 2,5 đến 5 ngày, phủ trùm toàn lãnh thổ đất liền, biển và hải đảo Việt Nam. Khối lượng dữ liệu tăng trưởng đều đặn khoảng 20% mỗi năm, đáp ứng nhu cầu giám sát đa lĩnh vực từ nông nghiệp, môi trường đến quốc phòng - an ninh.

Đây chính là nền tảng quan trọng để triển khai các chương trình giám sát thông minh, hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Dữ liệu được vận hành thông qua trang thông tin điện tử tại địa chỉ dulieuvientham.gov.vn là cánh cổng mở ra thế giới dữ liệu cho các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Việc vận hành, khai thác dữ liệu viễn thám trở nên dễ dàng nhờ vào các công cụ được xây dựng đầy đủ từ quản lý, tìm kiếm, công bố siêu dữ liệu đến quản trị hệ thống. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể tìm kiếm và tải về các thông tin quan trọng phục vụ nghiên cứu và thực tiễn.

Ông Chu Hải Tùng - Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia cho biết, Cục đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng hệ thống giám sát thông minh một số lĩnh vực nông nghiệp và môi trường phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, triển khai từ năm 2026.

Đề án được xây dựng trên tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193/2025/QH15 và Nghị quyết 71/NQ-CP, với mục tiêu tích hợp các công nghệ số hiện đại vào hệ thống giám sát ngành nông nghiệp và môi trường, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định nhanh, hiệu quả, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

"Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ viễn thám, đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu viễn thám sẽ giúp ngành nông nghiệp và môi trường quản lý tốt lĩnh vực của mình cũng như ứng dụng các công nghệ viễn thám trong phát triển đất nước", ông Tùng nói.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/quan-ly-tai-nguyen-tu-cong-nghe-vien-tham-d754537.html