Thứ bảy 10/05/2025 - 14:49
Điểm nóng
Ông Giang Trạch Dân cấm quân đội Trung Quốc làm kinh tế
Thứ Hai 17/07/2017 - 12:45
Trước khi ông Giang tuyên bố quyết định của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, PLA sở hữu 70 xưởng chế tạo ô tô, 400 nhà máy sản xuất dược phẩm, 1.500 khách sạn.
Năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đích thân ra lệnh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) rút ra khỏi lĩnh vực kinh tế, dù vẫn giữ một số công ty dịch vụ công. Lợi nhuận từ những công ty này từng đóng góp đáng kể vào ngân quỹ quân đội. Tháng 5/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu PLA ngừng mọi hoạt động kinh doanh trong ba năm.
![]() |
Ông Giang Trạch Dân |
Tối 22/7/1998, kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Giang Trạch Dân đích thân đọc quyết định, yêu cầu PLA không làm kinh tế nữa. Hôm sau, các báo Trung Quốc đồng loạt đăng tải tin này từ nguồn Tân Hoa xã.
Trước khi ông Giang tuyên bố quyết định của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, PLA sở hữu 70 xưởng chế tạo ô tô, 400 nhà máy sản xuất dược phẩm, 1.500 khách sạn. Năm tháng sau, cảnh sát vũ trang Trung Quốc rút chân khỏi các đơn vị làm kinh tế đã hợp tác trước đó. Quân đội Trung Quốc lúc này chính thức rời khỏi lĩnh vực kinh tế.
Quyết định
Tối 22/7/1998, Chủ tịch Giang Trạch Dân xuất hiện trên chương trình thời sự của kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) với vẻ mặt đăm chiêu. Ông Giang đích thân đọc “quyết định trọng đại của Trung ương đảng Cộng sản” về việc ra lệnh cho PLA không được làm kinh tế.
“Trung ương quyết định, tất cả đơn vị và công ty kinh doanh trực thuộc trong quân đội và cảnh sát vũ trang phải nghiêm túc tiến hành thanh lý, từ nay về sau toàn bộ những đơn vị này không được tham gia hoạt động kinh tế. Trung ương cũng đồng thời quyết định, các đơn vị mang tính công ty kinh doanh của các cơ quan chính pháp (tòa án, viện kiểm sát, công an) cũng phải tiến hành thanh lý, không được tham gia hoạt động kinh doanh”.
Các hãng thông tấn nước ngoài khi đó cũng đồng loạt đưa tin về quyết định của Trung Quốc. Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định rằng truyền thông nước ngoài đánh giá cao bước đi của giới lãnh đạo cấp cao tại Bắc Kinh.
Thị trường nhuộm sắc quân nhân
Theo Caijing, nhiều người Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ trước, đều biết rằng nhiều tòa nhà chọc trời trên các đường phố lớn ở Trung Quốc mang những danh xưng rất thương mại, bình dân, nhưng thực sự sau đó có sự chống lưng của quân đội.
Các khách sạn, nhà hàng ở con phố Vương Phủ Tỉnh sầm uất bậc nhất Bắc Kinh, trước kia đều thuộc quyền quản lý của quân đội, dù biển hiệu không bao giờ có chút nào liên quan tới PLA.
Tháng 10/1997, một công ty kinh doanh của quân đội lên sàn chứng khoán ở Thượng Hải, đồng thời PLA cũng mạnh tay đầu tư vào viễn thông, điện thoại di động, cạnh tranh với các công ty tư nhân.
Một doanh nghiệp quân đội tiêu biểu khác ở Trung Quốc là Tập đoàn Tam Cửu. Doanh nghiệp này chưa từng che giấu nguồn gốc quân đội của mình, thậm chí trong các báo cáo công khai, người dân Trung Quốc cũng biết điều này không có gì bí mật. Tổng giám đốc Tam Cửu là Triệu Tân Tiên, người của PLA. Thời kỳ trước khi PLA bị cấm làm kinh tế, ông Triệu cùng hơn 40 người khác có lương bổng ngang mức trung tướng. Biển quảng cáo của Tam Cửu xuất hiện nhiều ở sân bay Bắc Kinh, thậm chí cả trên quảng trường Thời đại ở New York.
Ngược dòng lịch sử, năm 1985, Trung Quốc cho phép quân đội tham gia các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dân dụng. Cho tới nay, PLA vẫn chưa công khai con số doanh nghiệp quân đội từng có.
TaiMingCheung, chuyên gia Hong Kong, nghiên cứu vấn đề thương mại trong PLA, ước tính doanh nghiệp có nguồn gốc quân đội của Trung Quốc là hơn 15.000 đơn vị. Doanh số bán hàng của những đơn vị này ước đạt 150 tỷ tệ (hơn 2 tỷ USD), tương đương 2% GDP Trung Quốc, góp phần lớn vào chi tiêu quốc phòng.
Tờ Caijing dẫn số liệu từ tạp chí quốc phòng Janes Defense Weekly, cho biết trước khi có lệnh của ông Giang, PLA sở hữu hơn 70 xưởng sản xuất ô tô (20% tổng số xưởng ô tô ở Trung Quốc), hơn 400 xưởng sản xuất dược phẩm, 1.500 khách sạn. Trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, có 4 doanh nghiệp do PLA quản lý.
Đến giữa những năm 90 thế kỷ trước, nhiều doanh nghiệp của PLA phát triển mạnh mẽ, đa phần được đánh giá là “nỗ lực vượt qua khó khăn, thiết lập vị trí trên thị trường sau khi trải qua nhiều thách thức”. Tuy nhiên, vẫn có vài doanh nghiệp của PLA bị cho là biến tướng, trở thành công cụ làm giàu cho người đứng đầu doanh nghiệp.
Theo thống kê của Caijing, vào những thời điểm thị trường tài chính châu Á khủng hoảng, các doanh nghiệp của PLA từng làm Trung Quốc thất thoát hàng trăm tỷ nhân dân tệ tiền thuế. Nguyên nhân được cho là quan hệ sản xuất và trình độ quản lý còn yếu kém.
Tân Hoa xã khi đó đánh giá quyết định cấm quân đội làm kinh tế của Chủ tịch Giang Trạch Dân và Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là hết sức sáng suốt. Trong các cuộc họp triển khai quyết định, đích thân ông Giang yêu cầu “nghiêm túc kiểm tra các đơn vị kinh tế có quan hệ với quân đội hoặc cảnh sát vũ trang”.
Tờ People’s Daily bình luận, việc Trung Quốc dừng cho phép quân đội làm kinh tế là bước đi quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Từng bước đi của quyết định này đều được thực hiện một cách chậm rãi, thận trọng. Đầu năm 1998, Trung Quốc tuyên bố các doanh nghiệp có quân đội tham gia không còn được hưởng mức thuế ưu đãi. Tháng 3/1998, chi tiêu quốc phòng được duyệt chi tăng 13%. Đến tháng 7, Trung Quốc chính thức tuyên bố quyết định cấm PLA làm kinh tế.
Tân Hoa xã bình luận, thực tiễn PLA làm kinh tế nhiều năm trước kia phản ánh hiện thực rằng điều này gây nguy hiểm cho quân đội. Thứ nhất là làm phân tán tinh thần của lãnh đạo, cán bộ trong quân đội, khiến nhiều sĩ quan sao nhãng nhiệm vụ chính. Ở mức độ nào đó, nó làm yếu sức chiến đấu và kỹ năng của quân đội. Thứ hai là xung đột lợi ích với địa phương, với doanh nghiệp tư nhân, ảnh hưởng quan hệ quân - dân, gây rối loạn trật tự kinh tế quốc gia. Thứ ba là dễ nảy sinh tham nhũng, làm bại hoại tác phong quân đội. |
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ong-giang-trach-dan-cam-quan-doi-trung-quoc-lam-kinh-te-d198317.html