| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 11:25

Chăn nuôi

Nuôi thỏ tuần hoàn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Thứ Năm 15/05/2025 - 11:20

Nhận thấy mô hình chăn nuôi thuần tuý hiệu quả không cao, một hộ dân tại Vĩnh Bảo đã chuyển sang nuôi thỏ tuần hoàn và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình thông minh, thức an được tận dụng triệt để

Tại Hải Phòng, nói về nuôi thỏ bài bản, hiệu quả và sáng tạo, có lẽ ít ai vượt qua mô hình của anh Nguyễn Văn Vương tại thôn An Lạc 2, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo. Đây là mô hình chăn nuôi tổng hợp khép kín có diện tích khoảng 7000 m2, kết hợp nhiều loại cây trồng với vật nuôi chính là con thỏ.

Mô hình trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Vương. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Vương. Ảnh: Đinh Mười.

Tại đây, anh Vương đã xây dựng chuồng trại có diện tích khoảng 500 m2 để nuôi 1.500 con thỏ. Điều đặc biệt của mô hình này là ngay dưới các chuồng nuôi thỏ được thiết kế các bể để nuôi trùn quế.

Theo đó, toàn bộ phân, nước tiểu và thức ăn thừa của thỏ rơi xuống dưới chính là thức ăn cho trùn quế. Sau đó, trùn quế lại được dùng để làm thức ăn cho cá hoặc xử lý làm phân bón cho các loại rau, cây trồng trong trang trại… rồi cũng chính rau thu hoạch được lại dùng làm thức ăn cho thỏ.

Không những vậy, với nguồn thức ăn sẵn có như: Rau, quả, thức ăn thừa... anh Vương còn sử dụng để nuôi sâu canxi. Mục đích của việc nuôi sâu là để làm thức ăn cho chăn nuôi như: Nuôi cá, nuôi ốc nhồi,... giúp vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vương kể, mình là một thủy thủ lái tàu, vợ anh (chị Bùi Thị Lý) từng là giáo viên. Tuy nhiên, với niềm đam mê chăn nuôi, vợ chồng anh bàn bạc và quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi chim bồ câu, gà, cá.

Câu chuyện chăn nuôi không phải cứ đam mê và muốn là được, là thành công ngay. Ban đầu bắt tay vào thực hiện ước mơ, gia đình anh Vương cũng nếm đủ trái đắng của lĩnh vực chăn nuôi. Một thời gian dài, anh Vương gặp khó khăn và phải liên tục thay đổi nuôi hết con vật này đến con vật khác để chờ vận may.

Anh Vương giới thiệu với phóng viên về sản phẩm trùn quế nuôi dưới chuồng thỏ bán rất đắt hàng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vương giới thiệu với phóng viên về sản phẩm trùn quế nuôi dưới chuồng thỏ bán rất đắt hàng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vương cùng với vợ đã có những đêm thức trắng để nghiên cứu và lặn lội đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại khác. Rồi sau đó, đến năm 2019, vợ chồng anh đã chọn phương án kết hợp các loại vật nuôi để tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, với vật nuôi chính là con thỏ.

Từ đó, may mắn đã mỉm cười, không chỉ tận dụng tối ta nguồn thức ăn tại chỗ, mô hình chăn nuôi tổng hợp, kết hợp khoa học còn giúp môi trường được cải thiện, các loại vật nuôi hạn chế được bệnh tật.

So với các mô hình nuôi thông thường, đàn thỏ nuôi theo mô hình tổng hợp như thế này rất ít bệnh tật, mùi hôi cũng được hạn chế. Mấy năm nay gần như tôi chưa phải dọn chuồng tổng thể”, anh Vương cho biết thêm.

Lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Cũng theo anh Vương, sở dĩ anh lựa chọn nuôi tổng hợp vì quá trình chăn nuôi cho thấy, nếu chỉ nuôi thỏ thuần túy thì sẽ mất rất nhiều nhân công thu dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Đàn thỏ nhìn bề ngoài rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ảnh: Đinh Mười.

Đàn thỏ nhìn bề ngoài rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ảnh: Đinh Mười.

Vì vậy, anh đã quyết định chọn phương pháp nuôi tuần hoàn, giúp tiết kiệm công sức dọn dẹp chuồng trại và quan trọng hơn là hạn chế được mùi hôi từ nuôi thỏ và tăng hiệu quả kinh tế.

Chỉ tính riêng việc nuôi thỏ, sau khi trừ tất cả các chi phí thì cho lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng và tính cả các con vật nuôi khác trong mô hình thì cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, anh Vương vẫn có thể đi làm công việc thủy thủ của mình vì việc vận hành mô hình rất đơn giản, chỉ cần một mình chị Lý làm là đủ.

Về chuồng trại chăn nuôi thỏ, anh Vương không lát xi măng nền chuồng mà để nền đất, độ cao từ mặt đất đến sàn chuồng nuôi thỏ khoảng 60cm.

Xung quanh chuồng nuôi được xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo để nước bên trong chuồng được thoát ra ngoài kịp thời, không bị ngập dù có mưa to, đồng thời, nước ở ngoài không xâm nhập được vào trong, tránh ảnh hưởng đến trùn quế.

Chị Bùi Thị Lý nghỉ hẳn đi dạy để giành toàn thời gian cho đàn thỏ. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Bùi Thị Lý nghỉ hẳn đi dạy để giành toàn thời gian cho đàn thỏ. Ảnh: Đinh Mười.

Thỏ ít bị dịch bệnh hơn so với các con vật nuôi khác và sinh sản rất nhanh nên sẽ sớm thu hồi vốn. Đồng thời, thị trường của thỏ rất rộng mở nên hầu hết đầu ra đều do anh tự tìm chứ không cần phải qua thương lái hay xuất khẩu. Giá được bán dao động từ 85.000 đồng đến 110.000 đồng/kg", anh Vương bộc bạch.

Theo ông Vũ Văn Môn, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, với những hiệu quả tích cực mang lại, mô hình của anh Vương trở thành địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều đoàn nông dân trong và ngoài TP. Hải Phòng.

"Mô hình chăn nuôi của anh Vương rất hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Thời gian tới, tôi mong muốn trên địa bàn xã sẽ có thêm nhiều mô hình hay giống như mô hình của anh Vương" ông Vũ Văn Môn cho hay.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-tho-tuan-hoan-loi-nhuan-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-d751977.html