| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 08:37

Thủy sản

Nuôi ghép tôm sú với rô phi đơn tính, lợi đủ bề

Thứ Năm 24/04/2025 - 08:19

Nuôi xen ghép cá rô phi đơn tính với tôm sú giúp cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tôm môi trường sống thuận lợi.

Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật (KHKT) và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh vừa triển khai mô hình trình diễn nuôi ghép tôm sú với cá rô phi đơn tính trong ao lót bạt tại tổ dân phố Quyết Tiến, phường Đồng Môn.

Thả giống cá rô phi đơn tính và tôm sú tại mô hình. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thả giống cá rô phi đơn tính và tôm sú tại mô hình. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trước đây vùng nuôi Thạch Hưng và một số vùng ở Thạch Hạ, Đồng Môn của thành phố Hà Tĩnh người dân có tập quán nuôi ghép một số đối tượng tôm, cua, cá chim vây vàng, cá chẽm... nhưng ở mức đầu tư thấp nên thường xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2024, UBND thành phố Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi ghép tôm sú, cua biển, cá đối mục trong ao tại xã Thạch Hưng đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt.

Với hiệu quả đó, năm 2025 Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn nuôi ghép tôm sú với cá rô phi đơn tính trong ao lót bạt tại hộ ông Nguyễn Văn Hương (tổ dân phố Quyết Tiến, phường Đồng Môn).

Mô hình có quy mô 6.000m2, thả nuôi ghép 9 vạn con tôm sú và 5.000 con cá rô phi đơn tính. Thực hiện mô hình, chủ hộ được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu, đồng thời được hỗ trợ 100% kỹ thuật trong quá trình nuôi.

Tôm sú có kích thước lớn, với chiều dài tối đa có thể đạt đến 30cm, trọng lượng thương phẩm có thể đạt từ 15 đến 20g/con sau khoảng 4 đến 5 tháng nuôi, giá bán cao, thị trường ưa chuộng. Trong khi đó cá rô phi đơn tính là loài thích nghi phổ rộng về môi trường, phân bố rộng rãi trong các thủy vực nước ngọt, lợ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Thức ăn chủ yếu của cá rô phi là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, đa mao trùng..., đây là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi cũng như nuôi dưỡng mầm bệnh hại các loài thuỷ sản.

Nuôi ghép cá rô phi đơn tính với tôm sú sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tôm môi trường sống thuận lợi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi ghép cá rô phi đơn tính với tôm sú sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tôm môi trường sống thuận lợi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chính vì vậy, việc nuôi ghép cá rô phi đơn tính với tôm sú sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tôm nuôi môi trường sống thuận lợi. Ngoài ra, tôm sú và cá rô phi đơn tính nuôi nước lợ đều có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi.

Mục tiêu của mô hình nhằm đa dạng đối tượng nuôi, xen ghép các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, cá rô phi đóng vai trò rất quan trọng như “người dọn dẹp” ao nuôi, tiêu thụ thức ăn thừa, chất thải hữu cơ của tôm, góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ức chế vi khuẩn Vibrio - tác nhân chính gây bệnh EMS (hội chứng tôm chết sớm) trên tôm.

Việc nuôi cá rô phi đơn tính ghép trong ao nuôi tôm nhằm cải tạo môi trường ao nuôi hiệu quả, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hương, hộ tham gia mô hình cho biết, trước đây ao của gia đình chủ yếu nuôi tôm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu các mô hình nuôi xen ghép có hiệu quả trên địa bàn Thành phố, ông mạnh dạn đăng ký mô hình nuôi xen ghép tôm sú với cá rô phi đơn tính trên 2 ao lót bạt của gia đình.

Mô hình nuôi ghép với cá rô phi đơn tính giúp giảm dịch bệnh cho tôm nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mô hình nuôi ghép với cá rô phi đơn tính giúp giảm dịch bệnh cho tôm nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thực hiện mô hình, về hệ thống ao nuôi đảm bảo được thiết kế, xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tốt công tác phòng bệnh tổng hợp như cho ăn theo nguyên tắc "4 định"; theo dõi, kiểm tra các chỉ số môi trường, sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của tôm, cua, cá hàng ngày và định kỳ; đảm bảo các chỉ số môi trường nước luôn ở giới hạn cho phép và tốt nhất là ở giới hạn tối ưu để tôm, cua, cá phát triển tốt nhất.

Về con giống, chọn những con giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, hoạt động tốt, không có dấu hiệu bệnh, đầy đủ que càng và không bị tổn thương, mất các phần phụ. Mua giống từ những cơ sở có đủ thủ tục pháp lý, có hóa đơn, uy tín, đảm bảo chất lượng giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng.

Về thức ăn, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, trong đó sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho tôm sú (có độ đạm từ 30%). Đối với cá rô phi đơn tính, sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp dành cho cá (độ đạm 22 - 30%).

Tại mô hình, tôm sú được thả nuôi với mật độ 15 con/m2, cỡ giống 2,5cm, ương riêng trước khi thả vào ao nuôi xen ghép để đảm bảo tỉ lệ sống. Cá rô phi đơn tính mật độ nuôi 0,8 con/m2, cỡ giống 4 - 5cm. Dự kiến khi thu hoạch, năng suất tôm nuôi đạt 3 tấn/ha, cỡ tôm khi thu hoạch đạt 25 - 30 con/kg; năng suất cá rô phi đơn tính đạt 3,5 tấn/ha, trọng lượng khi thu hoạch đạt 0,5 - 1kg/con.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-ghep-tom-su-voi-ro-phi-don-tinh-loi-du-be-d749756.html