| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 13/05/2025 - 17:42

Thủy sản

Nuôi cá đặc sản phục vụ du lịch hồ Núi Cốc

Thứ Ba 13/05/2025 - 17:37

Cứ vào mùa du lịch cao điểm, ông Nguyễn Danh Tuyên luôn trong tình trạng nhà hàng gọi 'cháy máy' nhưng không đủ cá để bán.

Hồ Núi Cốc có tiềm năng lớn về phát triển nuôi cá lồng. Ảnh: Quang Linh.

Hồ Núi Cốc có tiềm năng lớn về phát triển nuôi cá lồng. Ảnh: Quang Linh.

Bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, hồ Núi Cốc (rộng 2.500ha) còn được đánh giá là địa điểm lý tưởng để nuôi cá lồng nhờ có lượng oxi hòa tan cao, nồng độ khí độc thấp và độ pH ổn định.

Tiềm năng lớn

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thuỷ sản, ông Nguyễn Danh Tuyên đã mạnh dạn đầu tư 10 lồng nuôi cá trên mặt nước hồ Núi Cốc vào năm 2015. Đến năm 2020, ông Tuyên đã nâng quy mô lên 26 lồng với số vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng và thành lập Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Đại Từ (HTX thủy sản Đại Từ).

“Lòng hồ Núi Cốc có điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng nhờ nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giúp giảm chi phí. Ngoài ra, nước trong lòng hồ tương đối sạch, giúp vật nuôi có môi trường sống an toàn, ít mắc bệnh truyền nhiễm”, ông Tuyên cho hay.

HTX thủy sản Đại Từ nuôi cá nheo, cá lăng và dòng da trơn trong 24 lồng vuông; 2 lồng tròn có kích thước lớn được sử dụng để nuôi cá trắm và cá chép.

Ông Nguyễn Danh Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Danh Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Đối với cá lăng, HTX mua giống và thả nuôi vào khoảng tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Nguồn thức ăn chính của cá lăng là tép dầu hồ Núi Cốc, được HTX mua lại từ dân chài quanh vùng. Khi cá lăng còn bé, có thể thả cả vạn con mỗi lồng, sau đó tách đàn dần. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg, chỉ thả với mật độ 500-700 con/lồng. Sau 2 năm rưỡi nuôi, cá lăng sẽ đạt trọng lượng trên 3kg mỗi con. Đối với các giống cá thông thường như chép, trắm, rô phi,… chỉ sau 1 năm thả nuôi là có thể cho thu hoạch.

Tỷ lệ sống cao nhờ phòng bệnh tốt

Để cá đạt chất lượng tốt nhất khi xuất bán, ông Tuyên và các thành viên HTX luôn chú trọng tới công tác thú y. Trong đó, thực hiện vệ sinh lồng thường xuyên, tăng sức đề kháng cho cá qua chế độ dinh dưỡng và lưu tâm phòng bệnh vào những thời điểm giao mùa.

HTX luôn lựa chọn cá giống khoẻ mạnh, không dị tật, thả nuôi với mật độ phù hợp. Trong quá trình nuôi, đảm bảo không để cá bị xây xước da để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

“Để phòng bệnh cho cá, chúng tôi phải tuân thủ quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, từ công đoạn chuẩn bị ao, thả giống đến thu hoạch, vận chuyển, bao gói, ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Tuyên chia sẻ.

Nhờ thực hiện tốt khâu kiểm soát bệnh nên tỷ lệ cá sống, sinh trưởng, phát triển tốt của HTX luôn ở mức trên 85%. 

Hiện nay, cá thương phẩm của HTX chủ yếu phục vụ khu du lịch hồ Núi Cốc và các nhà hàng tại thành phố Thái Nguyên. Theo ông Tuyên, nhu cầu cá đặc sản được nuôi tại chỗ vào mỗi mùa du lịch là rất lớn, thường rơi vào tình cảnh cung không đủ cầu.

Để nâng cao kỹ thuật, HTX thủy sản Đại Từ đã tham gia dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng trên sông hồ/chứa đạt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, giai đoạn 2023-2024” do Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thủy sản (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện.

Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; cá nheo Mỹ nuôi tại HTX thủy sản Đại Từ sinh trưởng, phát triển đồng đều và đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, tỷ lệ sống đạt 95%, trọng lượng trung bình đạt 680g/con.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-ca-dac-san-phuc-vu-du-lich-ho-nui-coc-d742323.html