Thứ năm 29/05/2025 - 00:09
Tài nguyên nước
'Nước sạch' về bản
Thứ Ba 27/05/2025 - 21:09
Từ ngày được sử dụng nước sạch, sức khỏe trẻ em và phụ nữ được cải thiện hơn nhiều. Đó là chia sẻ của người dân thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn.
Sức khỏe cải thiện nhờ nguồn nước sạch
Với người dân thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn (Yên Bái), công trình cấp nước tập trung được Nhà nước đầu tư xây dựng tại thôn Bản Tạo không đơn thuần là một hệ thống dẫn nước mà còn là nguồn “nước sạch” quý giá, là cả một “mạch sống” mới. Nguồn nước được lấy từ khe suối đầu nguồn trên rừng, lọc qua hệ thống đảm bảo vệ sinh rồi dẫn về từng hộ, phục vụ cho 540 hộ dân thuộc các thôn Bản Tạo, Đồng Sặt, Văn Tứ, Ao Sen, Thác Vác...

Công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng tại thôn Bản Tạo cung cấp nước cho 540 hộ dân. Ảnh: Thanh Ngà.
Cách đây hơn 10 năm, khi chưa có công trình nước hợp vệ sinh, người dân chủ yếu sử dụng nước từ suối hoặc tự đào giếng quanh nhà. Những dòng suối lẫn lá rừng, đất đỏ, nhiều khi đục ngầu sau mỗi trận mưa. Nguồn nước giếng dễ bị ô nhiễm bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt ngấm xuống lòng đất. Việc có nước để dùng đã là khó, nói gì đến nước hợp vệ sinh.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Hoàng Hữu Duyên, người dân thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn chia sẻ, khi chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng, người dân trong thôn thường xuyên mắc các bệnh như đau mắt đỏ, ngứa, mẩn đỏ, lở loét. Tình trạng đó chủ yếu do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh gây ra. Kể từ khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh dẫn từ đầu nguồn trên rừng về, sức khỏe của người dân đã thay đổi rõ rệt. Các bệnh kể trên gần như không còn xuất hiện hoặc giảm đi rất nhiều.
Ông Duyên nhớ lại, những năm con còn nhỏ, trong độ tuổi từ một đến ba tuổi, khi chưa có nước hợp vệ sinh, hai con ông thường xuyên bị tiêu chảy, phải đưa đi bệnh viện liên tục. Chỉ đến khi các cháu lớn hơn, tình trạng này mới giảm.

Người dân phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ảnh: Thanh Ngà.
Ông cho biết thêm, trước đây, mỗi khi trong nhà có người bị bệnh, bà con phải đi bộ hoặc đi xe đạp vượt quãng đường khoảng ba cây số để đến trạm y tế xã. Khi đó, đường đi khó khăn, phương tiện còn hạn chế nên việc khám chữa bệnh rất vất vả. Hiện nay, nhờ hệ thống giao thông được đầu tư, ngành y tế phát triển, việc chăm sóc sức khỏe trở nên dễ dàng và kịp thời hơn. Tuy vậy, nếu chỉ chữa bệnh mà vẫn dùng lại nguồn nước bẩn thì bệnh rất dễ tái phát, nhất là các bệnh ngoài da. Chỉ khi có hệ thống nước hợp vệ sinh và dẫn về tận thôn thì sức khỏe của người dân mới thực sự được cải thiện rõ rệt.
Cũng nhớ lại khoảng thời gian cả thôn phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, bà Hà Thị Chanh, người dân thôn Ao Sen, xã Đồng Khê cho biết, trước đây khi chưa có nguồn nước dẫn về, bà cùng nhiều phụ nữ trong thôn thường xuyên mắc các bệnh phụ khoa. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày. Từ khi có nước sạch để sử dụng, các bệnh ấy không còn xuất hiện nữa. Theo bà Chanh phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có nước sạch, sức khỏe của mọi người được cải thiện rõ rệt, ai nấy đều cảm thấy khỏe mạnh hơn trước rất nhiều”.
Ông Hà Sơn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, việc người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đã góp phần ổn định đời sống, cải thiện rõ rệt điều kiện sinh hoạt. Trước đây, khi chưa có công trình cấp nước, người dân phải lấy nước từ mương, rãnh, các khe suối nhỏ chảy ra từ chân đồi, chân rừng. Những nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Từ khi các công trình cấp nước tập trung được đưa vào sử dụng, chất lượng cuộc sống của người dân thay đổi đáng kể, ai cũng phấn khởi, yên tâm sử dụng nước cho sinh hoạt hằng ngày.
Giữ rừng để giữ mạch nước
Nguồn nước hợp vệ sinh mà người dân thôn Ao Sen đang sử dụng được dẫn từ những cánh rừng già trên núi cao - nơi mà người dân trong xã Đồng Khê từ bao đời vẫn gọi là “mạch sống của bản làng”. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ khe suối luôn được xã xác định là nhiệm vụ song hành cùng phát triển.

Nguồn nước hợp vệ sinh mà người dân xã Đồng Khê đang sử dụng được dẫn từ những cánh rừng già trên núi cao. Ảnh: Thanh Ngà.
Chị Lộc Thị Bờ, Trưởng thôn Bản Tạo, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn chia sẻ: “Thôn có hơn 200ha rừng đầu nguồn được bà con gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt từ nhiều năm nay. Nhờ giữ rừng tốt, nơi đây hình thành mạch nước lớn, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Thôn Bản Tạo cũng là nơi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, cung cấp hợp vệ sinh cho các thôn lân cận. Người dân luôn ý thức rằng, bảo vệ rừng chính là cách bảo vệ nguồn nước của chính mình và của cả xã Đồng Khê.
Nhờ giữ rừng tốt, mạch nước trong vùng không những không cạn kiệt mà còn dồi dào quanh năm. Chính nhờ nguồn nước ấy, các công trình cấp nước tập trung tại xã Đồng Khê mới phát huy hiệu quả. Hiện toàn xã có 5 công trình cấp nước, trong đó có 2 công trình lớn và 3 công trình nhỏ, phân bố rải rác tại các thôn. Các công trình này đang phục vụ cho hơn 1.400 hộ dân, chiếm khoảng 96% tổng số hộ toàn xã.

Các công trình cấp nước tập trung phục vụ cho hơn 1.400 hộ dân, chiếm khoảng 96% tổng số hộ toàn xã. Ảnh: Thanh Ngà.
Ông Hà Sơn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, cùng với việc đầu tư hạ tầng cấp nước, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân không xả rác bừa bãi ra sông, suối; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe cho người dân.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ rừng đầu nguồn và duy trì hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung. Theo ông Đông, đây là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn hợp vệ sinh ổn định, phục vụ lâu dài cho đời sống sinh hoạt của người dân.
Những năm qua, huyện Văn Chấn được đầu tư nhiều chương trình, dự án về cấp nước như Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, 135, 30A...với các nguồn vốn đa dạng từ ngân sách Nhà nước, quốc tế, tín dụng và đóng góp của người dân. Năm 2020 là 92,78% đến hết năm 2024, tỷ lệ người dân nông thôn trong huyện sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,5%, trong đó 14,2% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoc-sach-ve-ban-d755262.html