| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 12:15

Phóng sự

Nỗi niềm “mực xà”

Thứ Tư 21/09/2011 - 09:05

Trong tất cả các nghề đánh bắt hải sản trên biển Đông, có lẽ nghề câu mực xà là vất vả hơn cả: Chuyến biển dài nhất. Thời gian lao động nhiều nhất. Phương thức hành nghề đơn độc nhất.

Trong tất cả các nghề đánh bắt hải sản trên biển Đông, có lẽ nghề câu mực xà là vất vả hơn cả: Chuyến biển dài nhất. Thời gian lao động nhiều nhất. Phương thức hành nghề đơn độc nhất.

>> Mẻ cá đầu tiên
>> ''Bà đỡ'' của ngư dân
>> Nghĩa tình ''làng Đá Tây''
>> Dậy sóng
>> Đi tìm cây trôi và bọt trắng
>> Cưỡi sóng đạp gió
>> Ký sự biển Đông

Một ngày ngủ 4 tiếng

Nhân một ngày đẹp trời, tôi và thuyền viên Tuấn rủ nhau “dáy” thúng sang tàu câu mực xà của ngư dân Quảng Nam cũng đang trú bão tại đảo Đá Lát giao lưu. Tàu của chúng tôi và tàu QNa 91225 TS neo cạnh nhau nên chỉ 10 phút sau tôi đã có mặt trên tàu bạn.

Trên chiếc tàu dài chừng 20m, rộng hơn 5m mà nhìn đâu cũng thấy người. Đã thế, 34 chiếc thúng rất lớn xếp thành từng chồng chiếm hết diện tích mũi tàu cùng hơn 60 cái sọt nhựa dùng đựng đồ nghề của các thợ câu vây quanh khoang khiến con tàu càng trở nên chật chội. Nhìn lên mui, giàn phơi mực được làm từ hơn 1 tấn tre bao trùm kín mui tàu càng làm tôi thêm rối mắt. Tôi hỏi tàu có bao nhiêu thuyền viên; chủ tàu Nguyễn Ngọc Vinh (1975) quê ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) trả lời: “36. Trong đó có 34 thợ câu, 1 anh nuôi và tui”.

Tôi đề nghị Vinh cho gặp thợ câu “sao” nhất trong nhóm thợ. Ai nấy đồng thanh: “Gọi Út ra gặp nhà báo”. Tôi nghĩ chắc đây là người trẻ nhất nhóm nên được gọi là út. Đến khi một lão ngư xuất hiện với nụ cười tươi rói tôi mới tá hỏa. “Do bác ấy lớn tuổi nhất nên anh em đùa, gọi ngược là út của nhóm”, Vinh giải thích.

Hóa ra “sao” của nhóm thợ câu mực ở đây là một người đã 62 tuổi, bác Nguyễn Văn Trà, cùng quê với Vinh. “Tui đi biển từ nhỏ nhưng chỉ vào nghề câu mực hơn 10 năm nay. Không ngờ cuối đời mình lại theo nghề của 4 thằng con trai”, bác Trà nói. 

Bác Nguyễn Văn Trà thợ câu mực 62 tuổi

Biết thêm lịch làm việc mỗi ngày của những thợ câu mực, tôi càng khâm phục bác Trà. Bốn giờ chiều, tất cả thợ câu xuống thúng. Mỗi thợ đi 1 thúng. Ngoài đồ nghề cơ bản là 4-5 cái rường (lưỡi câu mực đặc chủng), hành trang của mỗi thợ câu còn có 2 sọt nhựa. Một sọt dùng để đựng nhu yếu phẩm gồm: Một bình nước nóng dùng để nấu 2 gói mì tôm, chai nước ngọt, mấy bịch sữa hoặc mấy lon nước ngọt để bồi dưỡng trong đêm, bao thuốc lá, chai rượu... Còn sọt kia đựng máy bộ đàm tầm gần để các thợ liên lạc với nhau. Thả xong 34 chiếc thúng cùng những người thợ, tàu anh Vinh chạy xuôi theo con nước cách đó khoảng 10 hải lý, thả neo.

Xuống thúng, các thợ câu thắp lên ngọn điện mờ mờ để dụ mực tới ăn mồi. Thúng của các thợ vừa làm vừa đi xuôi dần về phía con tàu. 4 giờ sáng, tàu bắt đầu chạy quanh vớt thúng và thợ lên. Đến 7 giờ là chiếc thúng và người thợ cuối cùng có mặt trên tàu. Không được nghỉ ngơi, thợ câu tiếp tục mổ mực, rửa sạch rồi phơi mực lên giàn. Người câu ít mực đến 9-10 giờ thì được nghỉ. Người câu nhiều, công việc này kéo dài đến 11-12 giờ trưa.

Ăn vội miếng cơm, nằm ngả lưng 1 chút, đến 1 giờ chiều tất cả lại thức dậy lên giàn lật mực. Ba giờ chiều, tiếp tục chuẩn bị hành trang cho đêm câu mới. 4 giờ, các thợ câu lại xuống thúng. Nếu không phải neo tàu trú bão như mấy ngày nay, lịch làm việc này tiếp diễn ngày này sang ngày khác cho đến khi tàu vào bờ.

Tôi nhẩm tính, trong 1 ngày, thợ câu được ngủ nhiều nhất là 4 giờ đồng hồ. “Làm suốt đêm, ngày chẳng được ngủ như vậy bác vẫn chịu được à?”, tôi hỏi bác Trà. “Quen rồi, thanh niên làm sao tui làm vậy, nhiều khi mình còn nhỉnh hơn là đằng khác”, bác Trà tự tin nói.

90 ngày xa bờ

Sống dài ngày trên biển nên bọn tui lo nhất là thiếu nước ngọt. Làm thâu đêm dưới biển nhưng khi về tàu mỗi thợ câu chỉ dám tắm vài ca nước. Giặt đồ thì rất đơn giản. Cho đồ bẩn vào bọc lưới rồi buộc dây thả xuống biển nhờ sóng biển “giặt” dùm, vài hôm sau vớt lên. Thế là mặc", anh Trần Văn Vân cho biết.

“Chi phí cho mỗi chuyến biển là hơn 400 triệu đồng, như vậy mới đủ lương thực cho 36 người sinh sống trên biển suốt 90 ngày”, chủ tàu Vinh cho hay. “Đó là phần do chủ tàu sắm, còn mỗi thợ câu còn phải tự sắm cho mình để sinh hoạt cá nhân. Mỗi chuyến biển mỗi thợ phải sắm 10 thùng mì tôm, sữa và nước ngọt đủ bồi dưỡng 90 đêm làm nghề, thuốc lá và 2 can rượu (40 lít) để giải mỏi sau những đêm làm lụng vất vả. Chi phí riêng của mỗi thợ từ 4-5 triệu đồng”, anh Trần Văn Vân (54 tuổi) nói. 

Những chiếc thúng chuyên dụng câu mực

Rủi ro cũng luôn rình rập cách làm việc riêng lẻ của các thợ câu mực. Giữa biển cả mênh mông, trời tối như mực, thúng này làm cách thúng kia 7-8 hải lý, lỡ có ai gặp bất trắc mà không liên lạc kịp thời sẽ khó mà ứng cứu kịp. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra giữa tàu cá và những thúng câu mực. Do vậy, trong suốt thời gian hành nghề, các thợ câu thường xuyên liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm tầm gần. Gặp lúc buồn ngủ quá, họ hát vang qua bộ đàm dăm ba câu vọng cổ để tìm lại sự tỉnh táo mà làm việc.

Cơ cực là vậy nhưng thu nhập của nghề này khá cao nên tạo động lực cho họ vượt mọi gian khổ. “Thợ giỏi, trúng luồng mực, mỗi đêm có thể câu được 3,5-4 tạ mực tươi. Thợ bét lắm cũng câu được 30-40 kg mỗi đêm. Khi đã xuống thúng ít ai về tay không”, chủ tàu Nguyễn Ngọc Vinh cho biết.

Người đang giữ vị trí “quán quân” về thành tích câu 1 đêm được 3,5-4 tạ chính là bác Trà. Hỏi về bí quyết câu mực, bác Trà nói gọn: “Chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Đôi tay nhạy cảm phát hiện nhanh khi mực dính rường, sự khỏe mạnh khiến đôi tay kéo con mực lên tàu thật nhanh để thả mồi khác. Đó là cách thu được nhiều sản phẩm trong 1 đêm câu”. 

Chủ tàu câu mực Nguyễn Ngọc Vinh với sản phẩm mực khô

Hỏi về cách ăn chia, chủ tàu Vinh cho biết: “Tổng chi phí được chia đều cho đầu người. Sau khi vào bờ bán số mực mình câu được, trước tiên thợ câu trả chi phí của mình. Sau đó trích 30% trong khoản thu còn lại nộp cho chủ tàu, còn lại là phần thu của thợ". Tôi hỏi: “Thường thì mỗi chuyến biển tàu mình thu hoạch được bao nhiêu sản phẩm?”. Vinh trả lời: “Thường sau 90 ngày chúng tôi thu được từ 20-30 tấn mực khô. Giá bán hiện nay là 120.000đ/kg. Chuyến biển vừa rồi anh em trên tàu tổng thu được trên 4 tỷ đồng”.

Trên đường “dáy” thúng quay về tàu, đầu tôi cứ nghĩ ngợi lan man. Ở tuổi bác Trà, lẽ ra giờ này bác đã được thảnh thơi, ngơi nghỉ bên con cháu. Vậy mà bây giờ bác vẫn còn gắn đời với chiếc thúng, lênh đênh trên biển Đông hằng đêm với ngọn đèn tù mù để câu từng con mực. Mới hay cuộc mưu sinh của đời người khắc nghiệt làm sao.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/noi-niem-muc-xa-d84015.html