Thứ hai 12/05/2025 - 22:10
Pháp luật - Bạn đọc
Nối dây tiếp đất cho đồ điện
Thứ Tư 24/04/2013 - 10:10
Tại sao khi sử dụng một số đồ điện người ta lại phải nối dây tiếp đất, thưa Giáo sư?
* Vì sao đêm mùa hè lại có nhiều sao hơn đêm mùa đông?
Lê Phương Thịnh, Vinh, Nghệ An
Những đêm hè trời quang, nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và rõ ràng là nhiều hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè chúng ta đứng ở gần trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông, trái đất của chúng ta đứng ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.Trong hệ ngân hà của chúng ta có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố trong vùng có hình một chiếc “bánh tròn”.
Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn xung quanh. Ánh sáng đi từ phía mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh sáng, đi từ mặt trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.
Năm ánh sáng là một đơn vị đo khoảng cách. Đó là quãng đường mà ánh sáng có thể đi được trong 1 năm. Ánh sáng di chuyển với vận tốc khoảng 300.000 km/s. Như vậy, trong 1 năm, nó có thể đi được khoảng 10 ngàn tỉ km, tương đương với chiều dài của 1 năm ánh sáng.
Nếu mặt trời nằm giữa hệ thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng sao trên trời nhiều như nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 3 vạn năm ánh sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy ở khu vực đó dày đặc các vì sao.
Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm ngân hà sẽ chỉ nhìn thấy một số ít sao trong một phần của hệ. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực giữa mặt trời và hệ ngân hà gọi là đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu của hệ ngân hà, tập trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy chính là đới ngân hà dày đặc các vì sao.
Về mùa đông và các mùa khác, khu vực đới ngân hà nằm về phía Trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở mặt kia của trái đất (vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy chúng.
* Tại sao khi sử dụng một số đồ điện người ta lại phải nối dây tiếp đất, thưa Giáo sư?
Đỗ Vũ Hạnh, Thuận Thành, Bắc Ninh
Rất nhiều đồ điện gia dụng được sử dụng với điện áp 220V, muốn đảm bảo an toàn thì vỏ kim loại của chúng phải được nối với dây tiếp đất. Đặc biệt là khi sử dụng máy giặt và tủ lạnh nhất thiết phải có dây tiếp đất.
Nước dẫn điện rất tốt, nếu cơ thể người tiếp xúc với nước mang dòng điện sẽ gây ra những tai nạn về điện. Nếu động cơ điện và mạch điện trong máy giặt bị ẩm ướt hoặc vì một lí do nào đó mà lớp cách điện của nó giảm đi sẽ gây ra hiện tượng hở điện, làm cho lớp vỏ kim loại bên ngoài máy giặt mang điện, đồng thời các bộ phận quay, vắt làm bằng kim loại bên trong máy giặt mang điện. Lúc đó nước trong máy giặt cũng mang điện. Khi người giặt tiếp xúc với nước trong máy giặt hoặc vô tình chạm vào lớp vỏ kim loại sẽ bị điện giật rất nguy hiểm.
Tất nhiên là trước khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã kiểm tra kĩ lưỡng, trong điều kiện ẩm ướt điện trở cách điện giữa bộ phận mang điện của máy và lớp vỏ lên đến hơn 1.000.000 V thì cũng có thể ngăn chặn hiện tượng hở điện giúp cho người sử dụng không bị điện giật.
Nhưng để đề phòng bất trắc, chúng ta nên áp dụng phương pháp phòng tránh điện giật hết sức đơn giản, đó là làm tốt công tắc tiếp đất của máy giặt. Máy giặt sau khi đã nối với dây tiếp đất nếu có phát sinh hiện tượng hở điện những bộ phận vốn không mang điện lại bị nhiễm điện, chúng ta có nhỡ tay chạm vào cũng không bị sao.
So với điện trở của cơ thể con người thì điện trở của dây tiếp đất nhỏ hơn rất nhiều vì vậy dòng điện sẽ qua đó và truyền xuống đất. Để phát huy tốt nhất tác dụng tiếp đất của dây tiếp đất thì dây tiếp đất phải được tiếp xúc tốt khoảng đất rộng, điện trở của dây không quá 4 ôm.
Tủ lạnh cũng giống như máy giặt, cũng thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc đá, điều kiện hoạt động cũng khá ẩm ướt. Một số đồ điện gia dụng có lớp vỏ kim loại như lò vi sóng, máy điều hòa, nồi cơm điện, quạt điện,… tốt nhất cũng nên nối dây tiếp đất.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/noi-day-tiep-dat-cho-do-dien-d109486.html