Chủ nhật 18/05/2025 - 14:52
Xã hội
Nơi chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Thứ Bảy 28/07/2018 - 09:30
Mỗi sáng từ thứ 3 đến Chủ nhật hàng tuần, phòng khám Phước Thiện ở chùa Hưng Minh (số 45 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP.HCM) lại đông nghẹt người.
Họ là những bệnh nhân nghèo ở TP.HCM và các vùng lân cận tìm đến.
![]() |
Chùa Hưng Minh |
Mấy chục năm nay, đến Minh Hưng tự, người ta vẫn thấy hình ảnh một cụ già nét mặt phúc hậu, ân cần khám, cấp thuốc cho những bệnh nhân nghèo khó. Ông là nhà tu hành Nguyễn Văn Tuy, tên gọi thân mật là Cậu Năm, năm nay ngót 80 tuổi. Ông đã theo cái “nghiệp” giúp người nghèo này từ thuở thiếu thời. Nay cũng 60 năm có lẻ.
Cứu sống hàng vạn người nghèo
Ông Tuy sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Tam Thôn Hiệp, thuộc huyện Cần Giờ. Năm 17 tuổi, ông chính thức đi tu theo trường phái Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam. Trường phái tu không xuống tóc nhưng ăn chay trường và giữ giới luật đi đứng, nói năng, giao tiếp, thể hiện người có đạo đức, chủ trương dùng y đạo từ bi, bác ái cứu độ chúng sinh.
![]() |
Cư sĩ Nguyễn Văn Tuy |
Cũng từ đây, ông bắt đầu dấn thân, mải miết với hành trình tìm thuốc, khám, chữa bệnh giúp người. Hầu hết các vùng đất xa xôi, hẻo lánh, từ miền Trung, miền Tây, cho đến cả nước bạn Lào, Campuchia đều từng in dấu chân ông trên đường tìm cây thuốc.
“Một lần, tôi về vùng Kiên Giang tìm cây thuốc, thấy cây cóc biển, nhìn qua rất giống Phục linh rừng. Giống này rất hiếm, thường chỉ có ở vùng núi cao nhưng đây lại là vùng giáp biển. Tôi quyết định nếm thử, vừa đưa lên lưỡi thấy tê dại lan dần khắp cơ thể. May nhờ những người đi cùng phát hiện và giải độc kịp thời, nếu không thì khốn”, ông kể.
Hôm nay, sau mấy chục năm chăm chút và tích cóp, Phòng chẩn trị Nam y tại Hưng Minh tự đã khá khang trang, đạt tiêu chuẩn. Ngoài phòng khám bệnh, chùa Hưng Minh còn có phòng châm cứu điều trị bệnh nhân bị các chứng tê bại, đau nhức, mất ngủ, thần kinh… Các cư sĩ trợ y thành thạo điện châm khơi thông kinh lạc, điều hòa âm dương cơ thể bệnh nhân, phục hồi sức lực.
![]() |
Bên trong phòng khám, mỗi ngày có cả trăm người đến khám, bốc thuốc miễn phí |
Một bệnh nhân nam tên Tuấn, 59 tuổi, ở Q.8, TP.HCM mà chúng tôi gặp ở phòng khám cho hay, ông bị bệnh tiểu đường type 2, không đủ tiền chạy chữa trường kỳ tại phòng khám Tây y. Được một người mách bảo, ông tìm tới phòng chẩn trị Nam y tại chùa Hưng Minh. Tại đây, tiếp xúc với các cư sĩ, ông cảm thấy tự tin hẳn, vì các thầy không chỉ rất tận tâm, ân cần, mà còn nói với ông rằng không tốn chi phí gì cả. Sau khi nhận thang thuốc về sắc uống, và thực hiện chế độ ăn uống, kiêng cử, tập thể dục theo đúng hướng dẫn của các thầy, sau 2 tháng điều trị, ông cảm thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, không còn những cơn đau thắt ngực (biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường), khi thử máu thấy đường huyết hạ về gần mức an toàn.
Ngập tràn tình thương
Nói về kinh phí chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ông Tuy cho biết, đó cũng điều phải lo hàng ngày như lo bữa ăn. Vì không thu phí của người bệnh nên nguồn kinh phí chủ yếu từ các nhà hảo tâm và tấm lòng của những người nghèo đã được nhà chùa chữa khỏi bệnh, nay quay lại chung tay, góp sức làm côn quả hoặc tìm các loại dược thảo cho chùa.
![]() |
Khu vực kho thuốc có gần chục cư sĩ làm luôn tay mới kịp, khôn để người bệnh chờ lâu |
Một số tiểu thương chợ nông sản Bình Điền không nỡ vất bỏ khối lượng lớn rau bán ế nên xuất tiền thuê xích lô hoặc xe ba bánh chở rau có dược tính phụng cúng đều đặn cho chùa. Nhà chùa thông bạch những vị thuốc thiếu hụt và những người thích làm việc công đức lập tức phụng cúng cho chùa Hưng Minh đầy đủ vị thuốc cần thiết. Một số người còn phụng cúng giấy báo cũ cho nhà chùa dùng gói thuốc thang. Một vài người tự nguyện dùng xe máy chở dược thảo chất đầy ba-ga tặng đều đặn cho chùa Hưng Minh.
Nhà tu hành Nguyễn Văn Tuy cho biết, ngoài 18 người tu hành được nhà chùa nuôi ăn, học và được phát 200 nghìn đồng/tháng, còn lại đều là những người dân quanh vùng đến làm công quả. Thi thoảng, lại có người mang từng túi xách lớn, đôi khi chở cả hàng xe những cây cỏ tươi mang đến chùa bào chế. Họ đều là những người đang hoặc đã từng được nhà chùa chữa bệnh.
Tất cả những thứ họ mang tới quyên góp đều là các vị thuốc dùng để cấp phát cho người bệnh. Mỗi buổi sáng, từ thứ 3 đến Chủ nhật hàng tuần đều có cả trăm người đến khám, chữa bệnh nên kho thuốc thường xuyên phải có từ 5-10 tấn mới đủ đáp ứng nhu cầu.Bệnh nhân mang thuốc nam về nhà sắc uống, nếu chưa hết bệnh thì trở lại tái khám, được điều trị tới khi dứt hẳn. Theo ông Nguyễn Văn Tuy, thuốc nam không trị triệu chứng của bệnh mà chủ trị căn (nguồn gốc) phát ra bệnh. “Khi thăm khám bệnh, đừng để ý họ là ai, sang hay hèn, mà hãy chú tâm vào bệnh tình, có tâm thế ấy mới tập trung chẩn đoán bệnh chính xác được”, ông tâm sự.
![]() |
Hiện nay, Minh Hưng tự cũng có một vườn thuốc nam với bộ sưu tập lên đến cả trăm loại Nam dược |
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/noi-chua-tri-mien-phi-cho-benh-nhan-ngheo-d223287.html