| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 17/05/2025 - 14:18

Tâm sự Dạ Hương

Nỗi buồn Tết Bắc 'xộc xệch' và tháng Giêng dài lê thê

Thứ Tư 09/03/2016 - 07:15

Chồng cháu là người trong Nam cô ạ. Anh về Bắc là để cho vợ con vui thôi chứ cháu biết anh có tâm trạng chán Tết Bắc và những ngày tháng Giêng lê thê ở quê cháu.

Cô kính mến!

Cháu là đứa con gốc Bắc nhưng bố mẹ vào Sài Gòn sớm nên đã "Nam hóa" lâu rồi. Thư này cháu không tâm sự chuyện gia đình, theo cháu gia đình nhỏ và gia tộc cháu vẫn ổn so với nhiều người trong họ.

Chỉ là nỗi niềm của một người con xa miền Bắc lâu và thi thoảng năm ba năm quay về ngoài ấy ăn Tết với gia tộc lớn. Bố cháu có công trong việc gây dựng ngôi nhà thờ tổ ở quê NĐ, mỗi khi về ngoài ấy, chúng cháu rất thích ở trong nhà thờ cùng bà con nấu bánh chưng, làm cỗ, bố nói khi ấy mọi người tái hiện được phần nào không khí thời xưa.

Chồng cháu là người trong này cô ạ. Anh về ngoài ấy là để cho vợ con vui thôi chứ anh sợ mưa rét, ẩm ướt và lối sống “nhiều xã giao và thủ tục”, theo lời anh. Việc đó thôi thì, chúng cháu chỉ “đóng vai” con cháu biết cội biết nguồn trong mươi ngày, đâu có “chung thân” đâu mà cãi nhau, đúng không cô?

Nhưng có nhiều thứ chồng cháu chỉ trích cháu phải “cứng họng”. Như cách đi và hành xử trong lễ hội của bà con quê cháu và những cảnh khác báo chí và truyền hình phản ảnh suốt thời gian qua. Như chuyện lễ làng, ăn uống đông đúc, nhà nhà bó trong hàng rào bê tông chứ đâu như ngày xưa, cởi mở chan hòa, yên lành. Rác thải thì bên cạnh lễ làng, chức sắc địa phương và chức sắc làng không ai làm gì cả, ruồi nhặng hôi thối hết chịu nổi. Vậy mà mọi người vẫn hát múa, ăn uống vô tư như thường.

Cháu thấy ở anh có tâm trạng chán Tết Bắc và những ngày tháng Giêng lê thê ở quê cháu. Anh tuyên bố sau thì cháu và con cứ về với nhà ngoài, anh xin miễn! Không phải lỗi ở anh, cháu thấy mọi thứ ở quê bây giờ xộc xệch quá, chỉ ngôi nhà thờ mà bố cháu bỏ công ra vận động để tu bổ thì còn thu hút được như ốc đảo thiên đường giữa địa ngục.

Cháu có quá lời không cô? Làm sao với tình trạng chen lấn, xin xỏ, thực dụng, bất chấp ở những lễ hội từng là niềm tự hào của những người như bố mẹ cháu? Cháu thấy Sài Gòn có hội chứ không lễ tràn lan bát nháo như ở ngoài quê cháu? Đi chùa trong này cũng giản dị, yên bình, dễ chịu. Tại sao có tình trạng nửa này nửa kia như thế hở cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Cô đã ở ra Bắc từ hồi bao cấp còn trị vì, khắp nơi đói nghèo, nhưng yên bình và tâm hồn con người còn sạch. Sau đó cô sống ở HN 15 năm và cô cùng chú không ngớt tranh luận vì sao mọi thứ lại ra nông nỗi.

Hồi đó, thập niên 90 của thế kỷ trước, Tết nhất ở miền Bắc còn sâu sắc nguyên sơ lắm. Chùa, đền, đình, phủ còn là nơi tôn nghiêm, sâu lắng, không bày vẽ. Bắt đầu thấy các thùng từ thiện giăng hàng ngang ở các chùa nức tiếng nhưng người đến lễ cũng chưa bát nháo.

Chừng như mọi thứ đi xuống không phanh từ mươi năm nay. Cô đã về SG và cũng không mặn mà quay ra dù là đi chơi. Có một sự hoài nghi và đổ vỡ trong chính cô. Ngày trước, mới đây thôi, làm gì có phát ấn đền Trần, làm gì có lễ chém lợn xống áo xênh xang hoành tráng, làm gì có hát quan họ với tiền cho trực tiếp ở Hội Lim, làm gì ném phết với một biển người như vừa qua?

Cô đồ rằng nhiều nơi đã dùng tâm lý trọng tín ngưỡng dân gian của đa số dân chúng để kiếm tiền. Như mật với ruồi. Lễ hội gì vật con lợn bị trói ra mà chém, có lễ tế chứ đâu có hội, giết lợn thì ai lạ gì, có trò gì ngoài tò mò và máu. Ấn gì mà phát như mưa, quan xếp hàng đến xin, dân chầu rìa xin theo, hỗn loạn, bôi bác. Và chùa chiền trở thành nơi bị kinh doanh vì đó là nơi tiền vô như nước mà không phải nộp cho ai cả.

Làm thế nào để trả lại sự trong veo cho tôn giáo và tín ngưỡng như ở các nước Phật giáo phát tích, Nepal, Ấn Độ? Phải bắt đầu từ từng người, nhận thức từ trong nhà mình ra. Ví như cháu thấy như thế thì cháu hãy cùng bố và mẹ nói với người trong gia tộc và trong làng quê mình nên hành xử ra sao với chùa đình miếu mạo và lễ hội. Không ai làm cho mình, cho người Việt mình, trừ khi mình thanh lọc và cũng nhắc nhở mọi người làm cho đúng, cho thanh, cho cao đẹp.

Chồng Nam vợ Bắc chỉ có trục trặc nho nhỏ như vợ chồng cháu thôi. Chủ yếu là yêu nhau nên xét nét, không thì người ta kệ rồi, không về quê cùng, cũng không ý kiến. Có ý kiến là có thương yêu. Nên hiểu cho người chồng miền Nam không quen chứng kiến kiểu lễ hội và lễ lạt thiên về hình thức (bây giờ là thực dụng) của ngoài kia. Nửa đất nước ấy đâu có lỗi, bực bội không có nghĩa là phân biệt và hiềm thù. Nhưng đáng chê thì phải bị nghe chê, bị chê nhiều rồi thì sẽ thành dư luận chung và chính quyền sẽ nghe thấu và có cách điều chỉnh, sửa sang.

Không ai yêu quê mình bằng chính mình. Đừng vì cậu ấy sợ rét và sợ cảnh chen, cướp, chém chặt của mùa lễ hội ngoài đó mà quy kết phẩm chất người ta. Hãy khách quan và khoan thai cho chồng trong việc này, nha.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/noi-buon-tet-bac-xoc-xech-va-thang-gieng-dai-le-the-d158345.html