| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 18:35

Xã hội

Những công trình ứng phó thiên tai làm an lòng dân

Thứ Hai 28/04/2025 - 18:34

Những công trình ứng phó thiên tai ở Bình Định giải quyết tình trạng ngập lụt vào mùa mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Người dân được “ăn ngon ngủ yên”

Huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Bình Định, được đầu tư xây dựng nhiều công trình ứng phó với thiên tai để giải quyết tình trạng ngập lụt vào mùa mưa lũ.

Đầu tháng 9/2024, công trình cống bản hộp trên tuyến tỉnh lộ 640 thuộc địa phận xã Phước Hòa được đưa vào hoạt động, mang đến cho người dân các xã khu Đông huyện Tuy Phước niềm phấn khởi tột cùng.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), trước khi cống bản hộp được đầu tư xây dựng, nơi này là bờ tràn. Vào mùa mưa lũ hằng năm, nước từ sông Cây Me chảy tràn qua mặt đường, gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.

“Ví như đợt lũ năm 2023, một ô tô đưa đón công nhân khi đi qua đoạn tràn này bị nước cuốn trôi, rất may không có thiệt hại về người. Khi có cống bản hộp, đường được nâng cao, nước lũ chảy qua những cửa thoát phía dưới, không còn tình trạng nước tràn trên mặt đường, tạo thuận lợi, an toàn mỗi khi qua lại. Người dân địa phương rất vui mừng”, ông Vương nhớ lại.

Cống bản hộp trên tuyến tỉnh lộ 640 thuộc địa phận xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) có 13 cửa thoát lũ, mỗi cửa rộng hơn 8m2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cống bản hộp trên tuyến tỉnh lộ 640 thuộc địa phận xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) có 13 cửa thoát lũ, mỗi cửa rộng hơn 8m2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình cống bản hộp nói trên có 13 cửa thoát lũ, mỗi cửa rộng hơn 8m2, kết cấu bê tông cốt thép, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 11 tỷ đồng. Công trình được xây dựng nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ trên tuyến tỉnh lộ 640.

Hàng trăm hộ dân ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa) và thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn) hiện cũng không còn nơm nớp nỗi lo đê sông Cây Me bị sạt lở khi trời mưa lũ. Bởi 2 đoạn đê có tổng chiều dài hơn 1,4km thuộc bờ Bắc hạ lưu cầu Đun (xã Phước Hòa) và hạ lưu cầu Đội Thông (xã Phước Sơn) đang được UBND huyện Tuy Phước đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng gia cố mái đê bằng tấm lát bê tông và trồng cỏ. Bên cạnh đó, chân đê được đổ đá rối, đóng cọc tre phía ngoài bảo vệ; thân đê rộng 3m được đúc bê tông kiên cố.

Ông Lê Văn Đông ở thôn Xuân Phương, phấn khởi cho biết: “Trước kia, vào mùa mưa lũ người dân ở ven đê đứng ngồi không yên vì nỗi lo đê bị sạt lở, cuốn trôi nhà cửa và đất nông nghiệp. Giờ đê được xây dựng kiên cố, từ đây bà con có thể ăn ngủ ngon lành khi mùa mưa lũ đến”.

Đảm bảo thoát lũ

Cũng trong năm 2024, UBND huyện Tuy Phước đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng khắc phục tình trạng sạt lở bờ Nam Thượng và hạ lưu đập Hạ Bạc thuộc địa phận xã Phước Hòa và Phước Quang. Trước đó, năm 2023, huyện Tuy Phước đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối tỉnh lộ 636 với tỉnh lộ 631 dài 2km qua địa bàn xã Phước Hòa và Phước Thắng. Tuyến đường này được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4 đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m, có 2 cầu bản hộp và 2 cống bản tiêu thoát nước, đảm bảo thoát lũ, tránh ngập úng mỗi khi xảy ra mưa lũ.

Phường Nhơn Bình và phường Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) cũng là những địa phương vùng trũng nên thường bị ngập úng trong mùa mưa lũ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Định đầu tư hơn 316 tỷ đồng xây dựng hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh thuộc 2 phường nói trên nhằm hạn chế thiệt hại do lũ chính vụ gây ra; đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như các công trình hạ tầng công cộng trong khu vực.

Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho khu vực sông Dinh thuộc 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho khu vực sông Dinh thuộc 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình có những hạng mục chính như: Mở rộng và nạo vét đáy sông, xây dựng đê và kè gia cố bờ sông kết hợp làm đường giao thông toàn tuyến dài hơn 6km; mở rộng khẩu độ cầu Chợ Dinh từ 24m lên 45m, xây dựng hệ thống thoát nước mặt dài 6,3km, hệ thống điện chiếu sáng ngầm dài 6,4km.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh có điểm đầu tại ngã ba sông Hà Thanh, thượng lưu đập Phú Xuân và điểm cuối tại tràn Quy Nhơn 1; lưu lượng thiết kế là 400m³/s, chiều rộng đáy sông từ 40-130m. Hệ thống đê kè được xây dựng kiên cố, kết hợp đường giao thông đô thị với mặt đường bê tông nhựa rộng 7m, vỉa hè hai bên, lan can bảo vệ chắc chắn.

“Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cải thiện điều kiện sống và tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị bền vững. Hệ thống này không chỉ giúp bảo vệ đô thị Quy Nhơn trong mùa mưa lũ mà còn tạo tiền đề để phát triển hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm hướng đến phát triển bền vững và hiện đại hóa đô thị”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhung-cong-trinh-ung-pho-thien-tai-lam-an-long-dan-d746226.html