Thứ bảy 17/05/2025 - 01:11
Xã hội
Những bàn tay tài hoa ở làng đá Hải Lựu
Thứ Năm 06/03/2025 - 10:12
Vốn là nghề truyền thống lâu đời, nhưng trước những biến động của thị trường và thách thức nội tại, nghề đá Hải Lựu đang từng bước chuyển mình để phát triển bền vững.
Nghề nghìn năm tuổi
Những vật dụng bằng đá đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nông thôn Việt Nam. Làng nghề Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là nơi tạo ra các sản phẩm đá truyền thống này.
Hải Lựu, một địa phương nằm dọc sông Lô, đối diện với núi Thét sừng sững, là vùng đất giàu tài nguyên đá. Tận dụng lợi thế thiên nhiên, người dân nơi đây đã hình thành và phát triển nghề chế tác đá từ hơn 200 năm trước. Không ai rõ cụ tổ của nghề là ai, chỉ biết rằng từ xa xưa, nghề đá đã được lưu truyền qua hình thức "cha truyền con nối", giúp các thế hệ sau tiếp thu kỹ thuật và phát triển nghề theo thời gian.
Ban đầu, người dân chỉ sử dụng công cụ thô sơ như búa, đục, vồ gỗ để chế tác các vật dụng đơn giản phục vụ cuộc sống hàng ngày như cối xay bột, đá mài dao, cối giã cua, máng lợn... Ông Hà Văn Thuần (Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu) cho biết: "Ngày xưa, Hải Lựu vốn nổi tiếng với nghề đục cối. Người dân múc nền xây nhà, múc phải những cục đá tảng, họ mới đục ra làm cối. Cối đá Hải Lựu theo chân người dân đi khắp nơi…".

Các đơn hàng ở Hải Lựu chủ yếu là những sản phẩm được đặt hàng. Ảnh: Minh Toàn.
Theo thời gian, nhu cầu thị trường mở rộng, sản phẩm đá của Hải Lựu theo chân người dân xuôi dọc sông Lô, lan tỏa khắp các vùng miền. Năm 2006, Hải Lựu được công nhận là làng nghề Đá truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm gia dụng, làng nghề còn phát triển dòng sản phẩm đá mỹ nghệ với những tác phẩm tinh xảo như voi đá, ngựa đá, tượng Phật, chân cột đình, bia đá, lư hương, đỉnh đồng, tháp nhang sân chùa…
Nhờ sự sáng tạo và tay nghề cao, sản phẩm của làng nghề đã được người tiêu dùng từ khắp cả nước tin tưởng và đón nhận tích cực. Đặc biệt, các sản phẩm đá của Hải Lựu còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Hiện nay, Hải Lựu có hơn 200 lao động làm nghề đá. Nghề chế tác đá từng là thế mạnh của địa phương nhưng cũng trải qua những giai đoạn khó khăn do chưa kịp nâng cao trình độ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Hơn nữa, đây là công việc vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và đối mặt với nhiều rủi ro.
Chuyển mình trong khuôn khổ
Trước sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng, làng nghề đá truyền thống Hải Lựu cũng đang có những bước chuyển mình để theo kịp với xu thế. Nguồn nguyên liệu đa dạng, sản phẩm phong phú… đá Hải Lựu từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Trước đây, hầu hết nguồn đá được lấy từ địa phương. Tuy nhiên, đá thô Hải Lựu cứng, thô và bị sỉn màu theo thời gian. Nhiều xưởng đã nhập đá ở các địa phương khác như Thanh Hóa, Ninh Bình, Đà Nẵng… để phục vụ đa dạng thị hiếu của người tiêu dùng.

Đá thô được xẻ để phục vụ mục đích chạm khắc các sản phẩm tùy theo kích thước. Ảnh: Minh Toàn.
Trong những năm gần đây, ngoài các sản phẩm mỹ nghệ lâu đời, nhiều xưởng trên địa bàn còn cung cấp tiểu cảnh phục vụ mục đích xây dựng sân vườn. Anh Nguyễn Văn Mạnh (xưởng đá Văn Tuệ, thôn Làng Len, xã Hải Lựu) cho biết: "Trước đây chủ yếu là làm những sản phẩm như lăng mộ, tượng… tuy nhiên trong thời gian làm, nhiều khách hàng có đặt các sản phẩm tiểu cảnh. Lúc đó, mình không có. Nhưng sau này nhận ra tiềm năng của loại đá này nên bản thân tôi cũng học hỏi để chế tác được những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng…".
Theo đó, các sản phẩm tượng, lăng mộ… bán chạy vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Phần lớn thời gian còn lại, làng nghề đá Hải Lựu cung cấp các sản phẩm khác như tiểu cảnh, bồn rửa mặt…

Sản phẩm đá Hải Lựu đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Minh Toàn.
Trước đây, hầu hết các sản phẩm này đều được những người thợ đục, đẽo, chạm khắc thủ công. Thời gian chế tác tùy theo kích thước và độ tinh xảo của sản phẩm. Các sản phẩm đơn giản như chậu rửa mặt (lavabo) thường tốn một ngày công để hoàn thiện. Với các bức tượng yêu cầu độ tinh xảo cao hơn thường mất từ một đến vài tháng để có thể xuất ra thị trường. Tuy nhiên, một đến hai năm trở lại đây, máy móc, công nghệ hiện đại đã được áp dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Diện (xưởng đá Toàn Trường, thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu) cho biết: "Những năm gần đây, máy móc đã được áp dụng để xẻ đá, chạm khắc đá. Điều này giúp giải phóng sức của anh em thợ, làm tăng năng suất của xưởng…".
Tuy nhiên, máy móc không thể thay thế những người thợ lành nghề ở đây. Anh Na Văn Hạnh (36 tuổi, thợ chạm khắc của xưởng đá Toàn Trường) cho rằng: "Thủ công là thế mạnh của đồ mỹ nghệ Hải Lựu. Nét chạm khắc của máy móc có phần thô, không được mượt mà, tinh xảo giống như đục thủ công. Không thể thay thế thợ bằng máy được… Anh em thợ giỏi nhận 400.000 - 600.000 đồng/ngày công là điều bình thường".

Thợ lành nghề sử dụng máy móc như những công cụ hỗ trợ để tăng năng xuất làm việc. Ảnh: Minh Toàn.
Những sản phẩm đá Hải Lựu được người tiêu dùng ở nhiều nơi đón nhận. Tuy nhiên, do địa thế giao thông còn hạn chế nên nhiều khách hàng chưa tiếp cận được sản phẩm. Xưởng đá Toàn Trường là cơ sở tiên phong đưa sản phẩm đá Hải Lựu lên nền tảng số. Các kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội được lập ra để tiếp cận đa dạng công chúng. Anh Diện khẳng định: "Từ khi đẩy mạnh truyền thông, xưởng nhận được nhiều đơn đặt hàng. "Hữu xạ tự nhiên hương" nhưng cũng cần có mạng xã hội để tăng độ nhận diện…".
Đến Hải Lựu, chứng kiến quá trình chế tác đá mới thấy hết sự công phu, tỉ mỉ của người thợ làng nghề. Những sản phẩm đá không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn có tính nghệ thuật cao, thể hiện sự sáng tạo của người thợ. Họ chính là những nghệ nhân gìn giữ tinh hoa văn hóa, truyền lửa nghề cho thế hệ mai sau, tiếp tục viết nên câu chuyện về một làng nghề nghìn năm tuổi.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhung-ban-tay-tai-hoa-o-lang-da-hai-luu-d423325.html