Thứ ba 06/05/2025 - 10:55
Văn hóa
Nhiều người ở các quốc gia từng là thành viên nuối tiếc Liên Xô cũ
Thứ Ba 12/09/2017 - 12:50
Hơn ¼ thế kỷ sau khi Liên bang Xô viết (Liên Xô) sụp đổ, rất nhiều người ở các quốc gia từng là thành viên của Liên Xô vẫn cảm thấy nuối tiếc một quá khứ oai hùng...
Hãng tin Reuters nhận định, các cựu công dân Liên Xô nay vẫn cảm thấy sự thỏa mãn đối với cuộc sống hiện tại là rất thấp.
Một cuộc khảo sát năm 2016 cho hay, chỉ 15% người Nga cho rằng gia đình họ có cuộc sống tốt hơn thời Liên Xô (con số người hài lòng với hiện tại trong khảo sát năm 2010 là 30%). Chỉ có 9% số người được hỏi cảm thấy tình hình tài chính của gia đình tốt hơn 4 năm trước.
Muốn quay lại thời bao cấp
Theo cuộc khảo sát, do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, hơn 50% số người được hỏi tại các quốc gia từng là thành viên Liên bang Xô viết nói rằng họ muốn quay trở lại nền kinh tế bao cấp như trước đây, trong một số lĩnh vực.
Ngân hàng EBRD, được thành lập 26 năm trước để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các quốc gia từng là thành viên Liên Xô, đã phỏng vấn các hộ gia đinh khắp các quốc gia từng trong khối Xô viết. Cuộc điều tra kéo dài hơn một thập kỷ, trong dự án được gọi là “Cuộc sống sau khi chuyển đổi”. Có 51.000 gia đình thuộc 34 quốc gia, từ Estonia tới Mông Cổ, tham gia cuộc khảo sát.
Các nhà khảo sát thấy rằng “khoảng cách về hạnh phúc” giữa người dân các quốc gia này với dân các nước Tây Âu đã thu hẹp, nhờ những cải thiện ở vùng Trung Á, các nước vùng Baltic và Trung Âu, nhưng cũng một phần bởi người dân một số nơi ở châu Âu cảm thấy ít thỏa mãn hơn với cuộc sống, trong đó có người dân Đức và Ý.
Các kết quả khảo sát này tương đồng với các bằng chứng xuất hiện ngày càng nhiều trong năm 2016 về sự bất mãn đối với một số hiệu ứng của toàn cầu hóa, từ cuộc bỏ phiếu rời EU của người dân Anh, hay chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng EBRD, ông Sergei Guriev, nói cuộc khảo sát cũng cho thấy các quốc gia từng trong Liên Xô chỉ có thể chuyển đổi thành công từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang một nền kinh tế mở hơn nếu cả cộng đồng cùng thấy rằng tiến trình này là hợp lý và mang lại lợi ích cho số đông.
“Nếu cả cộng đồng không thấy các lợi ích từ cải tổ, cuối cùng họ sẽ không chuyển đổi thành công được”, ông nói.
Guriev nói một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với việc người dân cảm thấy không thỏa mãn với đời sống là chuyện mất việc làm. Các chính phủ, do đó cẩn đảm bảo công nhân được đào tạo các kỹ năng mới. Ông cũng cho rằng kết quả cuộc khảo sát chứng minh một thực tế rằng sự ủng hộ của người dân đối với nền dân chủ kiểu phương Tây và kinh tế thị trường ở các quốc gia được khảo sát đã phôi pha, không còn được như “thủa ban đầu”.
Bớt hào hứng với nền dân chủ
“Hầu hết số người được hỏi tại thời điểm này có vẻ không còn hào hứng với dân chủ kiểu phương Tây. Họ thích trở về thời bao cấp ngày xưa hơn”, Guriev nói với Reuters. “Điều đó đặt ra câu hỏi rất lớn: Có gì đó sai ở đây và cần phải làm gì?”.
Theo tờ Express của Anh, khoảng 64% người Nga, ở độ tuổi từ 10 trở lên khi Đảng Cộng sản Liên Xô còn đang nắm quyền điều hành đất nước, cho rằng chất lượng cuộc sống thời Liên Xô tốt hơn dưới thời tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin.
Người dân 9 trong số 11 quốc gia từng là thành viên Liên Xô cũng cho kết quả khảo sát tương tự như ở Nga.
Hơn ¼ thế kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, cuộc khảo sát có vẻ đưa ra một “cáo trạng” đối với các chế độ thời kỳ hậu cộng sản tại các quốc gia kể trên. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân ở các quốc gia này đã chứng kiến nhiều sự chao đảo, bất ổn. Tội phạm lan tràn, các cuộc lật đổ liên miên, nền tư bản hoang dã lộng hành, kinh tế suy thoái và các chế độ độc tài liên tục hoành hành sau khi ông Mikhail Gorbachev từ chức lãnh đạo Liên bang Xô viết.
Tại Azerbaijan, quốc gia nhiều dầu mỏ, 69% số người được hỏi nói dưới thời Liên Xô, cuộc sống tốt hơn nhiều. Ở Armenia, con số thậm chí còn cao hơn, 71%.
Còn tại Ukraine, đất nước trải qua thời kỳ khó khăn kinh tế và bất ổn chính trị lớn nhất kể từ năm 1991, 60% số người trên 35 tuổi cảm thấy đời sống thời Liên Xô tốt hơn nhiều.
Ở Belarus, quốc gia được xem là giống Liên Xô nhất trong số các cựu thành viên Liên Xô, khoảng 53% số người được hỏi tiếc nhớ cuộc sống thời mà thủ đô của họ là Moscow, thay vì Minsk như hiện tại.
Và ở Kazakhstan, cứ 5 người trên 35 tuổi lại có 3 người muốn quay về thời Liên Xô.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhieu-nguoi-o-cac-quoc-gia-tung-la-thanh-vien-nuoi-tiec-lien-xo-cu-d202204.html