| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 17:00

Sức khỏe - Gia đình

Nhận xét của Lê Quý Đôn về bão

Thứ Sáu 06/06/2008 - 08:30

Trên toàn lãnh thổ nước ta có nhiều loại thiên tai nhưng thiên tai lớn nhất vẫn là bão lũ. Vậy nên lịch sử nước ta không chỉ có chống giặc ngoại xâm mà còn phải thường xuyên chống bão lũ. Trong đời sống của người Việt phòng chống bão lũ trước tiên là làm cho mình một ngôi nhà vững chắc.

Để phòng chống lũ lụt phải tôn cao nền đất cho thích hợp. Để phòng gió to, chiều cao của nhà thường vừa phải. Những đình chùa, đền miếu thường xây bằng gạch đá, cột kèo làm bằng gỗ lim. Nhà dân thường đắp tường dày, cửa đóng, mở vững chắc đảm bảo an toàn cho người và lương thực trong lúc mưa bão. Về xã hội, từ xưa tới nay, các thế hệ nối tiếp đắp các đê biển, đê sông ở lưu vực sông Hồng, Thái Bình, sông Mã, sông Cả như một hệ thống trường thành bảo vệ thôn xóm. Ngoài ra, còn đào kinh dẫn thủy, nhập điền, tiêu úng, gia công cầu cống làm cơ sở đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp ổn định vững chắc.

Do sống trong tọa độ bão lũ chịu nhiều thiệt thòi nhưng những kinh nghiệm chống bão càng từng trải càng hiệu quả nhất là kinh nghiệm dự báo được đúc kết truyền khẩu hoặc viết thành sách vở lưu lại cho đời sau. Môn thiên văn học bắt nguồn từ thực tế trong việc chống thiên tai được xây dựng trên nền tảng văn minh nông nghiệp lúa nước.

Một số kinh nghiệm dự báo bão trong dân gian

Về mùa xuân: khi thấy măng mọc chui vào giữa bụi thì năm ấy sẽ có bão to, nếu không thì cũng nhiều bão. Tre trổ bông thì vùng đó có lũ lụt lớn. Hoặc:

-Tháng tám heo may chuồn chuồn bay thì bão.

-Ráng mỡ gà ai có nhà phải chống.

-Sáng ngày mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ), vào giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ, chân trời phương đông thanh quang thì mùa tới ít bão. Nếu nhiều mây u ám thì bão nhiều. Mỗi một đống mây là ký hiệu cho một cơn bão, từ đó đếm được số bão trong năm. 

Dự báo của nhà bác học

Từ xưa, người ta đã thiết lập ngành thiên văn kết hợp với lịch pháp để ứng dụng gọi là Thiên giám cương mục coi về các triền độ vì sao, mưa nắng, sương khói, gió mây… của bầu trời.

Đời nhà Trần có Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi).

Đời nhà Mạc có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đời Lê có bác học Lê Quý Đôn.

Đời Tây Sơn có La sơn phu tử Nguyễn Thiếp… là những người thông thiên văn lịch pháp!

Lê Quý Đôn nói về ngành thiên văn học như sau: Trời cao xa cách mặt đất không biết mấy muôn dặm. Môn học trắc nghiệm đo tính ngang dọc, xuôi ngược, thêm bớt, nhân chia thật chẳng hơn một trăm con toán mà đường vận hành vị thử trải qua của thất chính (5 sao kim, mộc, thủy, hỏa, thổ cộng với nhật nguyệt) và nhị thập bát tú (28 chòm sao) đều có thể biết được cả. Thì há chẳng phải cái thể của nó lớn lao, cái dụng của nó rất tinh vi mà quỹ đạo của nó rất thường độ hay sao? Nếu không hằng thường thì sao không được yên định. Nếu không yên định thì sao được lâu dài…

Sách thiên văn học trí thức nước ta thường quan tâm: Thiên văn nông gia chiêm bốc hoặc Tâm lược thiên khuông của Lưu Bá Ôn đời Minh.

Riêng bão của nước ta ghi chép mang tính quy luật, ngày xưa gọi là cữ trời:

Tiểu thử sợ gió đông, Đại thử sợ nắng đỏ. Hiện tượng này trong 2 tiết nếu xảy ra trong 10 ngày đều có bão.

Mồng 1 tháng 6 (ÂL) có sấm mùa đó sẽ có ít bão.

Mồng 1 tháng 7 (ÂL) có sấm mùa đó sẽ có nhiều bão.

Riêng ở Bắc Bộ bão thường xảy ra sau tiết Mang chủng.

-Mây như vẩy tê tê gắn chặt vào bầu trời sắp có gió to. Mây không di chuyển, trời lặng gió là có bão xa.

-Cơn mưa cơn gió lúc tạnh lúc nổi lên, gió lật lá lên, vít lá xuống là bão đang tới.

Bão xuất phát từ hướng đông nam thường đi về tây bắc đúng với quẻ Dịch vì hướng đông nam là quẻ Tốn Tỵ, tức là cửa gió.

Nếu nước ở lưu vực sông Hồng Hà và sông Thái Bình phả vào mặt đê là bão sắp tới. Nếu nước nhỏ mà không phả lên là bão còn ở xa. Điều này hoàn toàn ứng với truyền thuyết Thủy Tinh dâng nước lên đánh Sơn Tinh.

Mưa không quá Ngọ, gió không quá Mùi thì lúc đó không có bão còn vượt qua ngưỡng đó là có bão tới. Hồi còn nhỏ tôi được vinh dự làm mục đồng cưỡi trâu đi về trong giờ ngọ mùi thường chứng kiến cảnh đó. Trường hợp này chỉ ứng với thời kỳ lúc sinh thái cân bằng của thế kỷ trước. Còn bây giờ chưa hẳn đã đúng nữa…

Quá trình diễn biến của bão được Lê Quý Đôn định nghĩa miêu tả như sau: Bão có phần chữ phong là gió và chữ cụ là đủ. Nói gió từ ở bốn phương đông thổi đến. Bão nổi lên buổi sáng kéo dài 3 ngày, bão nổi lên buổi chiều kéo dài 7 ngày, bão nổi nửa đêm kéo dài 1 ngày. Lúc nổi lên bão từ đông bắc tới ắt từ hướng bắc thổi sang hướng tây. Từ tây bắc tới ắt từ hướng bắc thổi sang hướng đông rồi cùng hướng nam mà tắt dứt. Như vậy gọi là lạc tây (tắt ở phía tây) là hồi nam (quay về phía nam). Nếu bão không lạc tây hồi nam, tháng sau lại có bão nữa . Bão nổi lên thật đúng giờ. Bão nổi lên ban ngày thì ban ngày dứt, nổi lên ban đêm thì ban đêm dứt.

Trong ảnh chụp qua vệ tinh vòng xoáy của bão ngược kim đồng hồ. Bão hay gió nổi lên thời gian đúng với công thức sau: Tiêu tam tịch thất bán dạ nhất (sáng 3 chiều 7 nửa đêm 1 ngày). Cơn gió giật đổ nhà cửa là cơn gió mạnh nhất thường là hồi nam hay lại nam. Nhân gian có truyền khẩu nhiều trận bão lớn đổ đình chùa, bứt gốc cây đa, sạt núi, đổ cây nước (sóng thần) gây tai họa khủng khiếp… Chính vì thế, việc dự báo bão đã đi vào đời sống mọi mặt, chống đỡ bão lụt bằng cách sơ tán người và của ra khỏi vùng bão lũ. Chằng chống kho tàng, gia công đê kè vững chắc. Tuần tra kiểm soát an ninh trong bão. Sau cơn bão lũ, sửa chữa hạ tầng cơ sở bị hư hại, quyên góp vật chất, thuốc men, phòng chống bệnh dịch là những việc cấp bách để chiến thắng thiên tai.

Mặc dù việc dự báo thiên tai bây giờ có phương tiện khoa học hiện đại, có vệ tinh quan sát, có cả sự hợp tác toàn cầu. Nhưng bão lũ vẫn còn là đáp số bí ẩn khôn lường đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhan-xet-cua-le-quy-don-ve-bao-d14890.html