| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 09:56

Đất đai

Nhận diện 9 hành vi lãng phí về tài nguyên

Thứ Tư 14/05/2025 - 09:43

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã nhận diện 9 hành vi gây lãng phí về đất đai và các tài nguyên khác.

9 hành vi lãng phí 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa ban hành Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí.

Hướng dẫn nêu cụ thể các hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác, có 9 hành vi cần nhận diện để phòng chống. 

Thứ nhất, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch chồng lấn các loại đất. 

Thứ hai, gây ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên, năng lượng quốc gia, gây lãng phí. 

Thứ ba, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng, định mức, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả; chậm đưa vào sử dụng theo quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất; không thực hiện đúng thời hạn trả lại đất theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không sử dụng hết diện tích được giao. 

Thứ tư, giao đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Không thực hiện đấu giá, đấu thầu theo quy định đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gây lãng phí. Chậm thực hiện các thủ tục theo quy định để xác định giá đất, dẫn đến chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ảnh minh họa.

Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ảnh minh họa.

Thứ năm giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan; thực hiện dự án, khởi công công trình trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định, gây lãng phí. 

Thứ sáu, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, gây lãng phí. 

Thứ bảy, cấp phép, thăm dò, khai thác tài nguyên không đúng quy định, thẩm quyền, đối tượng; khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước vượt quá khả năng tái tạo, gây cạn kiệt và suy thoái môi trường; cố ý sử dụng công nghệ lạc hậu trong khai thác tài nguyên, gây lãng phí. 

Thứ tám, cấp giấy phép xây dựng cho công trình xây dựng không tuân thủ định mức về sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật, gây lãng phí.

Thứ chín, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu số trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây lãng phí.

Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp

Hướng dẫn số 63 cũng nêu về phạm vi, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc gây lãng phí.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án gây lãng phí đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xét thấy cần thiết trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

 Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo theo dõi, đôn đốc đối với các vụ án, vụ việc gây lãng phí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc các vụ án, vụ việc gây lãng phí không thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhan-dien-9-hanh-vi-lang-phi-ve-tai-nguyen-d753074.html