Chủ nhật 18/05/2025 - 14:30
Phóng sự
Nguyên nhân cái chết của Hoàng đế Quang Trung?
Thứ Tư 13/08/2008 - 07:45
* Xin cho biết Vua Quang Trung mất khi bao nhiêu tuổi và mất vì nguyên nhân gì? Nguyễn Thị Kim Hồng, Giồng Trôm, Bến Tre
Nguyễn Huệ tức Vua Quang Trung Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792). Ông sinh năm 1753 và mất năm 1792, hưởng dương có 39 tuổi (tuổi ta là 40). Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào. Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ được xem là anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.
Về nguyên nhân làm Quang Trung qua đời thì theo sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi giải thích như sau:
“Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: “Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng..."
Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi...". Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng một năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh". Theo một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận".
Gần đây BS Việt kiều Bùi Minh Đức (http://vietsciences.free.fr) đã căn cứ vào các ghi chép lịch sử nhận thấy về cái chết của Vua Quang Trung có ghi nhận 9 yếu tố định bệnh quan trọng trong giai đoạn khởi đầu bệnh trạng của bệnh nhân là: Bệnh nhân còn trẻ (40 tuổi); Đau đầu dữ dội, đột ngột; Xây xẩm, chóng mặt; Tối tăm, mắt nhìn không thấy; Hôn mê, ngất xỉu thình lình; Không vận động sức lực (khi xảy ra biến cố); Không bị tổn thương trên đầu; Bệnh nhân tỉnh lại; Bệnh nhân không bị hôn mê dài ngày. Căn cứ vào kiến thức y học hiện đại và các tư liệu lịch sử còn lưu lại, BS Bùi Minh Đức nhận định: Vua Quang Trung mất vì hai khả năng sau đây:
- Xuất huyết não dưới màng nhện do vỡ mạch phình.
- Viêm phổi hít (Aspiration Pneumonia) dẫn đến trụy hô hấp.
* Cờ tướng có phải do người Trung Quốc nghĩ ra và có khác gì với cờ tướng ở nước ta?
Trịnh Tiến Dũng, Can Lộc, Hà Tĩnh
Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc và Phó Tổng biên tập tạp chí Người chơi cờ thì cờ tướng không phải gốc ở Trung Quốc mà là ở Ấn Độ, từ đó lan ra Trung Á rồi tới lục địa Á Âu. Đến thế kỷ thứ 7 người Ả Rập chiếm Ba Tư, học cờ ở đó và cải tiến. Đến thế kỷ thứ 8 nhập vào châu Âu dưới hình thức cờ vua (cờ Quốc tế). Tương truyền có một nhà thông thái theo Ấn Độ giáo phát minh ra trò chơi Saturanga (thế kỷ 5-6) là tiền thân Tượng kỳ (tên gọi cờ tướng ở Trung Quốc). Tượng kỳ xuất hiện khoảng đời Đường- thế kỷ thứ 7.
Người Trung Quốc đã cải tiến cờ Saturanga, khiến trí tuệ hơn, trừu tượng hơn nhưng lại đơn giản hơn. Quân cờ dẹt xuống như cờ vây (do Trung Quốc phát minh). Không dùng các ô hai màu mà dùng đường vạch, thêm con sông làm biên giới, để tránh phạm thượng nên đã thay Vua bằng Tướng. Sang Việt Nam cờ tướng có những nét Việt hóa đáng kể. Tượng kỳ là cờ voi, còn ta gọi là cờ tướng, đúng với tính chất đánh trận.
Tượng kỳ ở Trung Quốc gắn với uy quyền, chính trường, dòng tộc, trường phái. Cờ tướng ở nước ta dân gian hơn, kết hợp với lễ hội cờ người, cờ bỏi (quân gỗ đóng vào cọc tre, cắm vào lỗ). Còn có loại cờ tướng không cần bàn cờ thường gọi là cờ mù đánh bằng óc tưởng tượng.
Còn có hình thức cờ giếng - dựng bàn bằng tre trên giếng làng, quân cờ được treo như đèn lồng. Hai đối thủ đi thuyền trong lòng giếng dùng sào móc quân đi. Còn có cả cờ bướm- quân cờ được các cô gái đóng, mỗi cô cầm hai chiếc quạt lớn trên có tên quân cờ, di chuyển như là múa. Tại các đền chùa xây trên núi ở nước ta còn thường có các bàn cờ tiên. Ở nước ta cờ tướng đã có từ trên 700 năm.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguyen-nhan-cai-chet-cua-hoang-de-quang-trung-d18790.html