| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 13/05/2025 - 09:21

Thị trường

Nguy cơ từ chất nhuộm Sudan trong bột nghệ và rủi ro với hàng xuất khẩu

Thứ Ba 13/05/2025 - 09:17

Việc sử dụng chất nhuộm Sudan để tạo màu cho bột nghệ không chỉ gây hại sức khỏe mà còn đe dọa cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Đài Loan.

Vì chạy theo thị hiếu chuộng màu sắc đậm, bắt mắt, một số cơ sở đã pha trộn chất nhuộm công nghiệp Sudan vào bột nghệ. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn khiến nông sản Việt đối mặt với nguy cơ bị cấm nhập khẩu vĩnh viễn tại nhiều thị trường.

Theo TS Ngô Xuân Nam, năm 2024 Đài Loan đã giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho sản phẩm ớt nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo TS Ngô Xuân Nam, năm 2024 Đài Loan đã giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho sản phẩm ớt nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Bột nghệ là nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực và y học cổ truyền châu Á. Từ lâu, nghệ được tin dùng nhờ các công dụng hỗ trợ tiêu hóa, kháng viêm, làm đẹp và phòng chống ung thư. Màu sắc tự nhiên của bột nghệ nguyên chất thường dao động từ vàng nhạt đến vàng cam, phụ thuộc vào giống cây, điều kiện canh tác và phương pháp chế biến.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại tin rằng bột nghệ màu càng đỏ cam thì càng nguyên chất, khiến một số nhà sản xuất cố tình pha trộn chất tạo màu cấm để nâng độ đậm, dễ bán hơn và tăng lợi nhuận.

Chất nhuộm Sudan, bao gồm các loại Sudan I, II, III, IV, thuộc nhóm Azo, có màu đỏ cam đặc trưng, tan trong dầu và thường được dùng trong công nghiệp để nhuộm mỡ, cao su, da hoặc sáp. Sudan hoàn toàn bị cấm sử dụng trong thực phẩm tại nhiều nước do khả năng gây ung thư, đột biến tế bào và ảnh hưởng nghiêm trọng tới gan, thận, hệ thần kinh. Đặc biệt, Sudan còn có thể gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, trẻ em nếu tích tụ lâu dài.

Dù khó phân biệt bằng mắt thường, một số dấu hiệu có thể giúp nhận diện bột nghệ bị pha Sudan như: màu sắc quá tươi, đỏ cam rực; khi pha nước để lại lớp váng màu đỏ hoặc vệt dầu; khó rửa sạch trên bát, thìa; mùi hắc nhẹ; giá rẻ bất thường.

Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chất Sudan từng được phát hiện trong các lô bột nghệ xuất khẩu sang Đài Loan. Các sản phẩm nhiễm Sudan đều bị trả về hoặc tiêu hủy, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị cấm vĩnh viễn. “Chỉ cần một lượng nhỏ Sudan, toàn bộ lô hàng sẽ bị từ chối. Rủi ro không chỉ là kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín nông sản Việt”, ông Nam cho biết.

Các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Ảnh: minh họa.

Các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Ảnh: minh họa.

Đài Loan hiện là một trong những thị trường có nhu cầu cao đối với bột nghệ Việt Nam, nhờ xu hướng tiêu dùng sản phẩm thảo dược. Tuy nhiên, nước này áp dụng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA), bột nghệ được phân loại theo hai nhóm: thực phẩm thông thường và thực phẩm có công dụng sức khỏe.

Với nhóm thực phẩm thông thường, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và đặc biệt là không chứa chất cấm như Sudan. Với nhóm có công dụng sức khỏe - thường gắn nhãn quảng cáo như giảm viêm, tăng miễn dịch, chống oxy hóa - sản phẩm phải được đăng ký, phê duyệt, kiểm nghiệm và chứng minh công dụng theo Luật Thực phẩm chức năng Đài Loan.

Ngay cả với sản phẩm không gắn công dụng chức năng, quy trình nhập khẩu vẫn bắt buộc phải đăng ký kiểm tra TFDA, bao gồm xét nghiệm vi sinh, kim loại nặng, chất màu bị cấm… Trong số này, Sudan được liệt vào danh mục theo dõi nghiêm ngặt.

Từ thực tế này, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, lựa chọn nhà cung cấp uy tín, tuân thủ quy trình chế biến và thực hiện kiểm nghiệm định kỳ trước khi xuất khẩu. “Không có chỗ cho sự chủ quan trong các thị trường có hàng rào kỹ thuật cao. Một sai sót nhỏ có thể khiến doanh nghiệp mất cả thị trường”, ông nhấn mạnh.

Đối với người tiêu dùng trong nước, ông Nam khuyến nghị không nên mua bột nghệ không nhãn mác, trôi nổi hoặc giá rẻ bất thường. Người tiêu dùng nên ưu tiên sản phẩm có công bố chất lượng rõ ràng, nguồn gốc minh bạch và sản xuất bởi các cơ sở uy tín.

Ngoài ra, có thể áp dụng một số cách kiểm tra đơn giản tại nhà như hòa bột nghệ vào nước lạnh để quan sát có váng đỏ nổi lên hay không; hoặc dùng khăn giấy lau để xem bột có để lại vệt màu bất thường. Dù các phương pháp này không hoàn toàn chính xác, chúng có thể giúp sàng lọc bước đầu và giảm thiểu rủi ro.

“Chỉ một thìa bột nghệ pha hóa chất có thể không gây hại ngay lập tức, nhưng tích lũy qua thời gian sẽ trở thành mầm bệnh cho cả gia đình”, TS Nam chia sẻ. “Hãy chọn lựa bằng sự tỉnh táo, đừng để vẻ ngoài bắt mắt hay mức giá rẻ đánh đổi bằng cái giá quá đắt của sức khỏe và tương lai”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguy-co-tu-chat-nhuom-sudan-trong-bot-nghe-va-rui-ro-voi-hang-xuat-khau-d752813.html