Cô kính mến!
Hiện nay, theo cháu biết, rất nhiều nhà không xoay nổi người giúp việc. Do dịch bệnh, người làm bỏ về quê gần hết và họ không dám trở lại nữa. Hồi trước, bao nhiêu trung tâm môi giới, bao nhiêu người quen tự dắt dây nhau vào thành phố tìm việc, kiếm sống. Nay cạn kiệt một cách kỳ lạ đó cô.
Nhiều năm thuê người và có thuê nhiều người, cháu nhận xét thế này không biết có đúng không. Thứ nhất, ít nhà thuê lâu bền một người, là do người ít học của mình lười và tham vặt. Camera kín cho thấy không có chủ nhà ở nhà thì họ làm bôi bác, làm qua quấy và bật ti-vi thật to cho sướng tai.
Riêng cháu phải đuổi ba người giúp việc, người này thì ăn cắp có tổ chức (giấu tiền rồi ra bưu điện nói gửi bưu kiện là quà, thật ra là nhét tiền vào đó gửi đi), người nữa thì lấy nhíp gắp tiền bỏ ống trong con lợn gốm trên bàn học của con cháu, người nữa để ý mã số két và có lần cháu quên chìa két ở nhà, mãi sau kiểm ra thì cô ta rút mỗi xấp tiền một ít để không bị phát hiện. Nhưng không thể không có người giúp việc cô ạ. Cứ thay hoài, không ai ưng ý.
Bạn của cháu lấy chồng Tây, nó thuê người Philippines chứ không thuê người Việt đó cô. Vợ chồng nó ở khu Thảo Điền, cả một hội thuê giúp việc người Phi, rất ổn cô ạ. Trả lương cao, dĩ nhiên, nhưng gắn bó, tin cậy, không lo kỹ năng kém, hay làm hư hỏng đồ đạc, hay đưa chuyện trên điện thoại hoặc hay ăn cắp vặt cô ạ. Theo cô, vì sao? Cùng nước Đông Nam Á với nhau, sao người của người ta khác người mình dữ vậy cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu có người giúp việc tăng cao. Quy luật mà. Người có tiền chi ra, cho những người yếm thế có cái sinh nhai. Ngày xưa phải giàu lắm mới thuê người, điền chủ, nhà buôn, công chức cấp cao, sĩ quan quân đội thu nhập cao…
Bẵng đi thời hậu chiến và bao cấp cào bằng nghèo, không ai đi làm đày tớ theo quan niệm thời đó, phần vì làm vậy là bị bóc lột. Hình như sau 1990, chủ yếu từ năm 2000 đến nay, người Việt đô thị xem thuê người như một trong những tiêu chí chỉ mức sống, chỉ đẳng cấp.
Khổ thay, nhu cầu lớn, đội quân đông nhưng người giúp việc không có kỹ năng, không tay nghề gì cả. Gần như là nguyên gốc nhà nông khăn gói đi thành phố, xong. Dĩ nhiên không biết sử dụng tiện nghi, không biết sử dụng thời gian hợp lý, không biết gu ẩm thực dân thành phố có khác với nông thôn, không biết nhiều thứ lý ra phải được tập huấn để biết.
Đã vậy, thói hư tật xấu của người ít học lại nguyên xi như cháu đã liệt kê ra: lười nhác, so bì, để ý, buôn chuyện, ăn cắp vặt, lãn công, ở bẩn, nói dối… Vì sao? Vì nước mình nông nghiệp lạc hậu ngàn năm, bỗng chốc một bộ phận dân có ăn có để trong vòng ba mươi năm trong khi khoảng cách giàu nghèo vẫn nguyên như xưa, làm sao đẩy người nghèo nhích ra khỏi cái vũng lạc hậu được? Quá trình biến đổi một con người phải cả một đời, phải thế hệ con hay cháu của người giúp việc ấy may ra mới ít lạc hậu đi.
Ở các nước, nhất là Philippines, nhà nước và dân chúng đồng tâm làm nên một đội ngũ giúp việc chuyên nghiệp cung cho toàn thế giới. Như Thái Lan quyết làm ra du lịch có sex vậy. Như Việt Nam mình muốn làm ra du lịch bằng thế mạnh ẩm thực vậy. Cho nên thế giới truyền tai nhau, thuê người Phi nhé. Quả nhiên, khi đã có chiến lược quốc gia thì có đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ (tiếng Anh), văn hóa về sự khác biệt… Và nhất là được rèn luyện sự trong sạch, lấy sự trong sạch làm thương hiệu quốc gia…
Trong khi Việt Nam ta ngập trong chiến tranh, người Phi đã đi khắp thế giới làm giúp việc, chừng như 70 năm hoặc 50 năm nay, thương hiệu người Phi không ai ở Đông Nam Á vượt được. Thuê người là phải có camera để theo dõi họ. Phải cẩn trọng tiền nong, nữ trang… đừng khiến họ động lòng tham. Và phải chấp nhận không thói này thì tật kia, người Việt mình là vậy, còn hỗn, còn ác (với trẻ con và người già nữa).
Đành thôi cháu ạ. Gì cũng so với nước người ta thì hết sống luôn. Nên nhớ là ở Mỹ, ở EU, ở Nhật… các nước giàu sụ, đa số phụ nữ học xong ở nhà làm việc tại gia hoặc làm gì đó để ôm con, không thuê nổi giúp việc đâu. Việt Nam mình được cái thuê người rẻ, dễ thuê, biết vậy để thấy dù sao cũng có mặt khả dĩ để so sánh.