| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 01/05/2025 - 07:48

Phóng sự

Người cán bộ trẻ và 3 giá trị mang về từ nước Mỹ

Thứ Năm 01/05/2025 - 07:46

Đặng Xuân Thái, viên chức biệt phái, Phòng Thị trường Carbon, Cục Biến đổi Khí hậu chia sẻ về ba điều học được sau 9 năm đi làm và học tập trên nước Mỹ.

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội. Ông bà, bố mẹ đều là những người đã và đang công tác trong lực lượng vũ trang, là sĩ quan, quân nhân, công nhân viên quốc phòng. Chính từ mái nhà thấm đẫm tinh thần kỷ luật và lòng yêu nước ấy, tôi lớn lên với sự ngưỡng mộ thầm lặng đối với lịch sử dân tộc.

Những buổi thắp hương tri ân liệt sĩ vào dịp 27/7, những câu chuyện chiến tranh đầy xúc động mà ông bà, bố mẹ kể lại, đã âm thầm gieo vào tôi một tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc.

Tình yêu ấy không bộc lộ bằng những lời hoa mỹ, mà lớn dần theo năm tháng, lặng lẽ và bền bỉ như mạch nguồn không bao giờ cạn.

Đặng Xuân Thái, viên chức biệt phái, Phòng Thị trường Carbon, Cục Biến đổi Khí hậu (ảnh giữa): Ảnh: NVCC.

Đặng Xuân Thái, viên chức biệt phái, Phòng Thị trường Carbon, Cục Biến đổi Khí hậu (ảnh giữa): Ảnh: NVCC.

Năm 2013, ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi sang Mỹ du học. Đó là lần đầu tiên tôi xa Việt Nam.

Giữa sân bay rộng lớn và xa lạ, cảm giác nhỏ bé, trống trải nhanh chóng nhường chỗ cho một khát vọng mãnh liệt: được học hỏi, được vươn lên, được hiểu thêm về thế giới để rồi có ngày trở về đóng góp cho quê hương, dù khi ấy tôi chưa biết cụ thể ngày ấy là khi nào.

Thời gian đầu ở Mỹ là những ngày đầy thử thách, không chỉ bởi khác biệt về môi trường sống mà còn bởi sự khác biệt trong cách nhìn nhận về Việt Nam.

Với nhiều người bạn học Mỹ, chiến tranh Việt Nam chỉ là một phần quá khứ xa xăm, dần phai mờ trong ký ức. Còn thế hệ của chúng tôi, chiến tranh chỉ được biết qua lời kể của ông bà, qua bài học lịch sử, nơi bảo tàng ghi dấu những năm tháng kiên cường của đất nước.

Sau khi hoàn thành chương trình đại học, tôi may mắn có cơ hội làm việc tại một tập đoàn lớn ở Mỹ. Đây là quãng thời gian tôi được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật và giàu tính thực tiễn.

Những đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới giúp tôi mở rộng tầm nhìn về sự đa dạng văn hóa và khả năng hợp tác xuyên biên giới. Mỗi ngày làm việc là một cơ hội để tôi học cách xử lý vấn đề nhanh gọn, hiệu quả nhưng vẫn đầy trách nhiệm và nhân văn.

Trong suốt thời gian ấy, tôi nhận ra ba giá trị cốt lõi luôn gắn bó mật thiết với mình: sự chăm chỉ, sự chân thành và lòng nhiệt huyết. Đây chính là hành trang quý giá nhất mà tôi tích lũy được, vượt trên mọi bằng cấp hay kỹ năng chuyên môn.

Tưởng như con đường sự nghiệp của tôi sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đó. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến nên mọi kế hoạch của tôi đã thay đổi.

Thời gian tạm dừng công việc trong đợt giãn cách xã hội trở thành một khoảnh khắc quan trọng để tôi tự vấn: “Rốt cuộc, mình đang sống và cố gắng vì điều gì?”, “Liệu thành công ở một đất nước khác có thực sự mang lại hạnh phúc lâu dài?”

Tôi bắt đầu nhận ra, không gì quý hơn tình cảm gia đình, và rằng lý tưởng sống của mình không thể tách rời khỏi cội nguồn nơi mình đã sinh ra, lớn lên và thấm đẫm tình yêu nước từ thuở nhỏ.

Sau chín năm học tập và làm việc tại Mỹ, tôi quyết định trở về Việt Nam.

Đặng Xuân Thái, Bí thư Ban chấp hành Đoàn Cục Biến đổi Khí hậu trong một lần đi Yên Bái hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân đang bị ngập lụt. Ảnh: NVCC.

Đặng Xuân Thái, Bí thư Ban chấp hành Đoàn Cục Biến đổi Khí hậu trong một lần đi Yên Bái hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân đang bị ngập lụt. Ảnh: NVCC.

Đó không chỉ là sự trở về theo nghĩa địa lý, mà là sự trở về của một tâm hồn đã trưởng thành, sẵn sàng đóng góp cho quê hương bằng tất cả những gì mình tích lũy được.

Trong suốt những năm tháng sống xa quê, tôi luôn theo dõi sự phát triển của đất nước bằng ánh mắt đầy tự hào.

Chỉ chưa đầy 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những thành tựu đó không chỉ là con số, mà là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, sáng tạo và kiên cường của dân tộc.

Chúng thôi thúc tôi tin rằng: đây chính là thời điểm thích hợp để trở về, để góp phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển đất nước.

Hiện tại, tôi đang công tác trong một cơ quan nhà nước, ở lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên môn được đào tạo. Công việc mới mang đến không ít thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tôi thử thách bản thân, áp dụng những giá trị từng học được ở Mỹ vào bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Trên hành trình mới, tôi luôn giữ vững ba giá trị cốt lõi: chăm chỉ, chân thành và nhiệt huyết, đó là kim chỉ nam định hình phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Ở Mỹ, chăm chỉ không chỉ là làm việc nhiều mà còn là làm việc có kế hoạch, kỷ luật và hướng tới kết quả cụ thể. Áp dụng vào lĩnh vực mới mẻ như thị trường carbon tại Cục Biến đổi khí hậu, sự chăm chỉ là nền tảng để học hỏi liên ngành, kiên trì xây dựng từ nền móng trong bối cảnh hệ thống pháp lý còn đang hoàn thiện.

Chân thành giúp tôi xây dựng lòng tin trong môi trường làm việc đa văn hóa. Giao tiếp trung thực, dám nhận hạn chế và đặt lợi ích chung lên trên sẽ tạo uy tín cá nhân vững chắc, đặc biệt khi thị trường carbon còn nhiều nghi ngại từ xã hội và doanh nghiệp.

Cuối cùng, nhiệt huyết không chỉ là cảm xúc mà là cam kết lâu dài, tinh thần học hỏi và sáng tạo không ngừng. Sự chủ động trong kết nối, đề xuất chính sách và học hỏi quốc tế sẽ giúp tôi góp phần tham mưu cho lãnh đạo Cục, lãnh đạo Bộ đưa ra các chính sách thúc đẩy cơ chế tín chỉ carbon, một công việc tuy khô khan nhưng mang ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh cho Việt Nam.

Tôi tin rằng, ở bất kỳ vị trí nào, chỉ cần giữ được niềm tin và những giá trị đúng đắn, mỗi cá nhân đều có thể đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung. Đó không chỉ là cách tôi tiếp nối truyền thống của gia đình, mà còn là cách tôi tiếp nối truyền thống dân tộc bằng tri thức, bằng công nghệ, và bằng một trái tim luôn hướng về Tổ quốc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguoi-can-bo-tre-va-3-gia-tri-mang-ve-tu-nuoc-my-d749823.html