Chủ nhật 04/05/2025 - 08:27
Khoa học - Công nghệ
Người bạn gần gũi, mật thiết của ngành khoa học nông nghiệp
Chủ Nhật 04/05/2025 - 08:22
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hi vọng Báo Nông nghiệp và Môi trường luôn đổi mới hình thức hoạt động, gắn bó chặt chẽ hơn với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu trong Bộ.
- Ban Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đơn vị đầu mối
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Bộ Nông nghiệp và Môi trường là niềm tự hào lớn
- Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: 'Môi trường an lành, nông nghiệp thịnh vượng'
Người bạn gần gũi, mật thiết
Là đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong nhiều năm qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường) luôn là người bạn gần gũi, mật thiết nhất, luôn đồng hành cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong việc truyền tải các kết quả nghiên cứu, các công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới nhất tới các địa phương và nông dân.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.
Rất nhiều kết quả nghiên cứu về giống cây trồng mới, về kỹ thuật canh tác mới của Viện đã được Báo chuyển tải, qua đó nông dân và các cán bộ quản lý, các cơ quan khuyến nông ở các địa phương có thể tiếp cận thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, ứng dụng trong sản xuất. Không chỉ truyền tải những kết quả nghiên cứu, Báo cũng là một kênh cung cấp thông tin quan trọng giúp Viện sớm nắm bắt được những vấn đề phát sinh trong sản xuất để xây dựng các ý tưởng và tổ chức hoạt động nghiên cứu, phục vụ tốt nhất nhu cầu cấp bách của các địa phương.
Có rất nhiều kỷ niệm, đặc biệt là những chuyến khảo sát, những lần cùng Báo thực hiện các phóng sự dài kỳ hay những lần tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Dù ở bất cứ địa bàn nào, vào thời điểm nào, có lúc được chúng tôi thông báo trước vài ngày nhưng cũng có lúc là nửa đêm nhưng phóng viên của Báo vẫn luôn có mặt tham dự các sự kiện có liên quan đến chia sẻ kiến thức khoa học cho nông dân.
Với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là được đồng hành cùng Báo trong việc đưa tin và hướng dẫn nông dân khắc phục sự cố xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 - 2016. Khi vừa nhận được nguồn tin từ phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ về sự cố xâm nhập mặn gây hại cho lúa đông xuân, chúng tôi đã có mặt cùng nhau đồng hành xác định mức độ, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất đăng tải ngay giải pháp bước đầu để khắc phục.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (giữa) cùng nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) trong một lần đi kiểm tra sản xuất lúa ở phía Bắc. Ảnh: Lê Bền.
Báo cũng luôn theo sát chúng tôi trong suốt quá trình thảo luận với các cơ quan quản lý để đưa ra quy trình sản xuất thích ứng với xâm nhập mặn, đang tải rất nhiều thông tin về kỹ thuật cũng như giải pháp tổ chức thực hiện. Cuối cùng là thống nhất cùng phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức thí điểm một số mô hình ứng phó, kịp thời đưa tin về kết quả mô hình để triển khai nhân rộng với phương châm “làm đến đâu phổ biến đến đó”.
Cơ hội nghiên cứu chuyên sâu, liên lĩnh vực
Nông nghiệp và môi trường là lĩnh vực khoa học có nhiều nội dung giao thoa, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang hướng tới nền sản xuất xanh; sản xuất an toàn, bền vững; sản xuất hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu, một môi trường sản xuất tốt sẽ là đầu vào quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho một sản phẩm chất lượng, an toàn. Mặt khác, sản xuất luôn phải gắn liền với bảo vệ môi trường và khai thác bền vững nguồn tài nguyên (đất, nước).
Trong nhiều năm qua, trong khuôn khổ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam luôn quan tâm và lồng ghép hoạt động nghiên cứu bảo vệ môi trường trong các đề tài, dự án khoa học, đặc biệt là các nội dung nghiên cứu về xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường làng nghề; giải pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải nông thôn; thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV; thu gom và xử lý chất thải trong các cơ sở chế biến nông sản; giải pháp tận dụng, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, sản xuất than sinh học hay nghiên cứu về tác động và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình đo đạc phát thải khí nhà kính…

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (giữa) cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến (bìa trái) thăm và làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Minh Đãm.
Trong những năm tới, hàng loạt nội dung Viện đang muốn đề xuất đưa vào nghiên cứu như nghiên cứu tác động động của chuyển đổi cơ cấu cây trồng và biến đổi khí hậu đến chất lượng môi trường đất và đa dạng sinh học; nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng môi trường đất với chất lượng nông sản và các giải pháp khắc phục ô nhiễm trên các vùng đất sản xuất… Việc sáp nhập Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ hội tốt để Viện tiếp tục thực hiện nội dung nghiên cứu có tính chuyên sâu, liên lĩnh vực như vậy.
Đặc biệt, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu cơ bản, đặc thù như nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng môi trường và chất lượng nông sản. Việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng để giúp cơ quan nghiên cứu có thể yên tâm đề xuất các ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo hơn trong nghiên cứu và triển khai các nội dung nghiên cứu cơ bản, tạo nền tảng để phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Chúng tôi hi vọng trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan quản lý sẽ ban hành những quy định và chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta hướng nghiên cứu khoa học tới những sản phẩm đột phá hơn, cạnh tranh hơn.
Điểm tựa vững chắc của nông dân
Báo Nông nghiệp và Môi trường ra đời với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ mở ra chặng đường mới, tương lai, sứ mệnh, vai trò mới, với nhiều hơn những lĩnh vực cả về nông nghiệp và môi trường bao trùm tổng thể đời sống kinh tế - xã hội và ngành NN-PTNT.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn kiểm tra phát triển cây ăn quả tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.
Với nền tảng đa dạng các loại hình, sản phẩm báo chí như báo giấy, báo điện tử, báo nói và báo hình, cùng đội ngũ phóng viên giàu kinh nghiệm, luôn sâu sát với thực tiễn và nền tảng công nghệ số, chúng tôi hi vọng Báo sẽ luôn đổi mới hình thức hoạt động, gắn bó chặt chẽ hơn với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu khác trong Bộ để kịp thời nắm bắt, phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh trong sản xuất, những mô hình hay, sáng tạo từ thực tiễn, những kiến nghị từ các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân để giúp chúng tôi xây dựng định hướng nghiên cứu sát thực nhất, cùng chúng tôi tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm với các đối tác khác nhau để xác định ưu tiên nghiên cứu, chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu một cách nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực nhất.
"Chúng tôi luôn coi Báo Nông nghiệp Việt Nam trước đây, nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường là người bạn gần gũi, thân thiết, đồng hành cùng chúng tôi trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Nhân dịp này, thay mặt Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tôi xin gửi tới Báo Nông nghiệp và Môi trường lời chúc tốt đẹp nhất, chúc Báo luôn thành công và là điểm tựa vững chắc của mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là nông dân Việt Nam".
(GS.TS Nguyễn Hồng Sơn).
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguoi-ban-gan-gui-mat-thiet-cua-nganh-khoa-hoc-nong-nghiep-d742507.html